Khi Anh rời khỏi EU và một làn sóng dân túy đang trỗi dậy thách thức các giá trị tự do cốt lõi của khối, hiệp ước mới cam kết toàn tâm toàn ý bảo vệ liên minh. Nhưng rốt cục hiệp ước trên sẽ thay đổi điều gì?
Theo nội dung bản dự thảo hiệp ước mà BBC có được, Pháp và Đức nhất trí củng cố lập trường chung và đưa ra tuyên bố chung về các vấn đề lớn của EU - chính thức hóa sự hợp tác của họ hiện nay. Hai bên cũng dự định sẽ hành động như một lực lượng chung tại Liên hợp quốc.
Từ chính sách đối ngoại đến an ninh nội địa và bên ngoài, hai quốc gia cam kết đưa ra lập trường chung trong khi tìm cách củng cố "năng lực của châu Âu để hành động tự chủ".
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP |
Hai nước cam kết, thứ nhất là hội nhập kinh tế sâu rộng với "khu vực kinh tế" Pháp - Đức; thứ hai là phát triển năng lực quân sự của châu Âu, cùng nhau đầu tư để "lấp đầy khoảng trống về năng lực, từ đó củng cố" EU và NATO; cuối cùng là thúc đẩy một "nền tảng văn hóa chung" và triển khai chung trong cả hai lực lượng vũ trang cũng như một hội đồng quốc phòng và an ninh Pháp - Đức. Đối với giới trẻ, có thỏa thuận tập trung vào trao đổi văn hóa và tăng cường học tập ngôn ngữ của nhau, với mục tiêu thành lập một trường đại học Pháp - Đức.
Ngoài ra, hai bên cũng có kế hoạch tăng cường các kết nối xuyên biên giới và "sử dụng thông thạo hai ngôn ngữ" ở cả hai bên biên giới Pháp và Đức.
Một kế hoạch tham vọng?
Nhiều điều trong số những tham vọng này đã được nghe trước đây.
Cách đây đúng 56 năm, Tuyên bố chung đầu tiên về tình hữu nghị Pháp - Đức đã được ký tại Paris. "Kể từ đó...", theo Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế Dirk Leuffen thuộc Đại học Konstanz, "tinh thần của Hiệp ước 1963 đã được nhắc lại nhiều lần bởi hai Chính phủ Pháp và Đức qua nhiều thời kỳ". Giáo sư Leuffen cho rằng, không có sự thay đổi gây ấn tượng sâu sắc nào nhưng thay vào đó "Hiệp ước 1963 tiếp tục hoặc biến các mục tiêu cũ thành những thách thức hiện tại". Ông cũng chỉ ra các kế hoạch kinh tế có khả năng báo hiệu bước tiếp theo của mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước.
Theo chuyên gia Alistair Cole của Đại học Cardiff, tầm quan trọng của hiệp ước nằm ở tính biểu tượng của nó. Trong bối cảnh châu Âu thời hậu Brexit, chuyên gia này cho rằng hiệp ước được mong đợi sẽ "ra tuyên bố về vai trò chủ chốt của Pháp và Đức, mặc dù trên thực tế, hai nước thường không nhất trí với nhau".
Có nhiều ý kiến phản đối Hiệp ước?
Một số quốc gia thành viên EU đã cảm thấy hai nước Pháp và Đức có quá nhiều quyền lực. Các quốc gia Trung và Đông Âu đã phản ứng về sự lãnh đạo của Đức và Pháp trong vấn đề di cư. "Đã đến lúc phản đối trục Pháp - Đức bằng cách ủng hộ một trục Italy - Ba Lan", Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, thành viên đảng cánh hữu, tuyên bố vào ngày dự thảo hiệp ước cuối cùng được công bố. Tuyên bố này được Salvini đưa ra trong chuyến thăm Ba Lan, nhằm thách thức sự thống trị của Pháp và Đức trong EU trong một liên minh hoài nghi châu Âu trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng Năm tới.
Bản thân Hiệp ước đã trở thành chủ đề của nhiều tin tức giả mạo ở Pháp, với những thuyết âm mưu về việc Tổng thống Macron sẽ "ký bàn giao" lãnh thổ như một phần của thỏa thuận.
Tổng thống Pháp Emmanuel Tổng thống Macron. (Nguồn: Tellerreport) |
Một nghị sĩ châu Âu người Pháp, cựu thành viên đảng Mặt trận Quốc gia Bernard Monot, đã tuyên bố trong một video, rằng hiệp ước thực chất sẽ nhượng lại các khu vực biên giới Alsace và Lorraine cho Đức.
Cáo buộc này đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, mặc dù có nhiều đoạn gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông chính thống - và thực tế là ông Monot đã xóa video của mình. Ông cũng tuyên bố rằng ngôn ngữ của hai vùng này sẽ được chuyển sang tiếng Đức.
Nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đã đi xa tới mức buộc tội Tổng thống Macron sẽ đến Aachen vào ngày 22/1 để "hủy bỏ về căn bản những gì Tướng de Gaulle đã làm, nghĩa là đưa nước Pháp vào liên minh đầu tiên của các cường quốc".
Mối quan tâm của lãnh đạo Đức, Pháp
Với bà Angela Merkel, các vấn đề lịch sử - các quan điểm chính trị của bà bị ảnh hưởng bởi di sản nhuốm máu của thế kỷ 20 của châu Âu. Bà tìm thấy ở ông Emmanuel Macron một đối tác cũng hiểu rõ giá trị như bà, ít nhất là về ảnh hưởng mang tính tượng trưng của quá khứ. Hãy nghĩ về khoảnh khắc có tác động mạnh khi hai nhà lãnh đạo ôm nhau tại lễ tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.
Không ngạc nhiên khi họ đã chọn một ngày kỷ niệm quan trọng như vậy để khởi động, trên thực tế, kế hoạch của họ để bảo vệ châu Âu trước thời kỳ bất ổn hiện nay.
Những ý kiến chỉ trích ở Berlin cho rằng hiệp ước này không vững chắc và rằng, dù mang tính biểu tượng hay không, sự hồi sinh của trục Pháp - Đức có nguy cơ khiến các quốc gia Đông Âu hoảng sợ.
Bà Merkel sẽ nhất trí ký Hiệp ước theo cách mà bà ấy sẽ đi vào sử sách. Người phụ nữ được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của châu Âu xét cho cùng đã chịu trách nhiệm xử lý một loạt cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: kyivpost.com) |
Sức mạnh của Hiệp ước là gì?
Quyền lực của Tổng thống Macron đã suy yếu kể từ khi ông đắc cử năm 2017 với một cam kết về một loạt biện pháp thân châu Âu, bao gồm cả ngân sách chung cho Khu vực đồng Euro. Theo Giáo sư Cole, vấn đề chính không phải là hiệp ước mà là "tương lai rất không chắc chắn của chương trình cải cách châu Âu của ông Macron". Tuy nhiên, ông cho rằng có thể có một số chuyển động hướng tới một chiến lược quốc phòng và an ninh phối hợp hơn và gây tranh cãi hơn, hướng tới việc chia sẻ nghĩa vụ đóng góp trong Khu vực đồng Euro.
Theo lời Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, hai nước "đang hợp sức để đấu tranh cho một châu Âu mạnh mẽ có khả năng hành động, một thế giới hòa bình và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".