Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ thận trọng hơn? |
Một ngày sau khi Palestine chính thức gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), ngày 2/4, Iran và nhóm P5+1 cũng đạt được thỏa thuận khung mang tính lịch sử về chương trình hạt nhân của Tehran. Đối với cả hai vấn đề này, Israel và cá nhân Thủ tướng Benjamin Netanyahu đều chống đối quyết liệt và dai dẳng gần như bằng mọi giá.
Không nhượng bộ với Palestine
Về phần mình, Palestine đã tận dụng ngay vị thế mới có để khởi kiện Israel về cuộc chiến đẫm máu hồi tháng 7/2014 ở Dải Gaza khiến hơn 2.000 người Palestine thiệt mạng cũng như việc Israel xây dựng những khu định cư cho người Do Thái.
Theo nhận định của tờ The Guardian, động thái nói trên sẽ giúp cho Palestine tạo kênh đấu tranh pháp lý mới cũng như tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Tuy nhiên, sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng ICC rồi đây sẽ đưa Israel ra xét xử, bởi lẽ, Mỹ và đồng minh khác của Israel sẽ gây áp lực lên ICC đủ mức để giới lãnh đạo nước này không bị xét xử trước tòa và kết tội. Bên cạnh đó, các thủ tục để tòa xét xử cũng rất lâu và không có gì là chắc chắn cả.
Trên thực tế, tiến trình đàm phán hòa bình Israel – Palestine đang lâm vào bế tắc và dự đoán vẫn còn nhiều chông gai phía trước. Vì vậy, việc Palestine quốc tế hóa tranh chấp thông qua ICC, dù được cộng đồng quốc tế ủng hộ nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Tel Aviv, có thể khiến căng thẳng leo thang trở lại ở khu vực vốn chưa bao giờ bình yên này.
Bên cạnh đó, với quan điểm cứng rắn và có phần cực đoan của mình, Thủ tướng Netanyahu sẽ không vì chuyện Palestine tham gia ICC mà chịu nhượng bộ trong hòa đàm Trung Đông. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ Israel bị cô lập và yếu thế về chính trị, có thể ông Netanyahu sẽ thận trọng hơn rất nhiều khi đưa ra quyết sách đối với Palestine.
Tấn công Iran - lợi bất cập hại
Trong khi “cái gai” Palestine vẫn còn đang nhức nhối thì chính quyền Tel Aviv lại đón nhận thêm một tin dữ khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân sơ bộ với các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Israel. Đáp lại, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đồng thời cho rằng thỏa thuận này sẽ mở đường cho Tehran phát triển vũ khí hủy diệt. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 2/4, ông Netanyahu nhấn mạnh thỏa thuận giữa Iran và P5+1 đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel, khu vực và toàn thế giới.
Trong trường hợp xấu nhất, Israel hoàn toàn có khả năng tiến hành một chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu hạt nhân của Iran. Sau cuộc chiến tranh Yom Kippur (1973), Israel thường chủ động ra tay nhằm đảm bảo an ninh, thể hiện rõ nét qua việc quốc gia Do Thái từng đơn phương tấn công lò phản ứng hạt nhân duy nhất của chính phủ Saddam Hussein ở Iraq hồi năm 1981.
Tuy nhiên, nếu viện đến các giải pháp quân sự, các nhà lãnh đạo Israel phải xem xét những hậu quả khôn lường, bởi một cuộc tấn công của Israel chắc chắn sẽ châm ngòi cho một cuộc tấn công đáp trả từ Iran, cũng như phản ứng gián tiếp chống lại Israel trong khu vực từ các đồng minh của Iran như Hezbollah và Hamas. Trên hết, nói như chuyên gia Paul Rogers (Đại học Bradford) trên mạng VOA: “Đứng trước nguy cơ tấn công của Israel, Iran sẽ càng quyết tâm trong việc tích trữ vũ khí hạt nhân”.
Israel-Mỹ vẫn cần nhau
Chiến tranh và xung đột, khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thời gian qua đã góp phần giúp Iran tăng cường vị thế và ảnh hưởng ở khu vực. Cùng với đó, triển vọng phát triển quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây thực sự là “quả đắng” đối với Israel cũng như bản thân Thủ tướng Netanyahu.
Về phần mình, dù tỏ ra cứng rắn song chính quyền Washington cũng thừa nhận việc theo đuổi giải pháp ngoại giao với Iran đã gây ra căng thẳng với Israel, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ sát cánh bên Israel nếu đồng minh Do Thái bị tấn công. Đối với vấn đề Palestine, Mỹ cho đến nay luôn chống đối mọi hành động đơn phương của Palestine tại các tổ chức quốc tế như ICC. Theo quan điểm của Washington, tranh chấp Israel – Palestine chỉ có thể được giải quyết qua đàm phán trực tiếp, bất chấp đàm phán hai bên đã ngưng trệ.
Có thể thấy một thực tế không thể phủ nhận là Mỹ và Israel dù không bằng lòng nhưng cũng không thể quay lưng với nhau bởi cả hai đều có chung nhiều lợi ích chiến lược tại Trung Đông. Trong bối cảnh đó, nhiều người tin rằng Tel Aviv khó lòng “thọc gậy bánh xe” các chính sách của Mỹ tại khu vực, bởi sự hậu thuẫn của Mỹ luôn là nguồn lực giúp Israel tồn tại và đương đầu với thách thức từ các quốc gia láng giềng.
Trịnh Quang