Mọi người thường nghĩ rằng, hầu hết các quyết định quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) được đưa ra ở Paris, Berlin hay Brussels. Tuy nhiên, những tháng gần đây, trong lúc EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách của liên minh.
Nhân tố chia rẽ liên minh
Hiện nay, các quốc gia thành viên EU đang chia rẽ trong vấn đề quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước láng giềng không mấy thân thiện cũng như luôn có tâm lý dè chừng phương Tây. Quan hệ EU – Nga từ lâu đã gắn liền với “lợi ích chính trị, an ninh, kinh tế đa dạng” của từng nước thành viên liên minh. Vì vậy, khi EU quyết định áp đặt lệnh trừng phạt Nga vì hành động sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014, nhiều quốc gia thành viên EU đã tỏ ý không đồng tình với chính sách này của liên minh bởi họ muốn xây dựng quan hệ hợp tác lâu bền với Moscow.
Có thể thấy, các thành viên mới của EU như Estonia, Ba Lan, Thụy Điển cùng với Anh đã phản đối mạnh mẽ các hành động của Nga. Tuy nhiên, Áo, Cyprus, Cộng hòa Czech, Hy Lạp, Hungary, Italy… lại miễn cưỡng tham gia lệnh trừng phạt Nga của EU và vẫn bày tỏ thái độ thân thiện với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Quan hệ Nga - EU đang trong giai đoạn khó khăn. (Nguồn: Sputnik) |
Không giống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng thời đang đàm phán gia nhập EU. Tuy nhiên, chính quyền Ankara hiện nay, dưới sự điều hành của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, cũng được đánh giá là nhân tố làm chia rẽ châu Âu không kém gì Điện Kremlin.
Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ từng là một quốc gia có nhiều tiềm năng trở thành thành viên EU cũng như là hình mẫu cho nền dân chủ tự do Hồi giáo. Tuy nhiên, ngày nay, quốc gia Trung Đông này được xem là một vùng đệm địa chính trị, là “đấu trường” của các cường quốc khu vực và thế giới.
Đối với các nước châu Âu như Đức hay Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ là một điểm trung chuyển người tị nạn từ Trung Đông. Trong khi đó, giới lãnh đạo chính trị ở Áo và Pháp lại đang có xu hướng chỉ trích ông Erdogan nhằm thu hút cử tri theo cánh hữu. Thực tế đó đang đặt ra nhiều khó khăn hơn cho thỏa thuận giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc đẩy từ đầu năm nay nhằm hỗ trợ tài chính cho Ankara, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đi vào EU, cũng như hợp tác trong quản lý người di cư.
Chủ nghĩa đa cực ở châu Âu
Giới phân tích cho rằng, những tuần tới là giai đoạn thử thách quyết tâm của châu Âu đối với vấn đề trừng phạt Nga cũng như thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong lúc uy tín của bà Merkel đang suy giảm. Trong trường hợp những chính sách này thất bại, điều đó có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở châu Âu.
Có thể thấy, châu Âu đang gặp rắc rối trong duy trì quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi châu Âu không thể dung hòa việc đảm bảo các lợi ích địa chính trị với tham vọng bảo vệ quyền con người và những quy tắc pháp luật quốc tế. Trên thực tế, EU dường như không có nền tảng nhận thức chung đối với các nước láng giềng của liên minh, đặc biệt là những nước không chủ động chấp nhận các nguyên tắc và luật lệ của EU.
Tuy nhiên, vấn đề của EU với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đơn thuần là sự xung đột bản sắc và chính sách, nó còn bắt nguồn sâu xa từ cục diện quan hệ quốc tế ở châu Âu. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, EU và NATO là hai cơ chế tiên phong trong việc phát triển một trật tự đơn cực nhằm đảm bảo an ninh cho châu Âu. Dù vậy, có thể nói rằng nỗ lực này đã không thành công.
Sáu năm trước, trong một bài viết đăng trên mạng của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, Ivan Krastev (học giả tại Viện Nghiên cứu Nhân văn Vienna, Áo) và tôi đã cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa đa cực ở châu Âu, tức là các nguyên tắc và thể chế ảnh hưởng đến các quốc gia châu Âu không chỉ được quyết định bởi EU. Kịch bản này đang dần trở thành hiện thực.
Ngày nay, EU chỉ là một trong nhiều kế hoạch lớn của châu Âu. Nước Nga, vốn đang có tâm lý thù địch với EU cũng như NATO, đã tạo ra Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) như một giải pháp thay thế cho các cơ chế kinh tế của EU. Bên cạnh đó, Nga cũng cố gắng làm suy yếu các cơ chế an ninh chung của châu Âu như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hay Hội đồng châu Âu (EC).
Bản đồ các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu. (Nguồn: The Daily Economist) |
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không còn giữ được vai trò như một thành viên của NATO hay đối tác quan trọng của EU tại khu vực. Chính sách đối ngoại của Ankara thay đổi nhanh chóng, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước láng giềng. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn là một nhân tố quan trọng tại khu vực bởi vị trí địa chính trị, địa chiến lược của mình.
Trong bối cảnh quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bị chững lại trong khi xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, EU cần phải xem xét lại mối quan hệ phức tạp với Moscow và Ankara. Châu Âu đang rất lo ngại trước khả năng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một liên minh nhằm chống lại EU.
Tuy nhiên, kịch bản nói trên có lẽ sẽ khó trở thành hiện thực. Quan hệ Nga - Thổ đã ấm dần lên trong thời gian gần đây, tuy nhiên hai nước vẫn gặp bất đồng trong nhiều vấn đề, từ chuyện số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho đến an ninh tại Biển Đen hay việc sáp nhập bán đảo Crimea.
EU thực sự cần phải thay đổi tư duy để từ đó các quốc gia thành viên có thể đạt đồng thuận trong quan hệ giữa liên minh với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu EU không làm như vậy, liên minh này có thể sẽ bị cô lập trong bối cảnh nhiều thế lực mới nổi lên ở khu vực. Từ Balkan cho đến Trung Đông hay Trung Á - những vùng đệm của châu Âu có thể làm rung chuyển tận gốc liên minh.