📞

Hành trình nghiệt ngã của những đứa trẻ

07:00 | 19/03/2017
Ở độ tuổi lẽ ra đang được giám sát làm bài tập ở nhà, hàng trăm nghìn trẻ em châu Âu lại phải tự mình vượt qua các lục địa.
Những đứa trẻ tị nạn Syria vừa tới Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 6/2015. (Nguồn: AFP)

Như cậu bé Wasil, dù mới 12 tuổi nhưng đã phải sống một mình trong căn lều nhỏ tại trại tị nạn ở Calais (Pháp) - vẫn được gọi là Rừng rậm - trước khi nơi này bị Chính phủ Pháp giải tỏa hồi tháng 10/2016. Cuối năm 2015, theo một tay buôn lậu (đã được mẹ Wasil trả 50 USD), cậu bé trải qua quãng đường hơn 6.400 km từ Kunduz (Afghanistan), băng qua phần lớn châu Á và châu Âu với đủ thứ hiểm nguy: cướp bóc, thú hoang, đói khát… để tới Calais vào mùa Hè 2016. Có lúc Wasil sống 10 ngày trong rừng chỉ với hai chai nước, hai cái bánh quy, một túi chà là và những quả mận dại.

Nguy hiểm rình rập

Trong số 1,3 triệu người tìm cách tị nạn ở châu Âu năm 2015 có gần 100.000 trẻ em không có người đi kèm, hầu hết đến từ Afghanistan và Syria. 13% số trẻ nhỏ hơn 14 tuổi. Theo Hiệp ước Dublin III, người tị nạn phải xin tị nạn tại quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên mà họ vào. Tuy nhiên, trẻ vị thành niên không ai đi kèm có họ hàng gần ở đâu đó trong châu Âu có quyền xin tị nạn tại nơi ấy. Tháng 5/2016, Nghị viện Anh thông qua một sửa đổi quy định rằng Chính phủ nước này sẽ tiếp nhận số lượng không cụ thể trẻ em tị nạn không có người đi kèm từ các quốc gia khác tại châu Âu.

Thế nhưng, việc tiếp nhận trẻ em này đã không diễn ra. Một  mặt do đấu đá chính trị nội bộ giữa các nước châu Âu. Mặt khác,  những ngẫu nhiên về mặt địa lý đã làm các nước này phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng tị nạn không giống nhau. Một số người tị nạn và di dân có thể nghĩ đến việc định cư ở Italy và Hy Lạp - nơi gần như tất cả họ đều đặt chân tới đầu tiên để vào châu Âu và cũng đã có quá đông người tị nạn. Với đa số người tị nạn, mục tiêu là tới được một nước Bắc Âu, nơi tỷ lệ thất nghiệp thấp và hỗ trợ xã hội rộng rãi hơn. Song,  “người ta cho rằng mọi việc đều trong tầm kiểm soát khi đến bờ biển châu Âu, nhưng thực tế đó mới chỉ là bắt đầu một chặng mới trong hành trình của họ”, Phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Sarah Crowe nói.

Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, mà tất cả các nước thành viên EU đều ký kết, quy định rằng “những lợi ích tốt nhất” của trẻ em chi phối mọi khía cạnh trong đối xử. Một khi đã tới châu Âu, các em có quyền được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và hỗ trợ tư pháp nhưng nhiều em không nhận được gì. Theo Helen Stalford, người nghiên cứu về các quyền của trẻ em châu Âu tại Đại học Liverpool (Anh), “vấn đề là luật EU không đưa ra giải thích rõ ràng “những lợi ích tốt nhất” cần được thực thi như thế nào”.

Kết quả là, trẻ tị nạn không có người đi kèm sống trong tình trạng nghiệt ngã nhất của trải nghiệm tị nạn. Chúng mắc kẹt trong các khu cư trú không chính thức như Rừng rậm, với những điều kiện sống được mô tả là “kinh khủng” (Hội Chữ thập Đỏ Anh), “tồi tệ” (tổ chức Cứu trợ Trẻ em), “hoàn toàn không thích hợp” (Hội đồng Nạn dân và người lưu đày châu Âu), và “tàn tệ” (tổ chức từ thiện Bác sĩ Thế giới)… Chúng đối mặt với rất nhiều hiểm nguy: ký sinh trùng, nước nhiễm bẩn, tội phạm vặt, bạo lực, lạm dụng tình dục, và bệnh tật từ ghẻ tới lao.

Theo Cơ quan Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol), hơn 10.000 trẻ em tị nạn và di dân đã mất tích tại châu Âu kể từ năm 2014. Chúng làm mồi cho các nhóm buôn người, những kẻ lợi dụng  tình dục và làm nô lệ. Một nhóm bác sĩ Italy khám cho trẻ em không người đi kèm đã thấy rằng 50% các em bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Theo báo cáo của Refugees Deeply, tại một công viên ở Athens, giá mua dâm một thiếu niên Afghanistan chỉ khoảng 5-10 Euro. “Bên cạnh việc giải quyết những yếu tố khiến trẻ em rời bỏ nhà cửa và di cư một mình cần xây dựng hệ thống giám sát và hỗ trợ toàn diện bảo vệ các em”, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của UNICEF Lucio Melandri nhấn mạnh.

