📞

Giải mã Gurkha - lực lượng đánh thuê thiện chiến nhất thế giới

Phan Trường 23:07 | 27/12/2020
TGVN. Lực lượng Gurkha sống và chiến đấu theo phương châm "thà hy sinh chứ không hèn nhát”. Chiều cao trung bình khoảng 1,6m, nhưng họ được mô tả là những chiến binh đánh thuê vào loại thiện chiến nhất thế giới, khiến nhiều đối thủ ngại đối mặt.

Cái tên Gurkha bắt nguồn từ thị trấn Gorkha của Nepal, vùng đất anh hùng chống lại sự xâm lược của Công ty Đông Ấn (Anh) khi thực dân Anh tiến hành mở rộng thuộc địa tại bán đảo Ấn Độ vào đầu thế kỷ XIX. Hai bên đã nổ ra hàng loạt giao tranh ác liệt trong thời Chiến tranh Gurkha 1814–1816, đến mức buộc phải ký hiệp ước hòa hoãn để chấm dứt căng thẳng kéo dài.

Mặc dù sát cánh hơn 200 năm, nhưng Gurkha vẫn không nhận được những phúc lợi tương đương quân đội Anh. (Nguồn: National Interest)

Hơn 200 năm danh tiếng

Theo các điều khoản của hiệp ước hòa bình giữa Nepal và Anh, người Gurkha có quyền gia nhập hàng ngũ quân đội của Công ty Đông Ấn, thực chất làm việc với vai trò lính đánh thuê. Dưới thời trị vì của nữ hoàng Victoria, các chiến binh Nepal được coi là “chiến binh thượng võ", gây chú ý bởi những phẩm chất nam tính và sự dẻo dai của họ.

Trong hơn 200 năm qua, các thanh niên trai tráng được tuyển chọn độc quyền từ ở phần lớn đến từ các ngôi làng vùng đồi núi ở Nepal. Tổng cộng, hơn 200.000 thanh niên Gurkha đã chiến đấu cùng với quân đội Anh ở khắp các mặt trận trên thế giới.

Họ đã tham gia vào các cuộc chiến tranh ở biên giới Ấn Độ, cuộc chiến tranh thuộc địa ở châu Phi, Chiến tranh Falklands năm 1982 và thậm chí là trải qua hai cuộc thế chiến dữ dội nhất của lịch sử nhân loại. Cho đến nay, hơn 46.000 binh sĩ Gurkha đã hy sinh khi chiến đấu sát cánh cùng quân đội Vương quốc Anh.

Tổng cộng có 26 cây Thánh giá Victory, huân chương quân sự cao nhất của Anh đã được trao cho lực lượng Gurkha. Cho đến năm 1947, hầu hết binh lính Gurkha phục vụ trong Quân đội Ấn Độ dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Anh. Tuy nhiên, sau khi Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, 4 trung đoàn Gurkha đã được chuyển giao cho quân đội Anh và trở thành Lữ đoàn Gurkha cho đến ngày nay.

Vũ khí khét tiếng – dao kukri

Hình ảnh những chiến binh Gurkha gắn với vũ khí Gurkha khét tiếng.

Ngay cả những người chưa từng nghe nói về binh lính Gurkha hoặc chiến tích của họ trong chiến đấu cũng có thể biết dao kukri huyền thoại - vật bất ly thân của các chiến binh Gurkha sử dụng và chiến đấu mang trong nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, trong thời hiện đại, chỉ các thành viên của Lữ đoàn Gurkha mới được huấn luyện chiến đấu với dao.

Một huyền thoại về dao kukri rất phổ biến là nếu vũ khí này rút ra trong trận chiến, lưỡi dao phải “nhuốm máu" của kẻ thù hoặc chủ nhân của nó. Mặc dù chỉ là hư cấu, những câu chuyện kì bí về dao kukri được sử dụng trong cận chiến góp phần vào những quan niệm sai lầm về vũ khí này.

Thực chất trong phần lớn lịch sử phát triển của nó, vũ khí này thường được chủ nhân sử dụng để săn bắn và nấu nướng, nhưng điều bí ẩn xung quanh đã vô tình thu hút sự hiếu kì, thậm chí nhiều người còn chế tạo hàng loạt mẫu dao kukri nhái để bán ra thị trường.

Khó khăn trong tuyển dụng tân binh

Những năm gần đây, quân đội Anh thực hiện chính sách cắt giảm biên chế quân đội, Do vậy, số lượng binh sĩ Gurkha trong hàng ngũ cũng giảm mạnh từ 13.000 quân vào năm 1995 xuống chỉ còn 3.000 quân hiện nay.

Năm 2019, lần đầu tiên, Quân đội Anh đồng ý tăng chỉ tiêu tuyển tân binh lên 400 quân, thay vì 320 người như thường lệ. Đây được coi là đợt tuyển quân có số có lượng lớn nhất trong 33 năm qua. Tổng cộng khoảng 580 binh sĩ trong số hơn 10.000 ứng viên đã được mời quay lại để đánh giá tuyển chọn lần hai.

Quá trình tuyển chọn diễn ra gắt gao và nghiêm ngặt. Các bài kiểm tra bao gồm một cuộc đua leo dốc dài ba dặm trong khi đeo đá và cát sau lưng, thực hiện 75 lần bật nhảy từ băng ghế trong 1 phút và 70 bài gập bụng trong 2 phút.

Thiệt thòi ở xứ người

Thực tế hiện nay cho thấy, những chiến binh từng xả thân với khẩu hiệu vì "Nữ hoàng và Tổ quốc" không được phép sống ở Vương quốc Anh sau khi họ nghỉ hưu. Đó là bởi vì Nepal không phải là thành viên của Khối thịnh vượng chung do Anh đứng đầu.

Vì vậy, ngay cả khi những binh sĩ Gukha phục vụ trong Quân đội Anh, họ không được coi đối tượng thuộc biên chế của Anh.

Thậm chí, một số quan chức Vương quốc Anh còn tuyên bố, việc cho phép tất cả các cựu binh Gurkha ở lại Anh có thể tạo ra áp lực lớn cho nhập cư và các dịch vụ xã hội.

Năm 2009, có tin đồn cho các cựu binh Gurkha đã nghỉ hưu trước năm 1997 và phục vụ ít nhất 4 năm sẽ được phép định cư ở Anh.

Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi khác liên quan đến lương hưu vẫn chưa được giải quyết và ngay cả những cựu binh sĩ Gurkha hiện chỉ nhận được một phần nhỏ trợ cấp so với những gì binh sĩ Anh được trả sau khi nghỉ hưu.

Nếu nước Anh không chào đón, họ chỉ còn cách quay về quê hương. Thế nhưng, nhiều cựu chiến binh Gurkha chẳng còn nhà để trở về sau thảm họa động đất nghiêm trọng ở Nepal đầu năm 2016.

Ngày nay, mặc dù những khó khăn và các bất công, nhiều thanh niên Nepal vẫn nuôi mộng gia nhập đơn vị đánh thuê huyền thoại này.

Ngoài quân đội Anh vẫn là “người sử dụng lao động” lớn nhất, các quốc gia khác bao gồm Singapore, Malaysia và Ấn Độ cũng đã tiến hành thuê các binh sĩ Gurkha phục vụ lực lượng quân đội và lực lượng cảnh sát.

(theo National Interest)