📞

Học giả Philippines đề xuất 3 khía cạnh hợp tác Mỹ-Trung sau đối thoại tại Alaska

Phạm Hoàng 12:30 | 25/03/2021
TGVN. Dù còn nhiều bất đồng khó hóa giải sau cuộc gặp ở Alaska, Mỹ-Trung vẫn cần hợp tác để giải quyết các vấn đề như: cuộc chiến thương mại và công nghệ, căng thẳng quân sự đang gia tăng, các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu và Covid-19.
Mỹ-Trung cần chung tay hợp tác để giải quyết nhiều thách thức toàn cầu sau cuộc đối thoại tại Alaska. (Nguồn: Reuters)

Cuộc đối thoại phần nhiều có thể đoán trước kết quả ở Anchorage, Alaska cuối tuần vừa qua giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc cho thấy những bất đồng lớn khó có thể thu hẹp trong một sớm một chiều.

Cả hai bên đều gay gắt ngay ở phiên họp công khai trước truyền thông quốc tế.

Đối với Mỹ, cuộc gặp ở Alaska nhằm tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu trong bối cảnh làn sóng phản đối Trung Quốc đang gia tăng ở trong nước.

Trong khi đó, các đại diện của Trung Quốc cũng tuyên bố rất rõ ràng với những người đồng cấp Mỹ rằng, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận vị trí thứ 2, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở nước này.

Dù vậy, cả 2 cường quốc đều có nhiều lý do để khai thác những “thỏa thuận lớn” rất thực tế trong tương lai gần để tránh một cuộc xung đột gây nhiều tổn hại, cũng như cùng giải quyết các mối lo ngại chung trên toàn cầu – từ đại dịch Covid-19 tới biến đổi khí hậu.

Cài đặt lại quan hệ Mỹ-Trung

Sau 4 năm đối đầu gay gắt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều học giả hy vọng về việc khởi động lại mối quan hệ Mỹ-Trung dưới thời chính quyền mới của Mỹ.

Trung Quốc được cho là đã tiếp cận đội ngũ của ông Biden ngay sau cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020, mở đường cho cuộc gặp ở Alaska chưa đầy 2 tháng sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Phía Trung Quốc đã tuyên bố rất rõ, Bắc Kinh hy vọng cuộc trao đổi cấp cao ở Alaska sẽ giúp “đưa mối quan hệ Mỹ-Trung về đúng hướng”.

Tuy nhiên, thay vì tạo điều kiện suôn sẻ cho quan hệ song phương, cuộc họp gay gắt cho thấy căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng đang ở cấp độ cao hơn so với thời Tổng thống Donald Trump.

Trong cuộc gặp, ngay cả những nhà ngoại giao kỳ cựu cũng không thể tránh khỏi “ngoại giao chiến lang” và thái độ kiểu Chiến tranh Lạnh.

Cả hai cường quốc dường như đều đang cố gắng thể hiện nhiều nhất có thể cho “khán giả” trong nước cũng như với các đồng minh toàn cầu.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh và Washington thậm chí không đưa ra được tuyên bố chung sau các phiên họp kín và các cuộc gặp kéo dài hơn dự kiến ban đầu.

Theo nhiều cách, dư luận đã chứng kiến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không công khai giữa Mỹ và Trung Quốc.

3 khía cạnh hợp tác

Tuy nhiên, cuộc gặp ở Alaska chỉ củng cố thêm tầm quan trọng của việc kiểm soát một cách có hệ thống căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và sự cần thiết về một “cuộc mặc cả lớn”, hợp lý và được cả đôi bên chấp nhận.

Ông Richard Heydarian, học giả hàng đầu tại Philippines cho rằng, có 3 lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có đủ không gian cho sự hợp tác và thỏa hiệp.

Trước tiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần phải giải quyết các cuộc chiến thương mại và công nghệ đang leo thang, vốn gây ngắt quãng chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tới sự phục hồi kinh tế.

Các lệnh trừng phạt thời chính quyền cựu Tổng thống Trump đối với Trung Quốc đã tác động tới không chỉ ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, mà còn đe dọa đến các ngành công nghiệp đa quốc gia trong tương lai gần. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc cũng dẫn tới sự ngắt quãng xã hội và hạn chế liên lạc giữa người dân hai nước.

Đòn thuế quan đáp trả của Trung Quốc cũng tác động không nhỏ tới nông dân cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Biden đã tạm dừng một số lệnh trừng phạt chủ yếu nhằm vào TikTok và WeChat. Tuy nhiên, hai bên cần một thỏa thuận thương mại và công nghệ bền vững để tránh lặp lại một cuộc chiến kinh tế quy mô lớn.

Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng, hai cường quốc vẫn có không gian cho sự thỏa hiệp. Bắc Kinh có thể xem xét một số sửa đổi nhất định với chính sách công nghiệp “Made in China 2025”. Điều này có thể bao gồm việc hợp tác và minh bạch hơn trong các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là 5G và trí tuệ nhân tạo...

Về phần mình, Mỹ có thể cân nhắc lại việc đưa vào danh sách đen các nền tảng công nghệ lớn của Trung Quốc, nới lỏng xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, trong khi Trung Quốc đảo ngược các biện pháp trừng phạt đáp trả và xem xét lại các hạn chế tiềm tàng đối với xuất khẩu đất hiếm.

Lĩnh vực thứ hai cần hợp tác liên quan tới những căng thẳng quân sự ngày càng gia tăng ở Tây Thái Bình Dương và các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

Trong bối cảnh cả hai bên đang gia tăng sự hiện diện ở các vùng biển có tranh chấp, sẽ cần phải có giải pháp ngoại giao giữa lực lượng quan sự cấp cao hai bên cùng cơ chế xử lý khủng hoảng phù hợp để tránh leo thang không mong muốn.

Cuối cùng, sự hợp tác giữa Mỹ và Trung là không thể thiếu trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu tới đại dịch Covid-19.

Hai nước đều đang hướng tới mục tiêu nền kinh tế không khí thải carbon vào giữa thế kỷ này và vẫn có nhiều không gian hợp tác về công nghệ, ngoại giao trên khía cạnh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh thế giới cần chấm dứt chủ nghĩa dân tộc vaccine và cạnh tranh ngoại giao vaccine, Mỹ và Trung Quốc có thể phối hợp để tăng cường hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng các cơ chế vaccine toàn cầu như Covax, tiếp đó là xúc tiến chương trình tiêm chủng ở những nước nghèo hơn và ngăn chặn sự phát sinh của các biến thể Covid-19 nguy hiểm hơn.

(theo SCMP)