📞

Hội nghị Định ước quốc tế Hiệp định Paris về Việt Nam qua tài liệu lưu trữ

Đại sứ Nguyễn Thiệp 13:41 | 19/01/2023
Ngày 27/01/1973, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, theo quy định tại Điều 19 của Hiệp định, một Hội nghị quốc tế được triệu tập để xác lập sự ghi nhận quốc tế đối với Hiệp định và đảm bảo việc thực hiện Hiệp định và các Nghị định thư kèm theo.
Ngày 13/01/1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ vẫy tay chào phóng viên trước cuộc gặp Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger.

Và Hội nghị Định ước quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam (sau đây gọi là Hội nghị) đã diễn ra từ ngày 26/02-02/03/1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên đại lộ Kléber (Paris), với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 12 nước/Chính phủ và Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) lúc đó là ông Kurd Walheim.

50 năm sau sự kiện, chúng ta có may mắn được tiếp cận thêm một nguồn tư liệu về Hội nghị. Đó là toàn bộ ghi âm diễn biến bốn ngày của Hội nghị, có thời gian hơn 1.600 phút, xấp xỉ gần 27 giờ, bao gồm phát biểu của các đoàn đã được dịch ra bốn ngôn ngữ chính thức của LHQ (Anh, Pháp, Nga và Trung) và tiếng Việt, do Bộ Ngoại giao Pháp thực hiện và lưu tại Lưu trữ Ngoại giao Pháp ở thị trấn Courneuve (ngoại ô Paris). Hiện nay, tài liệu lưu trữ dưới dạng âm thanh đều đã được số hóa dưới dạng file MP3.

Cuối 2020, Bộ Ngoại giao Pháp đã tặng cho Đại sứ quán ta tại Pháp và ngày (01/06/2022) vừa qua, toàn bộ 39 file ghi âm dưới dạng MP3, đã được chuyển cho Lưu trữ Bộ Ngoại giao và tặng cho Cục Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ quốc gia một bản sao.

Hội nghị lịch sử

Theo các file ghi âm này, phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh ngày 26/02/1973 tại Hội nghị nêu rõ “Việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam đánh dấu một bước tiến lớn trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho toàn dân Việt Nam, con đường dẫn đến một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đây là một thắng lợi của chính nghĩa, của quyền nhân dân các nước làm chủ vận mệnh của mình, của xu thế không gì ngăn cản nổi trong thời đại chúng ta, là tiến lên một cuộc sống hòa bình, độc lập và phồn vinh cho các dân tộc… Nội dung Hiệp định Paris về căn bản đã đáp ứng yêu cầu đó. Phấn đấu cho Hiệp định được thi hành đầy đủ và nghiêm chỉnh là hoàn toàn phù hợp với quyền lợi chính đáng và nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam…. Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt. Qua các phát biểu tại Hội nghị, chúng tôi vui mừng nhận thấy chính phủ nhiều nước hoan nghênh và ghi nhận Hiệp định Paris về Việt Nam và mong muốn đóng góp vào việc tôn trọng Hiệp định và để Hiệp định được thực hiện nghiêm chỉnh. Chúng tôi cho đấy là trách nhiệm chủ yếu của Hội nghị.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), tôi xin đề nghị Chính phủ các nước tham dự Hội nghị cùng nhau thỏa thuận một văn bản Định ước, ghi nhận Hiệp định Paris về Việt Nam và các bản Nghị định thư của Hiệp định. Trong bản Định ước này, chính phủ các nước tham dự Hội nghị cam kết triệt để tôn trọng Hiệp định tôn trọng độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, triệt để tôn trong Hiệp định Paris về Việt Nam và các Nghị định thư của Hiệp định và kêu gọi chính phủ các nước khác cũng làm như vậy. Chính phủ VNDCCH đề nghị Hội nghị vạch ra và ghi trong Định ước những biện pháp cần thiết trong trường hợp xảy ra các vi phạm đe dọa hòa bình, độc lập, thống nhất và và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam”.

Đoàn Hoa Kỳ cũng cho rằng, Hội nghị là “một cố gắng có ý nghĩa lịch sử nhằm ghi nhận và củng cố vững chắc nền hòa bình mới đạt được. Văn bản pháp lý đi đến nền hòa bình đã được toàn thế giới hoan nghênh một cách nhiệt tình… Bởi vì thỏa thuận mà các bên vừa mới đạt được không chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn mà còn là thỏa thuận kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình”. Hoa Kỳ còn nhấn mạnh Hiệp định Paris ngày 27/01/1973 “đã thiết lập bước quan trọng đầu tiên... nhưng cần phải thừa nhận rằng, các điều khoản pháp lý mà Hội nghị này sẽ xây dựng, nếu thành công, mới cho phép hợp tác quốc tế và kiểm soát, giám sát tiếp tục được thực hiện”.

