Ngày 22/5, tờ The Times (Anh) cho biết Thủ tướng Theresa May hiện đối mặt với khó khăn rất lớn trong tiến trình Brexit và có thể sẽ công bố quyết định từ chức vào ngày 24/5, sau nhiều lần chính bà Thủ tướng Theresa May đã phủ nhận thông tin này. Tuy nhiên, bà Thủ tướng Theresa May sẽ tạm thời nắm quyền cho đến khi đảng Bảo thủ lựa chọn được người kế nhiệm trong cuộc bỏ phiếu 2 vòng sắp tới.
Sự ra đi của bà May là điều đã được khẳng định từ trước, khi nhà lãnh đạo này, ngay cả khi đánh cược cả sự nghiệp chính trị, cũng không thể giành được đủ lá phiếu ủng hộ của Hạ viện để thông qua dự thảo Brexit. Lời đề nghị mới nhất, vốn được đánh giá là phiên bản “tân trang” lại của dự thảo cũ nhằm hấp dẫn các Hạ Nghị sỹ, đi cùng với lời đe dọa tổ chức trưng cầu ý dân lần hai về Brexit, thậm chí còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập cũng như ngay trong chính đảng Bảo thủ.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Hạ viện Anh. (Ảnh: Reuters) |
Một ngày trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 23/5, nối gót nhiều quan chức khác, Chủ tịch Hạ viện Anh Andrea Leadsom đã thông báo quyết định từ chức, với lý do không còn tin tưởng Chính phủ có thể hiện thức hóa tiến trình Brexit. Theo bà, nước Anh dưới dự luật Brexit của bà Theresa May sẽ đánh mất chủ quyền, còn cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai sẽ chia rẽ nghiêm trọng đất nước.
Song đó chưa phải là tất cả. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất được công bố ngày 22/5 trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ đã tụt xuống chỉ còn 7% so với 30% của đảng Brexit mới thành lập của ông Nigel Farage, nhân vật chủ chốt trong chiến dịch vận động Brexit hồi năm 2016. Nếu chính trị gia theo đường lối dân túy này chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, nó sẽ không chỉ đánh mạnh vào uy tín của đảng Bảo thủ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình Brexit nói riêng và hội nhập của EU nói chung.
Ngay cả giải pháp cuối cùng là tổ chức trưng cầu ý dân lần hai về vấn đề Brexit được cho là cũng không mở ra một lối thoát mới cho Anh. Bộ trưởng Pháp phụ trách vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau, từng tham gia đàm phán Brexit, cho rằng cuộc trưng cầu ý dân mới chưa chắc có thể mang lại “một kết quả khác biệt”. Ở thời điểm hiện tại, theo cuộc khảo sát mới nhất của Kantar, có 54% người dân Anh được cho rằng London nên ở lại với Brussels, so với 46% tiếp tục duy trì lập trường Brexit, song con số này có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Tương tự như bà Leadsom, bà Loiseau cho rằng những lá phiếu lần này sẽ không chỉ định đoạt tương lai của nước Anh trong EU mà còn có thể khiến xứ sở sương mù ngày một chia rẽ. Ưu tiên của Pháp là “ngăn không cho Anh ‘xuất khẩu’ khủng hoảng của họ sang EU”, song cũng mong muốn Anh có quyết định triệt để thay vì dùng dằng chưa quyết, đặc biệt là trong vấn đề backstop tại Ireland.
Tiến trình Brexit “dậm chân tại chỗ”, nội các tan rã, tỷ lệ ủng hộ sụt giảm đi kèm với sự bế tắc trong tìm kiếm giải pháp đòi hỏi đảng Bảo thủ cần tìm kiếm gương mặt mới nhằm cứu vãn tình hình. Sự ra đi của đương kim Thủ tướng khi đó là hợp tình hợp lý, tạo điều kiện cho đảng cầm quyền “khởi động lại” uy tín nói chung và tiến trình Brexit nói riêng, giúp bà gìn giữ danh tiếng, thuận lợi lui vào hậu trường sau thời gian dài gắng sức vì Brexit. Hồi chuông trên tháp đồng Big Ben đã điểm và sự nghiệp chính trị của bà May cũng đã tới hồi kết.