Nhân vật nhí của năm do Tạp chí TIME bình chọn Gitanjali Rao. (Nguồn: TIME) |
Trong 92 năm qua, tạp chí TIME đã chọn 'Nhân vật của năm'. Năm nay, tạp chí nổi tiếng của Mỹ đã hợp tác với kênh truyền hình dành cho trẻ em Nickelodeon để lựa chọn ra giải “Kid of the Year” đầu tiên tại Mỹ. Theo Andrea Delbanco, biên tập viên của TIME for Kids, để lựa chọn những đứa trẻ có ảnh hưởng nhất trong năm 2020, tạp chí đã tìm kiếm trên khắp các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các trường học để có thể vinh danh những đóng góp tích cực của thế hệ trẻ cho thế giới ngày nay.
Người đầu tiên nhận được vinh dự này chính là thiếu nữ đến từ bang Colorado: Gitanjali Rao, một nhà nghiên cứu khoa học 15 tuổi. Rao đã được chọn từ hơn 5.000 đề cử trên khắp nước Mỹ, với độ tuổi từ 8 đến 16 cho danh hiệu đầu tiên trong năm nay, cũng như trong lịch sử của TIME. Tạp chí này cũng tin rằng giải thưởng sẽ đóng vai trò như “phong vũ biểu để đánh giá các nhà lãnh đạo mới nổi trong thế hệ trẻ nhất nước Mỹ.
Tài không đợi tuổi
Ở tuổi 15, cô bé Gitanjali Rao đã đạt được những thành tựu mà ít người có thể tin được. Giờ đây, với giải thưởng “Nhân vật nhí của năm”, Rao tiếp tục được thế giới vinh danh nhờ khả năng đổi mới, sáng tạo. Rao gây ấn tượng nhờ sử dụng công nghệ để đối phó với một loạt vấn đề xã hội, từ nước ô nhiễm cho tới nghiện thuốc giảm đau và bắt nạt trên mạng.
Cô bé cũng tin rằng các vấn đề mới nổi, chưa từng xuất hiện trên thế giới đòi hỏi các giải pháp sáng tạo và dựa trên công nghệ. Đồng thời, cô cho rằng nhiệm vụ của mình là tạo ra một cộng đồng toàn cầu gồm những nhà đổi mới sáng tạo trẻ để giải quyết chúng.
Tài năng của cô bé đã bộc lộ từ rất sớm. Ở tuổi 12, Rao đã phát triển một thiết bị cầm tay để phát hiện chì trong nước mang tên Tethys. Phát minh của cô bé đã giành giải nhất cuộc thi “Thách thức nhà khoa học trẻ” (YSC) năm 2017 do kênh khoa học Discovery Education và Công ty công nghệ 3M (Mỹ) tổ chức và giải thưởng là 25.000 USD.
Nói về Tethys khi đó, báo chí Mỹ ghi lại rằng cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì tại thành phố Flint, bang Michigan từng gây xôn xao dư luận Mỹ nhiều năm đã thôi thúc cô bé Gitanjali Rao tìm cách giải quyết. Ý tưởng đến với em sau lần đọc được bài báo về các cảm biến ống nano carbon, những cảm biến hóa học ở cấp độ nguyên tử trên trang web của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trong bài báo có nói tới tác dụng của việc sử dụng loại cảm biến này để phát hiện các loại khí độc hại và em nghĩ tại sao không thử dùng nó để phát hiện chì trong nước.
Cảm biến Tethys có thể phát hiện ra chì trong nước nhanh hơn các thiết bị hiện đại khác và giá rẻ hơn rất nhiều. Nó có cấu tạo gồm các ống carbon siêu nhỏ kết nối một bộ vi xử lý Arduino mà cô bé Rao dễ dàng tìm thấy trong linh kiện máy tính. Tethys còn được trang bị kết nối không dây bluetooth để gửi kết quả tới smartphone. Gần như ngay sau khi được nhúng xuống nước, thiết bị sẽ gửi kết quả tới điện thoại thông minh, hiển thị cho người dùng biết nước có an toàn hay kém chất lượng.