Album ảnh “Kỹ thuật của người An Nam” về các ngành nghề ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trở ngại cuối cùng

Phát biểu của các đoàn tại Hội nghị cho thấy, mặc dù coi trọng và thống nhất mục đích của Hội nghị là để ghi nhận các thỏa thuận tại Hiệp định Paris và bảo đảm thi hành Hiệp định, nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó, thì quan điểm của các nước lại không giống nhau. Trong khi đoàn VNDCCH đề nghị “Hội nghị không đặt ra các vấn đề phức tạp...” và “kiên quyết gạt bỏ các vấn đề mới, nằm ngoài khuôn khổ Hiệp định” thì đoàn Anh, Canada lại cho rằng, “nên có một người nhận các báo cáo của Ủy ban quốc tế về kiểm soát và giám sát (của Hiệp định Paris)…” và đề nghị “trong hoàn cảnh này, LHQ dường như có vai trò phù hợp hơn cả…” nhất là “với trách nhiệm của mình là bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế, LHQ có thể đưa ra các đảm bảo vô tư, khách quan cho việc đảm bảo đó (cho Hiệp định Paris về Việt Nam)”.

Tuy nhiên đề nghị đó của Anh và Canada đã không nhận được sự ủng hộ của các đoàn khác, nhất là các bên ký kết Hiệp định Paris. Sau cùng, về việc này Định ước quốc tế về Paris đã thỏa thuận như sau tại Điều 6.a: “Các bên ký kết Hiệp định Paris có quyền, một mình hoặc cùng với thành viên khác, thông báo cho các bên tham gia Định ước quốc tế này việc thực hiện Hiệp định Paris và các Nghị định thư”. Điều 7 của Định ước này cũng quy định “Trong trường hợp có vi phạm Hiệp định hoặc các Nghị định thư, đe dọa hòa bình độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đe doạ quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, một bên ký kết Hiệp định Paris và Nghị định thư có thể, một mình hoặc cùng với thành viên khác, tham vấn thành viên của Hội nghị quốc tế này để xác định các biện pháp khắc phục. Hội nghị quốc tế về Hiệp định Paris sẽ được triệu tập lại nếu Hoa Kỳ và VNDCCH, đại diện cho các bên ký kết Hiệp định, cùng đề nghị hoặc theo đề nghị của ít nhất một trong sáu thành viên của Ủy ban quốc tế kiểm sát và giám sát”.

Một trở ngại nữa của Hội nghị, mà Trưởng đoàn VNDCCH đã nêu ra trong phát biểu, đó là “khó khăn lớn nhất là một số giới không muốn công nhận sự tồn tại của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLT). Mọi người đều biết CPCMLT đã sinh ra trong khói lửa của cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, đã trải qua những thử thách ác liệt và ngày càng lớn mạnh. Chính phủ ấy đã có quan hệ ngoại giao với hơn 30 nước trên thế giới, được 64 nước tham gia Hội nghị các nước Không liên kết công nhận là một thành viên của Hội nghị, đã là một bên ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam và hiện nay là một trong 12 chính phủ tham gia Hội nghị. CPCMLT là đại diện chân chính của nhân dân miền Nam, đang giữ một vai trò quyết định trong đời sống chính trị ở miền Nam Việt Nam. Những giới không muốn công nhận sự tồn tại của CPCMLT là nhằm mục đích gì? Nếu nhằm xóa bỏ CPCMLT thì điều đó chỉ dẫn đến phá bỏ hòa bình và gây lại chiến tranh...” Trưởng đoàn CPCMLT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình tuyên bố “chính văn bản Hiệp định Paris đã thừa nhận rất rõ ràng ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai lực lượng vũ trang và ba lực lượng chính trị… Các vị đều biết một trong bốn bên ký kết Hiệp định Paris là CPCMLT mà tôi đại diện… Ngay tại Hội nghị này, một điều không ai có thể chối cãi được là chính CPCMLT là một trong 12 đoàn tham gia Hội nghị này”.

Trước khi đạt được thỏa thuận về văn bản Định ước, đã diễn ra trao đổi tương đối gay gắt tại Hội nghị khi đoàn chính quyền Sài Gòn đòi lưu hành tuyên bố của mình, coi “Việt Nam Cộng hòa là chính phủ duy nhất ở miền Nam Việt Nam…” làm tài liệu chính thức của Hội nghị. Do phản đối kiên quyết của đoàn ta, được sự ủng hộ của đoàn Liên Xô, Hungary và cả hai Chủ tịch của Hội nghị là Ba Lan và Canada, đoàn chính quyền Sài Gòn đã phải rút lại đề nghị này.

