Indonesia đang là chủ tịch luân phiên của G20 năm 2022 với ba vấn đề ưu tiên gồm tăng cường kiến trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng. (Nguồn: G20) |
Trong thông cáo báo chí phát ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm nay, với chủ đề “Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn”, sẽ tiến hành 2 phiên họp, là diễn đàn chiến lược để thảo luận về các nỗ lực phục hồi toàn cầu.
Phiên đầu tiên với nội dung tăng cường chủ nghĩa đa phương sẽ thảo luận những bước tiếp theo nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu và xây dựng sự tin tưởng giữa các nước, qua đó đảm bảo môi trường cho sự phát triển, hòa bình và ổn định của thế giới.
Trong phiên đầu tiên, hai diễn giả đặc biệt gồm Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Giáo sư Jeffrey Sachs thuộc Đại học Columbia (Mỹ) sẽ chia sẻ ý kiến và quan điểm về việc tăng cường các nguyên tắc và diễn đàn đa phương trong bối cảnh tình hình địa chính trị hiện nay.
Với chủ đề an ninh năng lượng và lương thực, phiên họp thứ hai là cơ hội để ngoại trưởng các nước G20 thảo luận các bước chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, việc thiếu hụt phân bón và giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh cũng như tình trạng chuỗi cung ứng tắc nghẽn.
Giá cả hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động lớn đến các nước đang phát triển. Với tư cách là một diễn đàn kinh tế đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới, G20 sẽ thảo luận toàn diện về các vấn đề này nhằm tìm kiếm các giải pháp kinh tế-xã hội bền vững.
Phiên này sẽ lắng nghe ba diễn giả đặc biệt bao gồm Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người và là đồng Chủ tịch Chương trình Hành động Năng lượng Liên hợp quốc Damilola Ogunbiyi và Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới Mari Elka Pangestu.
Ba diễn giả sẽ chia sẻ về tác động của cuộc xung đột hiện nay đối với kinh tế và sự phát triển của thế giới.
Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sẽ tổ chức một số cuộc gặp song phương với những người đồng cấp của cả các nước thành viên của nhóm lẫn các nước khách mời khác.
G20 là nền tảng chiến lược đa phương quy tụ 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo tương lai của tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng toàn cầu.
Indonesia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2022 với ba vấn đề ưu tiên gồm tăng cường kiến trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng. Trước tình hình mới ở Ukraine, các vấn đề liên quan an ninh lương thực cũng sẽ được thảo luận rộng rãi tại các cuộc họp của G20.
Chuỗi các cuộc họp G20 trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia bắt đầu từ ngày 1/12/2021 và sẽ kết thúc bằng Hội nghị thượng đỉnh của nhóm, cũng được tổ chức tại Bali, vào ngày 15-16/11 tới.
| Kinh tế Mỹ: Rủi ro suy thoái treo lơ lửng trên đầu, rất có thật và sẽ xảy ra, khi nào 'hạ cánh'? Trong nhiều tháng, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cùng tham gia một trò chơi: Cố gắng đoán xem khả năng ... |
| Tin thế giới 5/7: NATO trải qua 'thời khắc lịch sử'; EU như ngồi trên đống lửa; tàu Trung Quốc lại khiến Nhật Bản 'nóng mặt' NATO đi bước lịch sử liên quan mở rộng thành viên, khủng hoảng năng lượng ở EU, quan hệ Nga với Ukraine và Nhật Bản, ... |