Từ nguồn vốn chương trình 135 và lồng ghép dự án khác đầu tư vùng có đông đồng bào dân tộc đã góp phần diện mạo xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ – Hậu Giang) từng bước đổi thay. (Ảnh: Phương Nghi) |
Từng bước vươn lên thoát nghèo
Về Hậu Giang, có dịp đi trên những con đường dẫn về các phum, sóc, thấy được cảnh sắc phum sóc đã thay đổi rất nhiều. Hầu hết các tuyến đường đều được trải nhựa, bê tông; ánh điện chiếu sáng khắp nơi; phần lớn các hộ nghèo đã có nhà ở, tập trung tăng gia sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo...
Những năm qua, Hậu Giang đã và đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp trở lại cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh.
Anh Thạch Song, ở ấp 4, xã Vị Trung (huyện Vị Thủy) là hộ nghèo được người có uy tín giúp đỡ. Gia đình anh không có đất sản xuất, vợ chồng anh đi làm thuê đủ nghề nhưng không thoát khỏi cái nghèo. Năm 2018, nhờ ông Thạch Rươl - người có uy tín ở địa phương động viên, hướng dẫn cách làm ăn, rồi đứng ra giới thiệu cho anh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi heo và gà.
“Chỉ sau 4 lứa lợn, 8 đợt gà, tôi đã trả tiền vay cho Ngân hàng, cuối năm 2020 gia đình tôi xin trả sổ hộ nghèo. Mặc dù gia đình mới thoát nghèo nhưng cuộc sống giờ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Tôi đang cố gắng lao động để thoát nghèo bền vững", anh Song phấn khởi nói.
Từ nguồn vốn chương trình 135 và lồng ghép các chương trình, dự án khác nên hạ tầng cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống đã từng bước thay đổi. Hơn năm trước, tuyến lộ nông thôn ở ấp 8, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ) được xây dựng mới dài trên 1,2km rất thông thoáng, nối liền các ấp. Khi xây dựng, qua phần đất hộ dân nào, bà con đều tự nguyện hiến đất, hoa màu.
Ông Danh Kiên (người Khmer) ở ấp 8 nói: “Từ khi tuyến đường nông thôn ấp được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, hàng hóa vận chuyển thông thương, bộ mặt nông thôn ở đây sáng ra, hứa hẹn đời sống bà con chuyển biến tích cực, nhiều hộ đồng bào Khmer nơi đây xây được nhà tường khang trang. Có lộ thông thoáng, tiện đủ thứ, diện mạo ấp 8 đang khởi sắc, người dân ấp 8 rất phấn khởi”.
Anh Thạch Sà Phiên, ở ấp 4 (xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) từ nguồn vốn vay ưu đãi, thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn đã giúp anh có thu nhập ổn định và thoát nghèo. (Ảnh: Phương Nghi) |
Quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số
Song song với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng phum sóc văn minh, hiện đại, đời sống văn hóa trong đồng bào Khmer luôn được quan tâm chăm lo bằng nhiều hình thức.
Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang đánh giá: “Khoảng 5 năm trở lại đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hậu Giang có nhiều thay đổi. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho bà con tiếp tục được đầu tư.
Nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo đồng bào dân tộc Hậu Giang đã giảm đáng kể từ 32,15% vào cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 chỉ còn 16,01% (tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số)”.
Thực hiện Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022-2025, Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 2%/năm; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 20 mô hình, dự án giảm nghèo tạo sinh kế; hỗ trợ 80% nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất cho người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, anh Danh Sà Huônl (áo đen) ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thực hiện mô hình trồng cam mật giúp anh có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. (Ảnh: Phương Nghi) |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, để đạt được những mục tiêu của Chương trình, Tỉnh thực hiện 10 dự án thành phần, dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 khoảng 219,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng hiệu quả cho công tác giảm nghèo.
Đến năm 2025, Hậu Giang phấn đấu 50% xã ra khỏi đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rãi nhựa hoặc bê tông; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,72% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 90% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề...
***
Sự đổi thay vùng đồng bào dân tộc Khmer Hậu Giang hôm nay đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự cần cù lao động của bà con Khmer; đồng bào Khmer còn luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, chung tay góp sức xây dựng phum, sóc thêm khởi sắc.