Ông Nguyễn Thiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp trao album ảnh “Kỹ thuật của người An Nam” về các ngành nghề ở Việt Nam đầu thế kỷ XX và danh sách các tài liệu dạng âm thanh về Hội nghị Định ước Hiệp định Paris 1973 do Bộ Ngoại giao Pháp cung cấp cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Dấu mốc lịch sử

Cùng với việc ký kết Hiệp định Paris và các Nghị định thư về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thành công của Hội nghị Định ước quốc tế về Hiệp định Paris và việc ký kết bản Định ước đã khẳng định thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ.

Đặc biệt, kết quả của Hội nghị Định ước quốc tế về Hiệp định Paris còn cho thấy thay đổi sâu sắc vị thế của nước ta trên trường quốc tế, kể từ khi Việt Nam tuyên bố độc lập 02/09/1945, nhất là về đấu tranh ngoại giao. Nếu Hội nghị Geneva năm 1954 là hoạt động ngoại giao đầu tiên vừa mang tính đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, trong đó các nước lớn nắm thế chủ động và dẫn dắt đàm phán thì tại cuộc đàm phán Paris, VNDCCH và Hoa Kỳ là những người chủ trì, dẫn dắt đàm phán, thể hiện trong suốt hơn 4 năm đàm phán tại Paris và 5 ngày làm việc của Hội nghị Định ước quốc tế này, một dấu mốc của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ Việt Nam. Cuộc đàm phán bắt đầu trước hết bằng các thăm dò ngoại giao giữa VNDCCH và Hoa Kỳ, thỏa thuận về việc chọn địa điểm họp là Paris rồi được kết thúc bằng các cuộc “đấu trí” bí mật và căng thẳng tại đây trước khi đi đến ký Hiệp định Paris. Hội nghị Định ước quốc tế về Hiệp định Paris cũng do VNDCCH và Hoa Kỳ triệu tập.

Hơn nữa, việc kết thúc cuộc chiến tranh bằng một Hiệp định thừa nhận độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, rồi được xác nhận bằng một Định ước quốc tế long trọng ghi nhận các cam kết trên, đảm bảo thực hiện Hiệp định, được 12 Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Hội nghị ký kết, trong đó có đầy đủ 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, là một thành công xuất sắc của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Ngoại giao Việt Nam.

Hội nghị Định ước quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên Đại lộ Kléber (Paris), ngày 2/3/1973, với sự tham dự đại diện của 12 nước và Liên hợp quốc. (Nguồn: Getty Images)

Kết thúc bốn ngày làm việc, ngày 01/03/1973, mỗi Trưởng đoàn - Bộ trưởng Ngoại giao của 12 chính phủ tham gia Hội nghị đã phải ký tên đến 60 lần, vì văn bản của Định ước được in bằng năm thứ tiếng cho cả 12 đoàn. Giây phút cuối cùng của Hội nghị diễn ra trong vỗ tay vang dội của các đại biểu và báo chí được mời tham dự, chứng kiến sự kết thúc của một cuộc chiến tranh kéo dài nhất trên thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai.

50 năm sau ngày Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, việc nghiên cứu cuộc đàm phán Paris và kết quả của nó vẫn luôn mang lại những thông tin và khám phá mới, nhất là từ các nguồn tài liệu, tư liệu lưu trữ mới được công bố. Việc khai thác các nguồn tài liệu lưu trữ trên thế giới về sự kiện này đang là một đòi hỏi thực tế khi mà kho lưu trữ của các nước trên thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam hầu hết đều đã được giải mật và công bố sau thời gian 50 năm. Hy vọng, hàng năm, vào dịp kỷ niệm này, chúng ta sẽ chứng kiến những khám phá mới về bản sắc và trí tuệ của Ngoại giao Việt Nam.


1. Về việc này, Điều 9 Định ước quốc tế ghi nhận “Việc các bên tham gia Hội nghị quốc tế này không có nghĩa là sự công nhận bất cứ một bên nào, trong bất cứ trường hợp nào, nếu việc công nhận đó không được thực hiện trước đó”.

2. Theo Dương Văn Quảng “Ngoại giao: lý luận và thực tiễn”, NXB Thế giới, Hà Nội 11/2021, tr. 508.

3. “Ngày 21/07/1954, Hội nghị Geneva kết thúc, thông qua Tuyên bố chung bao gồm 13 điểm” mà không có ký kết của nước tham gia hội nghị, Dương Văn Quảng “Ngoại giao: lý luận và thực tiễn”, NXB Thế giới, Hà Nội 11/2021, tr. 508.