Qua tuyên bố trên, Tòa án Tối cao Mỹ đã thay đổi một điểm quan trọng trong lệnh cấm nhập cảnh này. Cụ thể, Tòa tuyên bố lệnh cấm nhập cảnh không thể áp dụng với những người “có quan hệ thực sự với một cá nhân hay tổ chức tại Mỹ”. Như thế, có thể nói, Tòa án Tối cao đồng tình với các tòa chống lại lệnh cấm ở điểm: người nước ngoài vẫn có thể nhập cảnh vào Mỹ, nếu như họ thỏa mãn điều kiện nói trên, thậm chí cả khi họ đến từ một trong sáu nước “nguy hiểm” nằm trong lệnh cấm. Ngược lại, nếu như không chứng minh được mối quan hệ “thực sự” với nước Mỹ, người nước ngoài, đều có thể bị chính quyền Mỹ từ chối cấp thị thực và cấm nhập cảnh vào Mỹ. Như thế, nhìn chung, điều kiện này cũng sẽ áp dụng đối với mọi người Việt muốn nhập cảnh vào Mỹ.
Những người biểu tình phản đối phán quyết của tòa án tối cao khôi phục lại một số phần thuộc sắc lệnh nhập cảnh của tổng thống Trump ở Columbus Circle, Manhattan, Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Tòa án Tối cao cũng đưa ra một số ví dụ về mối quan hệ “thực sự” này, đó là người có “mối quan hệ gia đình mật thiết” với cá nhân sống tại Mỹ, sinh viên được chấp nhận vào học tại một trường đại học ở Mỹ, người được nhận vào làm việc cho một công ty ở Mỹ, giảng viên được mời đến nói chuyện ở Mỹ.
Tuy rằng theo Tòa án Tối cao, giải pháp này chỉ có tính chất tạm thời, nhiều chuyên gia dự báo nó sẽ được áp dụng lâu dài sau phán quyết của Tòa vào tháng Mười tới. Việc Tòa cho phép Chính phủ Mỹ cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài mà “không có quan hệ thực sự với nước Mỹ” thể hiện hai điểm quan trọng sau.
Thứ nhất, tuyên bố này của Tòa có ý nghĩa lớn về mặt lý thuyết. Theo thống kê, thủ phạm các vụ khủng bố lớn nhất ở Mỹ đều hoặc là người Mỹ hoặc người nước ngoài nhưng không hề thuộc một trong sáu quốc gia nói trên. Mặt khác, lệnh cấm của Tổng thống Trump dựa chủ yếu trên lý do tôn giáo, điều này có thể đi ngược với nguyên tắc Hiến pháp nước Mỹ cấm chính quyền hành động ưu tiên hay kỳ thị một tôn giáo nào đó.
Thứ hai, trên thực tế, giải pháp Tòa Tối cao đưa ra lại là một chiến thắng cho chính quyền Tổng thống Trump. Phải công nhận nước Mỹ có quyền cũng như có lý do để quyết định việc cấm hay cho phép người nào được vào lãnh thổ Mỹ trên nền tảng bảo vệ an ninh quốc gia. Hơn nữa, khi lệnh cấm không còn gắn liền với lý do tôn giáo mà được áp dụng rộng rãi không phân biệt, thì hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Mỹ.
Nhìn chung, dù Việt Nam không phải là nước mà lệnh hạn chế nhập cảnh của chính truyền Trump nhằm vào, có nhiều lý do để tin rằng người Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn trong việc xin thị thực vào Mỹ. Giải pháp của Tòa tối cao Mỹ, dù khá hợp lý về mặt nguyên tắc, vẫn còn rất chung chung, không cụ thể, rõ ràng. Ví dụ như trường hợp một người Việt Nam muốn đi du lịch tại Mỹ và đã đặt phòng khách sạn, trước khi có phán quyết trả lời của tòa án Mỹ, thật khó để biết liệu nó có nằm trong khái niệm “quan hệ thực sự” với nước Mỹ hay không. Hơn nữa, khi luật lệ chưa được rõ ràng, chính quyền Mỹ càng có nhiều quyền lực trong việc hạn chế người nước ngoài vào Mỹ mà không cần phải có lý do chính đáng và việc xin thị thực vào nước này càng dựa vào “may mắn” nhiều hơn.