📞

Hạ viện Anh thông qua dự thảo Brexit: Vừa mừng vừa lo

Lưu Huỳnh 13:45 | 25/12/2019
TGVN. Dự thảo Brexit được thông qua mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình chông gai, dai dẳng mà Anh phải trải qua để chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam. 
Thủ tướng Boris Johnson vui mừng sau khi Hạ viện thông qua WAB ngày 20/12. (Nguồn: UK Parliament)

Ngày 20/12, Hạ viện Anh đã thông qua Dự luật Thỏa thuận Rút khỏi Liên minh châu Âu (WAB) với 358 phiếu thuận/234 phiếu chống, mở đường để Anh rời EU theo đúng kế hoạch ngày 31/1 tới.

Ba nhận định về nội tình nước Anh

Đáng chú ý, động thái này diễn ra một tuần sau khi ông Boris Johnson chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, đưa đảng Bảo thủ đạt tỷ lệ ủng hộ tới 66%, lớn nhất trong hơn 30 năm trở lại đây. Chiến thắng của ông Boris Johnson trong bầu cử Quốc hội và tranh đấu với Hạ viện nhằm thông qua WAB phản ánh ba thực tế sau đây trong nội bộ nước Anh.

Thứ nhất, nội bộ đảng Bảo thủ đã thống nhất về Brexit và ủng hộ với ông Boris Johnson, thay vì tiếp tục phản đối. Chỉ 3 tháng trước, hai bên đã căng thẳng đến mức ông Johnson phải khai trừ 21 nghị sỹ cốt cán, nhiều người từng đảm nhận chức vụ trong Nội các như cựu Ngoại trưởng Philip Hammond, cựu Bộ trưởng Ngân khố Ken Clarks, hay có ảnh hưởng lớn như cháu trai cố Thủ tướng Winston Churchill, Nicholas Soames. Các biện pháp quyết liệt của ông Johnson như đe dọa, đình chỉ và giải tán Quốc hội, dù đối mặt nhiều chỉ trích, sau cùng đã mang đến kết quả mong muốn.

Thứ hai, Công đảng đã không thể lợi dụng được sự hỗn loạn nội bộ đảng Bảo thủ thời gian qua để giành chiến thắng hay thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ. Kết quả bầu cử là minh chứng rõ nét nhất cho khúc mắc tồn tại trong cách tiếp cận cử tri và quan điểm về vấn đề Brexit của đảng này.

Thứ ba, theo dự luật WAB được thông qua, giai đoạn chuyển tiếp Brexit không được phép kéo dài tới sau tháng 12/2020. Đây là khác biệt then chốt so với phiên bản trước, quy định giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit có thể kéo dài 2 năm. Trước đó, đảng Bảo thủ từng phản đối thời gian 2 năm này và đây có thể là điều mà ông Johnson đã nhượng bộ để tìm kiếm sự ủng hộ cần thiết.

Khởi đầu mới - chậm mà chắc!

Việc WAB được thông qua chỉ là khởi đầu của tiến trình Brexit dai dẳng và phức tạp. Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới, Hạ viện Anh sẽ nhóm họp và thảo luận về WAB thêm một tuần trước khi trình Thượng viện phê chuẩn. Nếu mọi chuyện “thuận buồm xuôi gió”, Nghị viện châu Âu (EC) sẽ thông qua thỏa thuận ngày 29/1/2020 và Brexit sẽ chính thức diễn ra đúng hẹn. Khi ấy, London và Brussels sẽ khởi động đàm phán thương mại về tương lai hợp tác của hai bên.

Về cơ bản, Anh tiếp tục là thành viên của liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất. Công dân EU vẫn có thể tới Anh làm việc và ngược lại. Tuy nhiên, Anh sẽ rút khỏi các thể chế chính trị và không còn đại diện trong Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU. Theo ông Anatole Kaletsky, nhà kinh tế trưởng và đồng Chủ tịch của think tank Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Johnson sẽ cố giảm thiểu tác dụng phụ của Brexit với nền kinh tế và chính trường Anh. Điều ông Johnson có thể làm là triển khai giai đoạn chuyển tiếp Brexit theo phong cách “chậm mà chắc”, tránh đưa ra những tuyên bố hay quyết định gây tranh cãi.

Tuy nhiên, ông Boris Johnson lại thường được biết đến là người có tính cách quyết liệt. Do đó, đã xuất hiện lo ngại rằng Thủ tướng Anh có thể lựa chọn phương án Brexit “cứng” và chỉ đàm phán vài hiệp định quan trọng hay có lợi ích sát sườn, bởi xét lại tất cả thỏa thuận đã ký sau 46 năm làm thành viên EU trong 12 tháng là bất khả thi. Tuyên bố vừa qua của ông, khẳng định không kéo dài giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit quá năm 2020 đã khiến chứng khoán Anh chao đảo, dù giới doanh nghiệp đang lạc quan về triển vọng của nền kinh tế hơn bao giờ hết. Khi ấy, bất ổn, khẩu chiến, đàm phán kéo dài sẽ là xu thế “thống trị” chính trường xứ sở sương mù thời gian tới.