Cô bé còn tạo ra một thiết bị có tên Epione chống lại khủng hoảng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid) ở giai đoạn đầu. Thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo, được thiết kế cho cả bác sĩ và bệnh nhân sử dụng để chẩn đoán chứng nghiện chất dạng thuốc phiện ở giai đoạn đầu và theo dõi các triệu chứng nghiện và lạm dụng.
Dự án gần đây nhất của Rao là ứng dụng Kindly, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm tình trạng bắt nạt trên mạng. Rao cho hay Kindly được thiết kế để phát hiện những trường hợp bắt nạt qua mạng, nhờ vào chương trình trí thông minh nhân tạo có thể lần ra những ngôn từ gây tổn thương hoặc có hại trước khi kẻ bắt nạt gửi đi thông điệp ác ý.
Sau những thành công đó, hiện tại nhà khoa học nhí lại quay trở lại với những nghiên cứu về nước. Cô bé đang nghiên cứu về những thứ chuyển động như các hợp chất ký sinh trong nước, cũng như cách phát hiện ra chúng.
Gitanjali Rao có những kế hoạch lớn hơn nữa trong tương lai. Đó là học ngành miễn dịch học và di truyền tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge. Những lúc không thí nghiệm hay tìm tòi phát minh, em thích bơi, làm bánh và chơi ba loại nhạc cụ là piano, guitar bass và clarinet. Trước khi được vinh danh là “Nhân vật nhí của năm” (Kid of the Year), Gitanjali Rao nằm trong danh sách “30 Under 30” của tạp chí Forbes năm 2017 nhờ phát minh ra Tethys. Cô bé từng ba lần là diễn giả của TED Talk và năm 2018, Rao được trao Giải thưởng Tuổi trẻ vì Môi trường của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. |
Mang nụ cười cho thế giới
Gitanjali Rao hiện đang học trường khoa học Highlands Ranch. Cha mẹ của cô bé, Bharathi và Ram Rao đều là những người có học vấn cao, luôn ủng hộ hết mình cho sự tò mò và thông minh của con gái mình. Khi mới học lớp hai, cô bé đã bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng khoa học và công nghệ để tạo ra những thay đổi trong xã hội.
Là một người Mỹ gốc Ấn Độ, Gitanjali Rao cũng lấy nhiều cảm hứng từ quê hương của mình. Cô bé cho biết, nguồn cảm hứng lớn nhất từ Ấn Độ chính là nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, nhất là khả năng lãnh đạo và những gì mà bà Gandhi đã làm được cho đất nước.
Cô bé cũng lấy gương của nhiều nhà khoa học nữ nổi tiếng trên thế giới để noi theo, trong đó có nữ bác học nổi tiếng Marie Curie, hay những cái tên hiện đại như Emmanuelle Marie Charpentier, Giáo sư và nhà nghiên cứu người Pháp về vi sinh vật học, di truyền học và hóa sinh, và Jennifer Anne Doudna, một nhà hóa sinh người Mỹ được biết đến với hệ thống CRISPR, công trình tiên phong trong việc chỉnh sửa gen.
Bên cạnh đó, Rao nhận ra một điều: “Em là một thiếu nữ da màu (cô gốc Ấn Độ)”, và không dễ để vượt qua những khó khăn về màu da vào thời ban đầu chập chững theo đuổi nghiên cứu khoa học.
“Thậm chí em còn tự hỏi rằng: “Phải chăng một cô bé da màu vẫn có thể trở thành khoa học gia?”, cô Rao kể lại, đồng thời kết luận “và giờ đây tôi đã trở thành Nhân vật nhí của năm”.
Nói về lý do vì sao theo đuổi khoa học, nhà khoa học trẻ tuổi cho biết, giờ đây mục tiêu của mình đã thực sự thay đổi, không chỉ từ chuyện tạo ra các thiết bị của riêng mình để giải quyết những vấn đề của thế giới, mà còn là việc truyền cảm hứng cho những người khác làm điều tương tự.
“Theo kinh nghiệm cá nhân của em, khác biệt với những người xung quanh khiến mọi chuyện trở nên không dễ dàng gì. Vì vậy, em thực sự muốn gửi gắm một thông điệp đến mọi người: Nếu em làm được, mọi người cũng làm được, bất kỳ ai cũng làm được”, Gitanjali nhấn mạnh.