Nhỏ Bình thường Lớn

Giải trừ vũ khí hạt nhân: Chuyện còn dài kỳ

Vũ khí hạt nhân với sức công phá kinh hoàng đã để lại biết bao đau buồn cho nhân loại. Do đó, thế giới cần đoàn kết để tiến tới mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân và xây dựng một nền hòa bình lâu dài.
Thế giới vẫn còn khoảng 13.080 vũ khí hạt nhân thuộc sở hữu của chín quốc gia. (Nguồn: National Interest)
Thế giới vẫn còn khoảng 13.080 vũ khí hạt nhân thuộc sở hữu của chín quốc gia. (Nguồn: National Interest)

Cách đây 76 năm, vào ngày 6/8/1945, Mỹ đã thả quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” (Cậu bé) xuống thành phố Hiroshima, khiến 140.000 người thiệt mạng. Sau đó ba ngày, Mỹ thả quả bom thứ hai “Fat Man” (Gã mập) xuống Nagasaki, giết chết 74.000 người.

Theo các nhà sử học, với việc ném bom nguyên tử vào Nhật Bản, Mỹ đã đạt được hai mục tiêu. Đầu tiên, sau đòn tấn công hạt nhân, Nhật Bản sẽ nhanh chóng đầu hàng, đẩy nhanh quá trình kết thúc Thế chiến II. Thứ hai, tấn công hạt nhân sẽ là một cuộc trình diễn cho toàn thế giới biết về vũ khí mạnh nhất trong tay người Mỹ mà vẫn chưa nước nào có được.

Hai quả bom nguyên tử không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ngay thời điểm đó cùng hàng chục nghìn người tử vong vì các căn bệnh do trực tiếp hoặc gián tiếp phơi nhiễm chất phóng xạ gây ra, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ kế tiếp.

Suốt một thời gian dài, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý toàn thế giới luôn sống trong sự lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sức phá hủy ghê gớm của bom nguyên tử hay các loại vũ khí hạt nhân nói chung đã dấy lên một làn sóng phản đối trên toàn thế giới.

Từ đó đến nay, vào ngày 6/8 hằng năm, Nhật Bản đều tổ chức lễ tưởng niệm vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima để tưởng nhớ các nạn nhân, đồng thời tiếp tục gửi thông điệp tới toàn thế giới nhằm không để thảm kịch ở Hiroshima và Nagasaki lặp lại, coi đây là cột mốc hướng tới mục tiêu xóa bỏ loại vũ khí nguy hiểm này.

Vũ khí nguy hiểm

Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí mà năng lượng của nó do các phản ứng phân hạch hoặc nhiệt hạch gây ra. Một vũ khí hạt nhân nhỏ nhất cũng có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí quy ước nào. Vũ khí có sức công phá tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố.

Những vũ khí hạt nhân đầu tiên được Mỹ chế tạo cùng với sự giúp đỡ của Anh và Canada trong Thế chiến II, đó là một phần của dự án Manhattan tối mật.

Lúc đầu, vũ khí hạt nhân được Mỹ chế tạo do lo sợ Đức Quốc xã có thể chế tạo và sử dụng trước quân đội đồng minh. Nhưng cuối cùng thì hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki lại là nơi chịu đựng sức tàn phá của những quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1945.

Liên Xô cũng đẩy mạnh Dự án vũ khí hạt nhân và chế tạo, thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1949. Cả Mỹ và Liên Xô đều phát triển vũ khí hạt nhân nhiệt hạch vào những năm giữa của thập niên 1950.

Việc phát minh các tên lửa hoạt động ổn định vào những năm 1960 đã làm cho khả năng mang các vũ khí hạt nhân đến bất kỳ nơi nào trên thế giới trong một thời gian ngắn trở thành hiện thực. Hai siêu cường của Chiến tranh Lạnh đã chấp nhận một chiến dịch nhằm hạn chế việc chạy đua vũ khí hạt nhân để duy trì một nền hòa bình mong manh lúc đó.

Hiện tại, có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Trong đó, Mỹ và Nga đang là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu, sở hữu 90% lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Cho đến nay, loài người mới chỉ hai lần sử dụng vũ khí hạt nhân trong thực chiến, đó là hai quả bom Mỹ ném xuống Nhật Bản trong Thế chiến II. Little Boy, quả bom thứ nhất được làm từ uranium còn Fat Man được làm từ plutonium. Tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến hơn 2.100 vụ thử vũ khí hạt nhân từ năm 1945 phần lớn do Mỹ và Liên Xô (cũ) thực hiện.

Những nỗ lực của thế giới

Kể từ sau nỗi đau mang tên Hiroshima và Nagasaki, cộng đồng quốc tế không ngừng nỗ lực để giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng, để một thảm kịch tương tự không bao giờ tái diễn trên Trái đất này.

Năm 1968, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, Liên hợp quốc (LHQ) đã xây dựng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), làm cơ sở cho việc thực hiện không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân. NPT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/3/1970 và đã có 191 quốc gia tham gia.

