Ngoại trưởng John Kerry đến thành phố Ramallah để gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào 18/7/2013. |
Từ ngày 15 đến 18/7/2013, Ngoại trưởng John Kerry đã thực hiện chuyến công du thứ 6 đến Trung Đông kể từ khi nhậm chức và cũng là chuyến đi thứ 3 tới khu vực này trong vòng 2 tuần qua. Điều đó cho thấy Trung Đông luôn và sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama.
Trung Đông hay châu Á?
Ngay từ khi chưa đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry được biết đến là một trong những người am hiểu nhất về Trung Đông tại Thượng viện Mỹ và cũng là người luôn bày tỏ nỗi “khát khao” mong muốn chấm dứt cuộc xung đột “huynh đệ tương tàn” kéo dài hơn 6 thập kỷ qua giữa người Israel và người Palestine. Nói là làm, ngay sau khi nhậm chức, ông John Kerry đã trực tiếp điện đàm với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine khẳng định “cam kết cá nhân” đối với nền hòa bình Trung Đông và bắt tay thực hiện hàng loạt chuyến đi con thoi đến khu vực.
Khi tái khởi động chính sách ngoại giao mới với khu vực Trung Đông, ông John Kerry có thuận lợi lớn là nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Obama. Quả thực, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ II, Tổng thống Obama đã bắt đầu nghĩ đến di sản đối ngoại và một trong những mục tiêu được nhắc đến là hiện thực hóa thỏa ước hòa bình dang dở Israel - Palestine của các vị Tổng thống tiền nhiệm. Chính vì vậy, ông Obama đã hết lòng ủng hộ ông John Kerry trong các chuyến đi đến khu vực này thời gian qua với mục tiêu làm sống lại các đàm phán về hòa bình Trung Đông và hy vọng có thể đưa các bên ký kết hòa ước lịch sử trước khi kết thúc nhiệm kỳ II của mình.
Ngoài ra, kể từ khi triển khai chiến lược “tái cân bằng” châu Á-Thái Bình Dương, nhiều nhà phân tích và bình luận cho rằng Mỹ đã quá tập trung vào khu vực này mà “lơ là” hai địa bàn chiến lược khác là châu Âu và Trung Đông. Do đó, với việc nhấn mạnh sự quan tâm đến Trung Đông qua các chuyến đi, ông John Kerry muốn gửi đi thông điệp rằng nước Mỹ chưa và sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ lợi ích cũng như vai trò của mình tại khu vực có vị trí chiến lược trọng yếu trong chính sách toàn cầu của Mỹ như Trung Đông.
Bao giờ Trung Đông thực sự có hòa bình?
Các nỗ lực ngoại giao “cường độ cao” của ông Kerry trong khu vực là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc Mỹ có đưa được cả Israel và Palestine lại gần nhau hơn và đem lại hòa bình lâu dài cho khu vực này hay không vẫn còn là một ẩn số vì đã có biết bao đời tổng thống và chính quyền Mỹ trước đó đã phải chịu “thúc thủ” ở phút thứ 89. Tuy nhiên, hiện có một số tín hiệu tích cực đáng ghi nhận:
Thứ nhất, sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, quyết tâm của ông Kerry đã phần nào lay chuyển cả người Israel và Palestine và lãnh đạo hai nước đã chấp nhận nối lại đàm phán hòa bình lần đầu tiên kể từ 3 năm qua. Đây được xem như một thành tựu của cá nhân ông Kerry cũng như chính quyền của Tổng thống Obama trong bối cảnh nước Mỹ bị nhiều người chỉ trích là quá tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian qua mà “quên” mất khu vực chiến lược truyền thống của mình là Trung Đông.
Thứ hai, quan hệ giữa Mỹ và Palestine đã có một số chuyển biến tích cực. Tại thị trấn Ramallah ở Bờ Tây, Ngoại trưởng Kerry đã thảo luận với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas về khả năng Palestine quay trở lại bàn đàm phán hòa bình và triển khai gói hỗ trợ khu vực tư nhân trị giá 4 tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế đang kiệt quệ của Palestine. Trong bối cảnh Mỹ chưa chính thức công nhận Palestine là một “nhà nước,” khoản viện trợ trên được coi là một bước tiến quan trọng.
Thứ ba, tuy không phủ nhận kết quả đưa Israel và Palestine quay trở lại bàn đàm phán của Ngoại trưởng John Kerry, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi về tiến trình hòa bình tại Trung Đông vì “đàm phán” cho đến nay vẫn chỉ là “đàm phán” và chưa có nhiều hành động cụ thể được triển khai. Thực tế cho thấy, hòa bình ở Trung Đông chỉ có thể đạt được khi cả Israel và Palestine xây dựng được lòng tin và có sự thỏa hiệp, nhượng bộ nhất định – một điều khó có thể đạt được trong thời gian ngắn nếu so với lịch sử xung đột hàng thế kỷ giữa người Israel và người Hồi giáo.
Tín hiệu từ kết quả các chuyến đi Trung Đông của ông Kerry cho đến nay là đáng khích lệ. Tuy nhiên, một giải pháp hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine cũng như cho cả khu vực Trung Đông không chỉ phụ thuộc vào các nỗ lực đơn phương của Mỹ, quyết tâm của Israel hay Palestine mà còn phụ thuộc vào vai trò của Liên Hiệp Quốc, “nhóm bộ tứ” và cả cộng đồng quốc tế với các quan tâm và lợi ích đan xen nhau.
Lại Anh Tú