📞

Đừng đặt cược cho tiến trình Brexit!

11:34 | 05/10/2016
Đó là cảnh báo của David A. Welch, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế, về việc thực thi tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh, còn gọi là Brexit. 
Một khi được tiến hành, Brexit sẽ là vụ “ly hôn” phức tạp nhất mọi thời đại. (Nguồn: Twitter)

Cuối tuần qua, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà sẽ kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon trước cuối tháng 3/2017, đưa nước Anh theo hướng tiến tới thực thi Brexit. Tuy vậy, nhà nghiên cứu David A. Welch cho rằng, người Anh đừng quá hy vọng vào điều đó.

Vẫn chưa tiến triển thực sự

Kể từ khi các cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU với số phiếu sít sao 51,9% ủng hộ “ra đi” so với 48,1% “ở lại” trong cuộc trưng cầu ý dân hơn ba tháng trước, hiện gần như không có tiến triển thực sự nào để tiến tới thực thi Brexit. Điều này không đáng ngạc nhiên bởi từ trước đến nay, chưa một quốc gia thành viên nào rời khỏi EU, đồng nghĩa với việc chưa có mẫu hình nào để Anh đi theo.

Hơn nữa, việc chuẩn bị một danh sách những việc cần làm là một nhiệm vụ đầy khó khăn với London, trong bối cảnh Anh đã kết hợp mọi luật lệ, quy tắc và hệ thống để quản lý các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người. Một khi được tiến hành, Brexit sẽ là vụ “ly hôn” phức tạp nhất mọi thời đại.

Giống như những “nhà thông thái” ở mọi nơi khác, các cử tri ủng hộ Brexit muốn được hưởng lợi từ kết quả bỏ phiếu của họ: đó là giành được sự độc lập lớn hơn khỏi Brussels, cả về mặt biểu tượng lẫn thực tế; được hoàn toàn kiểm soát vấn đề nhập cư; thoát khỏi sự ràng buộc về tài chính và tiếp tục tiếp cận thị trường chung EU.

Rõ ràng, đây chỉ là điều mơ tưởng. Các quan chức EU và lãnh đạo các nước thành viên EU khẳng định rằng Anh sẽ không nhận được sự đối đãi đặc biệt nào. Hơn nữa, Anh phải kích hoạt Điều khoản 50 trước khi họ đàm phán về các thỏa thuận hậu Brexit. Điều này khiến các nhà lãnh đạo Anh gần như “mù tịt” về thỏa thuận nào mà họ có thể đàm phán và họ chỉ có 2 năm để đạt được chúng một khi họ được thông báo.

Ngay cả nhà lãnh đạo cũng chần chừ

Bà May đã phản đối Brexit trước khi cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức và không bày tỏ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bà đã thay đổi quan điểm kể từ đó. Giống như bất kỳ chính trị gia hiểu biết nào khác, bà không thể phớt lờ ý nguyện của các cử tri, nhưng bà biết rõ rằng Brexit sẽ mang lại hậu quả tồi tệ cho nước Anh và đặc biệt là sẽ rất tồi tệ với bản thân bà.

Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như vào tháng 3/2017, thay vì kích hoạt Điều 50, bà May kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm để bà có quyền không phải thực hiện “nghĩa vụ Brexit” nữa. Bà có thể thuyết phục rằng sẽ không có một thỏa thuận Brexit có lợi nào và rằng các cử tri ủng hộ Brexit đã bỏ phiếu trên cơ sở không có đủ thông tin chính xác và giờ đây họ có quyền suy nghĩ lại. Bà có thể tránh nguy cơ một cuộc trưng cầu ý dân lần hai với việc nhấn mạnh rằng việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử là “phương thức truyền thống” để Chính phủ Anh tìm kiếm sự ủy thác từ các cử tri.

Lời kêu gọi bầu cử sẽ khiến đảng đối lập xáo trộn. Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn sẽ hoàn toàn không thể đề xuất một giải pháp thay thế đáng tin cậy. Và nhiều người ủng hộ đảng Quốc gia Scotland (SNP) - vốn mong muốn ở lại EU hơn là giành độc lập - sẽ bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ để loại bỏ khả năng Brexit.

Kết quả của những động thái này là bà May có thể giành đa số phiếu, lãnh đạo thời kỳ bùng nổ kinh tế lớn nhất của Anh thời hậu chiến và ghi tên vào lịch sử với tư cách vị Thủ tướng vĩ đại nhất kể từ thời Winston Churchill vì đã cứu nước Anh và EU khỏi “đại họa” gần như chắc chắn xảy ra.

(theo The Globe and Mail)