📞

“Hành động Hướng Đông” – cách tiếp cận của Ấn Độ với cục diện mới

19:49 | 24/12/2016
Mỗi quốc gia khác nhau thì có cách tiếp cận riêng của mình đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự thay đổi trong cục diện khu vực. “Hành động Hướng Đông” chính là cách tiếp cận của Ấn Độ.

Đó là khẳng định của ông Shivshankar Menon, nguyên Cố vấn an ninh Quốc gia, nguyên Bí thư đối ngoại Ấn Độ khi trả lời phỏng vấn với DNA ngày 23/12. 

Nhà ngoại giao hàng đầu Ấn Độ này nghỉ hưu năm 2014 và từng xuất bản cuốn sách "Choices-Inside the Making of India’s Foreign Policy" (tạm dịch: Lựa chọn - Bên trong việc xây dựng chính sách đối ngoại Ấn Độ). Cuốn sách đúc kết từ những trải nghiệm ngoại giao của ông trong nhiều năm và cho thấy một cái nhìn độc đáo về chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Ông Shivshankar Menon. (Nguồn: DNA)

Cuốn sách của ông nói về những “sự lựa chọn” và sự tiếp nối ấn tượng trong chính sách đối ngoại dưới ba thời Thủ tướng bao gồm Thủ tướng Narasimha Rao, Atal Bihari Vajpayee và Manmohan Singh. Theo ông, những chính sách đối ngoại đó liệu còn đang được tiếp tục, cũng như sự cần thiết của nó?

Tôi nghĩ rằng cả ba Thủ tướng trên đều có điểm đồng trong cách tiếp cận đối ngoại. Mục tiêu của các vị lãnh đạo này là đổi mới đất nước để Ấn Độ trở thành một quốc gia hiện đại.

Do vậy, cả ba Thủ tướng đều nỗ lực nắm bắt xu hướng toàn cầu hóa, mở cửa thị trường, thương mại và đẩy mạnh hoạt động kinh tế quốc tế. Hiện nay, bối cảnh quốc tế có phần thay đổi nhưng trên thực tế những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại Ấn Độ vẫn không thay đổi. Ấn Độ vẫn có những chính sách nhất quán với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nga hay Pakistan.

Mặc dù vậy, bởi bối cảnh quốc tế thay đổi nên kết quả trong các cặp quan hệ giữa Ấn Độ và các nước có phần khác nhau. Cụ thể, quan hệ Ấn – Trung cũng có đôi chút căng thẳng, quan hệ Ấn – Pakistan còn những vấn đề phức tạp. Có thể nói, cách hành xử của một số nước với Ấn Độ đã thay đổi, vì vậy, tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp tục duy trì trọn vẹn những chính sách trước đây.

Gần đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ không chấp nhận Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này cũng có thể hiểu là Mỹ sẽ từ bỏ chính sách Xoay trục về châu Á – chính sách coi Ấn Độ là một trọng tâm. Kịch bản này sẽ tác động như thế nào tới lợi ích của Ấn Độ, thưa ông?

Tỷ phú Donald Trump sắp trở thành ông chủ Nhà Trắng với cam kết sẽ “thu mình” với phần còn lại của thế giới. Có thể nói, ông ấy theo xu hướng chống lại toàn cầu hóa.

Ông ấy luôn nói rằng sẽ không ủng hộ TPP nhưng còn quá sớm để kết luận bất cứ một điều gì. Các nhà chính trị gia thường ít khi hiện thực hóa những gì họ hứa hẹn trong tranh cử, vì vậy, chúng ta hãy cứ chờ đợi câu trả lời ở phía trước.

Như bao quốc gia Đông Á khác, Ấn Độ cần một môi trường hòa bình và quan hệ đối tác kinh tế tốt với Trung Quốc, vậy tại sao Ấn Độ lại quan tâm tới vấn đề Biển Đông?

Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đang trong thế đối đầu ở vấn đề này. Vài năm trước, Ấn Độ đã đề xuất Trung Quốc tham gia một cuộc đối thoại về an ninh biển và đã chia sẻ những lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông cũng như quan điểm về sự hiện diện của của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng quan tâm tới vấn đề tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương.

Mỗi quốc gia khác nhau thì có cách tiếp cận riêng của mình đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự thay đổi trong cục diện khu vực. Đối với Ấn Độ, chính sách “Hướng Đông”, nay đã chuyển thành chính sách “Hành động Hướng Đông” chính là cách tiếp cận của chúng tôi.

Ấn Độ đã phát triển từ nền kinh tế thứ 10 thế giới trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới. Chúng tôi có lợi ích từ những xu hướng vận động chung của thế giới. Chúng tôi nắm bắt tốt toàn cầu hóa và chúng tôi là những nhà cải cách tài ba. Tôi không khẳng định thế giới hiện tại mà chúng ta đang sống là hoàn hảo và lý tưởng nhưng Ấn Độ đã có thể phát triển tốt trong thế giới đó.

Ấn Độ được coi là ngôi sao sáng của kinh tế thế giới. (Nguồn: narendramodi.in)

Càng ngày càng có xu hướng chính sách đối ngoại được hoạch định dựa trên cơ sở các vấn đề chính trị nội bộ trong nước. Phải chăng đây là một hướng đi có thể lâu dài và đạt được một chính sách đối ngoại hiệu quả?

Có thể nói rằng chính sách đối ngoại luôn luôn là một phần của chính trị nội bộ ở Ấn Độ. Chính sách của Ấn Độ với Pakistan là một điểm nhấn cho quan điểm trên. Tuy nhiên hiện nay, việc đưa ra chính sách đối ngoại dựa trên những vấn đề chính trị nội bộ là một xu hướng đáng lo ngại.

Tôi cho rằng, chúng ta cần phải gắn chính sách đối ngoại với những lợi ích của Ấn Độ mà không phải là lợi ích của bất cứ đảng phái chính trị hay quan tâm của cá nhân một nhà lãnh đạo nào. Đó là lý do tôi đề cập tới một ví dụ khi Ấn Độ thỏa thuận vấn đề biên giới với Trung Quốc. Thời nguyên Thủ tướng Narasimha Rao, ông đã khăng khăng nói chuyện với tất cả các lãnh đạo đảng đối lập và phải thông qua các cuộc đối thoại về vấn đề biên giới với Trung Quốc. Tôi cho rằng, chúng ta đang bảo vệ lợi ích cho đất nước Ấn Độ chứ không phải lợi ích của Thủ tướng hay Đảng Quốc đại. Thảo luận và đối thoại nội bộ là cần thiết nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta nên thực hiện chính sách đối ngoại dựa trên cơ sở các vấn đề chính trị trong nước.

Xin cảm ơn ông!

(theo DNA)