📞

Hành trang giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên

13:44 | 26/07/2017
Chuyên gia kì cựu về Đông Bắc Á của Mỹ, Donald P. Gregg cho rằng, đã đến lúc Washington cần nhìn nhận lại cách tiếp cận Bình Nhưỡng.

Từng có thời gian làm việc trong Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và được đánh giá là nhân vật được cho là hiểu về Triều Tiên hơn bất cứ người Mỹ nào hiện nay, ông Gregg cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng thiếu các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng.

“Chúng ta không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên nếu chúng ta không hiểu về người Triều Tiên. Chúng ta càng không thể hiểu họ nếu chúng ta không nói chuyện với họ” - ông nói.

Chuyên gia Mỹ về Đông Bắc Á và Triều Tiên - ông Donald Gregg. (Nguồn: AP)

Quan điểm khác biệt

Suy nghĩ của ông Gregg “lạc nhịp” với hầu hết ý kiến của các thành viên Quốc hội và Nhà Trắng. Hiện cả hai cơ quan này đều đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhằm trả đũa việc Bình Nhưỡng mới đây thử thành công Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên và tiếp tục nỗ lực tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Kể từ năm 2015, Mỹ và Triều Tiên đã không đối thoại với nhau. Mỹ cũng hầu như không quan tâm đến việc đàm phán với Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ George W. Bush liệt Triều Tiên - cùng với Iran và Iraq - vào “trục ma quỷ” trong Thông điệp Liên bang năm 2002 của ông.

Tuy nhiên, quan điểm của ông cũng đã tìm được một “đồng minh”, đó chính là tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã đề nghị đối thoại với Triều Tiên hồi tuần trước. Ông Gregg, người đã tới Triều Tiên 6 lần, phản đối luồng tư tưởng chủ đạo tại Washington cho rằng, việc đối thoại với Triều Tiên chẳng khác nào phần thưởng cho cách cư xử ngang ngạnh của nước này. Thay vào đó, ông cho rằng đối thoại là cần thiết để ngăn tình hình vốn rất nguy hiểm hiện nay trở nên trầm trọng hơn. Ông cũng không đồng tình với các biện pháp trừng phạt vì cho rằng chúng chỉ làm cho Triều Tiên trở nên “cứng đầu” hơn.

Tên lửa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng ngày 4/7. (Nguồn: Reuters)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Time, ông Gregg cũng thừa nhận rằng việc giải quyết vấn đề Triều Tiên là khá khó khăn và vất vả. Tuy nhiên, ông tỏ ra coi nhẹ những lời đe dọa “khoa trương” của Triều Tiên rằng sẽ tiêu diệt Mỹ, Hàn Quốc và nhiều đối thủ khác. Ông nói: “Người Triều Tiên không muốn tự sát. Họ không muốn chiến tranh”.

Chuyên gia Gregg cũng cho rằng bất chấp những lời lẽ hiếu chiến và chiến dịch tuyên truyền của Bình Nhưỡng, giới lãnh đạo Triều Tiên “là những người thực dụng, thận trọng và có học”. Ông ủng hộ việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chìa “cành olive” với Triều Tiên, cho rằng nó gợi lại “Chính sách Ánh dương” của cố Tổng thống Kim Dae Jung - chính sách đã giúp xoa dịu mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Ông Gregg đánh giá nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người “rất thông minh, cứng rắn và dám mạo hiểm”. Ông tin rằng, Bình Nhưỡng coi kho vũ khí hạt nhân như tấm lá chắn chống lại cuộc tấn công của Washington.

Ông Gregg cũng cho rằng, khả năng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa là khó có thể xảy ra. Song theo ông, tình trạng phổ biến hạt nhân là vấn đề còn nghiêm trọng hơn vấn đề Triều Tiên: Cá nhân ông tỏ ra lo ngại về vũ khí hạt nhân của Pakistan, cũng như cuộc chiến tranh đang lan tràn khắp Trung Đông, hơn là vấn đề Triều Tiên.

Ngoại giao: Con đường ngắn nhất tới hòa bình

Ông Gregg cho rằng, Mỹ đã quá ngây thơ khi nghĩ Trung Quốc sẽ hạn chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên: “Mối quan ngại lớn hơn của Trung Quốc chính là một bán đảo Triều Tiên thống nhất và nước này liên tục phản đối sự hiện diện của bính lính Mỹ ở Hàn Quốc. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không bao giờ ủng hộ chúng ta (Mỹ) trong vấn đề Triều Tiên”.

Chuyên gia Gregg cũng cho biết, sau mỗi chuyến công du Triều Tiên, ông đều viết thư hoặc gặp các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng, song những nỗ lực đó của ông hầu như bị bác bỏ hoặc phớt lờ. Ông cũng kêu gọi đàm phán về một hiệp ước hòa bình để thay thế Thỏa thuận Đình chiến Triều Tiên - thỏa thuận đã giúp chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Thỏa thuận này do Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên ký năm 1953. Ông phàn nàn rằng, “rất khó tìm được một nhân vật nào ở Washington có kinh nghiệm, kiến thức và tư tưởng cởi mở để đối thoại với Triều Tiên”.

Trung Quốc khó có khả năng ủng hộ Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. (Nguồn: DNA India)

Tuy nhiên, hiện giờ chẳng có gì đảm bảo rằng đàm phán sẽ mang lại một kết quả khác biệt. Như B.R. Myers đã viết trong một cuốn sách có tựa đề “Dòng giống trong sạch nhất: Cách người Triều Tiên tự nhận xét về mình và tại sao lại như vậy”, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã sử dụng “chủ nghĩa dân tộc dựa trên việc ca ngợi về dòng giống” của mình để kiểm soát người dân. Theo ông Myers, nếu Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân, họ sẽ bị mất đi hình ảnh hùng cường của mình trong mắt người dân. Ông Myers cũng cho rằng “Chính sách Ánh dương” của Hàn Quốc “thậm chí không thể khiến Triều Tiên mủi lòng, dù chỉ là chút ít”.

Dẫu vậy, theo ông Gregg, Mỹ vẫn nên tăng cường nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có thể đúng khi nói rằng Mỹ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Triều Tiên, song ông cũng đúng khi nói rằng bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ là một “thảm họa” đối với bản thân nước Mỹ và các đồng minh. Cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đưa ra những phát biểu đầy mâu thuẫn về Triều Tiên, song ông Trump cũng nói rằng ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “trong những hoàn cảnh cụ thể”. Chỉ có điều, ông không xác định rõ “hoàn cảnh cụ thể” đó là như thế nào.

Kết thúc bài phỏng vấn của mình, chuyên gia Donald Gregg cho rằng đã đến lúc những nỗ lực ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên nên bắt đầu, trước khi tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn.

(theo Time)