Kể từ khi có hiệu lực, NPT mặc dù đã thể hiện vai trò tích cực nhất định, như: kìm hãm sự gia tăng số lượng những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, đóng vai trò quan trọng cho quá trình giải giáp hay giải trừ vũ khí hạt nhân..., nhưng NPT có hạn chế là không xác định được thời gian cụ thể cho việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/9/1996, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (gọi tắt là CTBT) nhằm mục tiêu loại trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. CTBT đã được hầu hết các quốc gia tham gia ký và phê chuẩn ngay trong ngày đầu tiên.

Theo Hiệp ước, tất cả các nước trên thế giới cam kết không tiến hành hoặc cho phép bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở nơi thuộc quyền kiểm soát và tài phán của mình; không khuyến khích hoặc tham gia dưới bất cứ hình thức nào vào bất cứ vụ nổ hạt nhân nào. Sự ra đời của CTBT là một cột mốc quan trọng và cùng với NPT góp phần vào việc kiểm soát các quốc gia thử hạt nhân.

Ngày 7/7/2017, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Hiệp ước này quy định rằng, vũ khí hạt nhân vi phạm luật quốc tế, đồng thời cấm chế tạo, sở hữu cũng như sử dụng các loại vũ khí như vậy.

Ngày 22/1/2021, TNPW mới chính thức có hiệu lực sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10/2020. Hiệp ước được đánh giá là công cụ quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên, nghiêm cấm rõ ràng những loại vũ khí này, là chiến thắng chung cho toàn nhân loại hướng đến mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) đều là các cường quốc hạt nhân và đều phản đối Hiệp ước cấm hạt nhân. Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác như Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan cũng từ chối tham gia. Đặc biệt hơn, Nhật Bản, quốc gia duy nhất phải hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử cũng từ chối TNPW.

Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 26/9 để kỷ niệm Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và ngày kỷ niệm này nhằm nâng cao nhận thức của mọi người và thúc đẩy mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Nỗi lo còn đó

Thế kỷ XX phải chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ráo riết về mọi mặt, gây căng thẳng trong đời sống quốc tế, tiêu phí những nguồn lực lẽ ra có thể dành cho phát triển và đặt thế giới trước hiểm họa hủy diệt chưa từng có.

Cũng trong thế kỷ XX, nhiều chính phủ, tổ chức và cá nhân đã tham gia vào một phong trào thế giới đòi thủ tiêu vũ khí hạt nhân, chống chiến tranh hạt nhân và bảo vệ hòa bình.

Tuy nhiên, sau một hành trình dài, ngày nay, mối đe dọa vẫn còn đeo đẳng khi khoảng 13.080 đầu đạn hạt nhân còn hiện hữu trên Trái đất.

Đáng lo ngại là hiện nay, nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân thậm chí còn có động thái tăng cường đầu tư, vạch ra các chiến lược dài hạn để hiện đại kho vũ khí vì những toan tính riêng. Hơn một nửa dân số trên thế giới đang sống tại các nước hoặc là sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc tham gia vào các liên minh hạt nhân.

Theo báo cáo đánh giá thường niên về vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh thế giới của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2020-2021, số đầu đạn hạt nhân trên thế giới lại tăng từ 9.380 lên 9.620 đơn vị, trong đó số đầu đạn hạt nhân sẵn sàng khai hỏa tăng từ 3.720 lên 3.825 đơn vị.

Cho dù số nước triển khai vũ khí hạt nhân giảm đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, song chưa có vũ khí hạt nhân nào từng bị phá hủy dựa trên tinh thần của một bản Hiệp ước và hiện cũng chưa có tiến trình đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân nào đang diễn ra.

Giải trừ vũ khí hạt nhân là một trong những mục tiêu sớm nhất mà LHQ đề ra và cũng được Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh trong nghị quyết đầu tiên năm 1946. Trong nhiều năm qua, tổ chức này đã thể hiện vai trò đi đầu trên mặt trận ngoại giao để thúc đẩy quá trình loại bỏ vũ khí hạt nhân, với hy vọng giải quyết một trong những vấn đề thách thức lớn nhất của nhân loại, xây dựng nên một thế giới an ninh, hòa bình – nơi vũ khí hạt nhân không còn hiện hữu.

Mỹ-Nga với giải trừ quân bị hạt nhân: Cũ khó giữ, mới khó có !

Mỹ-Nga với giải trừ quân bị hạt nhân: Cũ khó giữ, mới khó có !

TGVN. Quan hệ Mỹ-Nga có 'bất ngờ' trong hồ sơ giải trừ vũ khí hạt nhân: Nga vừa nêu đề nghị mới cho Mỹ liên ...

Hội đồng Bảo an họp về tình hình nhân đạo ở Syria và công việc của Uỷ ban 1718

Hội đồng Bảo an họp về tình hình nhân đạo ở Syria và công việc của Uỷ ban 1718

TGVN. Ngày 27/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành các phiên họp trực tuyến định kỳ về tình hình ...

(tổng hợp)