Những đứa trẻ tầm 7 tuổi chờ được thuê làm tại một trại tị nạn. (Nguồn: UNHCR)

Tương lai bất định

Những đứa trẻ như Wasil ám ảnh về những bước đi tiếp theo. Sự thay đổi từ tâm thế đầy hy vọng sang tuyệt vọng khiến Wasil không chắc liệu việc rời bỏ nhà có đáng hay không. “Cháu ước gì đã không làm vậy, nhưng cháu vui vì ở đây an toàn hơn một chút so với ở Afghanistan”, cậu bé nói.

Những người tha hương bắt đầu tới Calais năm 1994, năm Đường hầm Channel khai trương. Năm 1999, hàng trăm người Afghanistan, Iran và Iraq lưu trú tại các công viên, vườn hoa của thành phố, chờ cơ hội nhảy tàu hay phà vào Anh. Họ muốn tới Anh quốc vì nhiều lý do: có người nhà ở đó, họ nói được tiếng Anh và nước Anh được cho là dễ tị nạn hơn Pháp. Cùng năm này, Chính phủ Pháp, trước tình hình ngày càng gay gắt, đã đề nghị Hội Chữ thập đỏ mở “trung tâm khẩn cấp” tại một nhà máy cũ ở Sangatte, sáu dặm phía Tây Calais. Sangatte nhanh chóng nổi tiếng bởi suốt sáu tháng năm 2001, cơ quan quản lý đường hầm đã chặn hơn 18.000 người tìm cách vào Anh và trở thành một địa điểm của tranh cãi ngoại giao. Anh cáo buộc Pháp không kiểm soát được biên giới. Pháp kết tội Anh né tránh trách nhiệm về cuộc khủng hoảng.

Năm 2002, Anh thành công trong việc gây áp lực với Pháp đóng cửa Sangatte, nhưng di dân và nạn dân vẫn đổ tới. Họ trú trong các hầm ngầm thời Chiến tranh thế giới và sau đó trong các khu rừng quanh Sangatte. Chính phủ Pháp giải tỏa khu Rừng rậm đầu tiên kiểu đó vào năm 2009. Đầu năm 2015, khu Rừng rậm mới xuất hiện, tại khu công nghiệp gần cảng Calais. Đến tháng 10, đã có hơn 6.000 người.

Ở một số khía cạnh, Rừng rậm được tổ chức khá tốt. Tại đây có hàng ăn, thánh đường hoặc nhà thờ, dù chỉ là được dựng tạm bằng ván và giấy dầu, nhưng chẳng sự khéo léo nào của con người có thể làm dịu đi không khí cực kỳ lo lắng. Chẳng cư dân nào có quá khứ yên lành, hiện tại ổn định hay ý tưởng vững vàng về tương lai. Ít nhất 33 người đã bị giết trong hai năm 2015 và 2016.

Một sĩ quan cảnh sát bế cậu bé ba tuổi người Syria đã chết trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 9/2015. (Nguồn: AFP)

Trong khi đó, khắp châu Âu, các nước đều siết chặt biên giới. Ở Anh, sự đồng thuận rằng cần làm gì đó giúp người tị nạn, đặc biệt là trẻ em, đã giảm sút sau vụ tấn công bằng xe tải ở Nice, miền Nam nước Pháp. Đến đầu tháng 10/2016, Anh chỉ nhận 140 trẻ em theo Hiệp ước Dublin III. Bọn trẻ được xét kỹ trên đất Anh và nếu đề nghị của chúng hợp lý, chúng sẽ được đoàn tụ với các thành viên gia đình mình. Tuy nhiên, bất kỳ thiện chí còn lại nào đối với những đứa trẻ vị thành niên mới đến đều nhanh chóng tan biến. Ngày đầu tiên ở Anh của chúng, tờ Daily Mail chào mừng “các bạn trẻ đến từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá” và in kèm cả một loạt ảnh. Hôm sau, tờ báo đăng tin: “Già quá tuổi: Thêm lo sợ về tuổi thật của trẻ di dân đến từ Calais”.

Tại một số thành phố ở Pháp, người dân phản đối sự xuất hiện của bọn trẻ. “Chúng tôi không muốn chúng!”, hàng trăm người đã hô vang trong một cuộc tuần hành do đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) đứng đầu tại trung tâm của đảng ở Var. Ứng viên Tổng thống Pháp của đảng này Marine Le Pen, người vận động tranh cử bằng hình thức chống nhập cư, nói rằng: “nếu có nơi ở Pháp biểu tượng cho sự sụp đổ của nhà nước thì đó là Calais”.

Dù được đưa sang Anh nhưng Wasil cũng như những trẻ tị nạn khác vẫn phải đối mặt với một tương lai bất định. Nhiều trẻ vị thành niên sẽ bị từ chối tị nạn nhưng được phép ở lại nước Anh tới khi 17 tuổi rưỡi, là lúc chúng có thể bị từ chối và trục xuất. Trẻ em không có người đi kèm tiếp tục đổ tới châu Âu nhưng Chính phủ Anh từ chối tiếp nhận chúng vì cho rằng việc làm này “khuyến khích” chúng trở thành người tị nạn ở châu Âu.

Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Chatham House của Anh vừa qua đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 10 nước Anh, Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức và Áo với câu hỏi “Có nên cấm người nhập cư từ các nước Hồi giáo?”. Theo kết quả công bố ngày 8/2, trên 54% người được hỏi đã trả lời “đồng ý”, khoảng 20% không đồng ý và 25% không trả lời câu hỏi này. Đáng chú ý là 44% người được hỏi trong lứa tuổi 18-29 đã trả lời không đồng ý.
(Theo The New Yorker)