Có muộn nhưng chưa đến nỗi quá muộn, các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ 28 nước thành viên EU trong Hội đồng Châu Âu đã nhất trí được với nhau để cử nhân sự vào 5 cương vị được coi là quyền lực nhất trong các thể chế tổ chức hiện tại của Liên minh châu Âu (EU).
Có thể thấy ba điều thú vị từ đó.
Thứ nhất, tất cả đều thuộc thê đội sau, là giải pháp thoả hiệp chứ không phải là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Đáng chú ý hơn cả là việc đề cử Bộ trưởng quốc phòng Đức Ursula von der Leyen vào cương vị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu. Ở đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bị thua trước Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nước Đức lần đầu tiên kể từ năm 1967 lại nắm giữ cương vị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu nhưng bà Merkel bị thất bại với đề cử nhân sự của riêng mình là ông Manfred Weber.
Thứ hai, nội bộ EU tiếp tục bị phân hoá sâu sắc và điều các thành viên EU quan tâm hàng đầu không phải là đề cử những ứng cử viên thích hợp nhất vào những trọng trách quyền lực của thể chế EU mà là sự thoả hiệp lợi ích có thể chấp nhận được đối với họ, bất kể tốt hay xấu đối với EU nói chung.
Thứ ba, cuộc tranh giành quyền lực giữa các thành viên và các thể chế của EU đã khiến cho tất cả đều bị tổn hại do các bên không hợp tác và cũng chẳng nhượng bộ nhau.
Thoả hiệp như thế báo hiệu cái khó của các cơ quan trong thể chế của EU cho nhiệm kỳ tới, gây thêm chứ không bớt đi sóng gió trong nội bộ EU. Tình trạng nội bộ như vậy cũng sẽ khó cho EU vươn tới được những thành tựu phát triển mới mà EU có thể đạt được và cần phải có được trong thời gian tới.