TIN LIÊN QUAN | |
Truyền thông Triều Tiên đưa tin sự phát triển kinh tế của Việt Nam | |
Hình ảnh thân thiện của các Tổng thống Mỹ khi tới Việt Nam |
Theo Bloomberg, lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc nói chuyện riêng khoảng 20 phút vào tối 27/2 trước khi cùng dùng bữa.
Tại buổi tiệc tối, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và Ngoại trưởng Michael Pompeo sẽ tháp tùng Tổng thống Mỹ. Đi cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên là 2 phụ tá chưa được tiết lộ danh tính cụ thể.
Mục tiêu chung
Theo nhật báo Le Monde (Pháp), cả lãnh đạo Triều Tiên cũng như Mỹ đều muốn gặt hái thành công ngoại giao trong lần gặp thứ 2 này: “Ông Trump đang vấp phải những khó khăn trong nội bộ và muốn gặt hái nhanh nhất một thành tích ngoại giao: Chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, giúp nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ bị tấn công hạt nhân. Còn ông Kim Jong-un hy vọng giải tỏa căng thẳng với Mỹ sẽ cho phép kinh tế Triều Tiên thoát ra được lối mòn kinh tế”.
Le Monde nhắc lại rằng từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018, ông Trump đã không bỏ lỡ cơ hội tán dương quan hệ với Kim Jong-un, và đó là cách để Trump tạo sự khác biệt với những người tiền nhiệm, những người mà theo ông đã đẩy nước Mỹ đến rất gần cuộc chiến tranh với Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tháng 6/2018. (Nguồn: AFP) |
Người đứng đầu Nhà Trắng rất muốn đẩy nhanh tiến trình hoà giải với Triều Tiên vì sự chậm trễ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến lịch trình tranh cử Tổng thống Mỹ. Mặc dù giới tình báo Mỹ vẫn hoài nghi về tiến trình giải trừ hạt nhân của Triều Tiên, song ông Trump liên tục đánh giá cao thành công thu được từ cuộc gặp lần trước. Le Monde nhận định thái độ tích cực này có thể sẽ tạo thuận lợi cho các nhượng bộ và tạo động lực cho ông Kim Jong-un.
Về phần nhà lãnh đạo Triều, Le Monde cho rằng ông Kim cũng có lý do để đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bế tắc trước Mỹ. Từ khi lên nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong-un đã nhiều lần cam kết cải thiện đời sống người dân. Từ đó đến nay, Triều Tiên đang thay đổi diện mạo so với nhiều thập kỷ trước, song đất nước này vẫn cần một cuộc cải cách kinh tế toàn diện và điều này không thể làm được trong vòng vây cấm vận - trừng phạt.
Do đó, gỡ bỏ trừng phạt là yêu cầu cấp bách của Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh các dự án hợp tác kinh tế với Hàn Quốc đang sẵn sàng khởi động và chỉ còn chờ tín hiệu “đèn xanh” về mặt chính trị. Hơn thế nữa, Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un muốn hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Sự kiện lớn, kỳ vọng nhỏ
Tuy nhiên, theo Bloomberg, giới chức Nhà Trắng không quá tham vọng về kết quả các cuộc gặp trong ngày 27 - 28/2 bởi thực tế hai bên vẫn chưa đồng thuận về định nghĩa thế nào là “phi hạt nhân hóa” hay mục đích cuối cùng của các cuộc đàm phán: “Những khúc mắc khó có thể được tháo gỡ trong tuần này”.
Tuần trước, Fox News đưa tin truyền thông Mỹ “kỳ vọng rất lớn” vào hội nghị thượng đỉnh. Song dường như Tổng thống Donald Trump đã tìm cách hạn chế sự hào hứng này bằng bài phát biểu trước các thống đốc liên bang hôm 24/2, tuyên bố ông chưa có ý định dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên và cũng không vội vã thúc đẩy thỏa thuận với ông Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ Donald Trrump phát biểu trong buổi dạ tiệc với các Thống đốc Liên bang Mỹ ngày 24/2. (Nguồn: Reuters) |
Victor Cha, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), người từng được cân nhắc vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, bình luận: “Đó là sự kiện mà sự khó đoán và dễ bị tác động của Tổng thống Trump có thể đẩy chúng ta tới rắc rối”.
Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã rơi vào bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018. Theo các phân tích ảnh chụp vệ tinh và nguồn tin tình báo Mỹ, thay vì có những bước tiến hướng tới phi hạt nhân hóa, Triều Tiên tiếp tục sản xuất và phát triển đầu đạn cũng như tên lửa. Những dự đoán và tranh luận trước thềm thượng đỉnh lần thứ hai chủ yếu xoay quanh các bước đi mà hai bên có thể thực hiện để tỏ rõ hiện trạng mối quan hệ đang được cải thiện, đồng thời tránh làm nảy sinh những trục trặc trong các cuộc đàm phán về hạt nhân.
Những kết quả mang tính biểu tượng?
Bloomberg cho rằng nhiều khả năng cuộc gặp lần này cũng chỉ đem lại những kết quả mang tính biểu tượng, chẳng hạn như thông báo rằng Mỹ và Triều Tiên đã chấm dứt chiến tranh, một tuyên bố không có tính ràng buộc về chính trị và không chính thức thay thế lệnh ngừng bắn năm 1953.
Một số thì lo ngại rằng tuyên bố hòa bình có thể hủy hoại tính hợp pháp của việc Mỹ đồn trú khoảng 28.500 binh sỹ tại Triều Tiên. Tuy nhiên, đây có lẽ không phải là mối quan tâm của Tổng thống Trump, người công khai đặt dấu hỏi về chi phí cho lực lượng này và gần đây liên tục hối thúc Hàn Quốc đàm phán về một thỏa thuận chia sẻ gánh nặng tài chính.
Binh sĩ Mỹ trong cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc tại Pocheon, ngày 19/9. (Nguồn: AP) |
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ chấp nhận để Mỹ mở văn phòng liên lạc ngoại giao tại thủ đô Bình Nhưỡng, mục tiêu mà giới chức Mỹ từ thời cựu Tổng thống Bill Clinton đã rất nỗ lực tìm kiếm. Triều Tiên cho tới nay vẫn phản đối phương án này, lo ngại Mỹ có thể dùng văn phòng làm “tiền đồn” thu thập thông tin tình báo: “Hội nghị thượng đỉnh lần này có thể là phép thử xem liệu ông Kim có thực sự muốn phá vỡ lối mòn quá khứ hay không”.
Patrick Cronin, người đứng đầu chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson có trụ sở ở Washington (Mỹ) cho rằng một tuyên bố hòa bình hay trao đổi ngoại giao có thể được xem là các động thái xây dựng lòng tin hữu hiệu. Ông cho rằng mọi người không nên quá lo ngại về các kết quả này, nhất là nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhượng bộ trong một số vấn đề như cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân hoặc đình chỉ hay chấp nhận các biện pháp kiểm soát nguyên liệu phân hạch.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều Hà Nội: Thể hiện rõ nét vai trò “cường quốc hạng trung” của Việt Nam “Việc Hà Nội, Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là một ví dụ tiêu biểu ... |
Trung Quốc kỳ vọng vào thành công của hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 Ngày 26/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Bắc Kinh hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới ... |
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai: Cả thế giới hồi hộp theo dõi ngày họp đầu tiên Hãng tin AP của Mỹ ngày 27/2 đã đưa tin về không khí chuẩn bị cho ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh ... |