📞

Hợp tác quốc phòng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

15:55 | 02/09/2016
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ hơn quan hệ Đối tác chiến lược, tiềm năng hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ là rất lớn.

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng G. Nehru tạo dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp ngày càng phát triển. Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng lãnh sự quán tại Hà Nội và hai năm sau đó Việt Nam mở Tổng lãnh sự quán tại New Delhi. Năm 1972, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ.

Để tăng cường cho mối quan hệ quân sự giữa hai nước, năm 1980, Ấn Độ chŕnh thức lập Phòng Tùy viên quốc phòng tại Hà Nội và Việt Nam mở Phòng Tùy viên quốc phòng tại New Delhi năm 1985. Tháng 7/2007, Việt Nam và Ấn Độ ký Tuyên bố chung quan hệ đối tác chiến lược. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương (11/2009), Bản ghi nhớ giữa Viện Chiến lược Quốc phòng và Viện Liên quân về trao đổi hợp tác (2011), Bản ghi nhớ giữa Viện Chiến lược Quốc phòng và Viện Nguyên cứu và Phân tích Quốc phòng (2012), Hiệp định tín dụng USD giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ (2014).

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, tháng 6/2016. (Nguồn: TTXVN)

Tháng 5/2015, trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, hai bên ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2020 và Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ về thiết lập quan hệ phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung.

Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Ấn đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nổi bật là, Bộ Quốc phòng hai nước tích cực trao đổi đoàn ở tất cả các cấp: từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến các quân chủng, binh chủng. Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm chính thức Ấn Độ (5/2015). Tư lệnh Hải quân, Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam tham dự Lễ duyệt hạm (2/2016). Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Võ Văn Tuấn tham dự Diễn tập Thực binh về Bom mìn nhân đạo (3/2016). Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam cử tàu chiến sang dự Lễ duyệt hạm do Ấn Độ tổ chức tại Vishakhapatnam (2/2016) và cử lực lượng sang tham dự Diễn tập thực binh về Mìn nhân đạo tại Pune (3/2016).

Từ năm 2003, hai bên bắt đầu triển khai cơ chế Đối thoại quốc phòng cấp Thứ trưởng, đến nay đã thực hiện được 9 phiên, phiên thứ 10 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong năm nay. Hai bên bắt đầu triển khai chương trình giao lưu sĩ quan trẻ thường niên (mỗi năm mỗi bên cử một đoàn) từ năm 2003. Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Parrikar tháng 6 vừa qua, hai nước đã đồng ý về nguyên tắc thiết lập Cơ chế Đối thoại quốc phòng cấp Bộ trưởng hai năm một lần.

Trong thời gian tới, hợp tác quốc phòng, quân sự vẫn sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược. Duy trì và thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tích cực xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể trong lĩnh vực quân sự, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ và sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời, tăng cường hợp tác về huấn luyện, đào tạo lực lượng, đặc biệt là đào tạo Đại học và sau Đại học các chuyên ngành quân sự mà Ấn Độ có thế mạnh, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Một số nội dung hợp tác mà hai bên có thể tiếp tục trong thời gian tới:

Trao đổi đoàn: Tăng cường trao đổi, giao lưu ở tất cả các cấp, trong đó chú trọng đoàn cấp cao (cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng); Duy trì cơ chế đối thoại quốc phòng cấp Thứ trưởng hàng năm và đối thoại cấp Bộ trưởng hai năm một lần; Thường xuyên giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm thực tế giữa các quân, binh chủng; Tiếp tục duy trì chương trình giao lưu sĩ quan trẻ; Bên cạnh đó tích cực tham gia hội thảo, trao đổi học thuật giữa các viện nghiên cứu của Ấn Độ với các viện đối tác của Việt Nam.

Hai bên duy trì chương trình giao lưu sĩ quan trẻ. (Nguồn: TTXVN)

Đào tạo ngôn ngữ cho cán bộ Quân đội: Tiếng Anh ngày càng trở thành công cụ giao tiếp quan trọng trong hội nhập quốc tế. Quân đội cũng đang tham gia rất tích cực vào các hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về lĩnh vực quốc phòng. Các hoạt động như: tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, nghiên cứu vũ khí, trang bị kỹ thuật của các nước; tập trận, tuần tra chung với một số nước, đặt ra nhu cầu ngoại ngữ rất cấp thiết đối với quân đội.

Ấn Độ đă giúp Việt Nam đào tạo ngôn ngữ cho nhiều thế hệ cán bộ chiến sỹ quân đội Việt Nam. Thời gian tới việc đào tạo ngôn ngữ cần tập trung đi sâu vào: tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh trong y học, tiếng Anh chuyên ngành khoa học quân sự (kỹ thuật quân sự, những vấn đề học thuật về công tác tham mưu, tác chiến ở các cấp).

Huấn luyện, đào tạo: Vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại của Việt Nam phần lớn do Nga sản xuất. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật này. Ngoài ra, Ấn Độ còn liên kết với Nga nghiên cứu, cải tiến, số hóa và sản xuất một số loại vũ khí hiện đại, như: máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas; tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Prahaar và tên lửa hành trình chống tàu tốc độ siêu thanh BrahMos, hệ thống cảnh báo sớm và tác chiến mô phỏng trong các quân chủng, binh chủng... Đây là lĩnh vực tiềm năng phù hợp với Việt Nam nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ các quân chủng, binh chủng, các ngành, trong quá trình hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công nghiệp quốc phòng: Ấn Độ có nền công nghiệp quốc phòng đang phát triển, phần lớn vũ khí trang bị có xuất xứ từ Nga. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tập trung vào việc phát triển nền công nghiệp quốc phòng, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng lực lượng vũ trang “từng bước hiện đại”. Do vậy, việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Ấn Độ cần tập trung vào cải tiến, số hóa một số loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp như máy bay, tàu chiến, các loại tên lửa, súng, pháo; đồng thời, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại. Ấn Độ và Việt Nam có thể thực hiện chuyển giao công nghệ cải tiến, nâng cấp và số hóa các loại máy bay, radar, tàu chiến và các trang thiết bị điện tử cũ để kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng, hiệu quả tác chiến.

Trao đổi kinh nghiệm tham gia các hoạt động quốc tế: Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ của Đảng, Nhà nước ta, những năm gần đây, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế và từng bước khẳng định sự đóng góp của mình trong các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế. Ấn Độ có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, góp phần hạn chế những khó khăn đó. Bên cạnh đó, hai bên tích cực ủng hộ, phối hợp trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, nhất là ADMM+ và ARF. Ấn Độ là nước rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hai nước có thể hợp tác trong các hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

(từ New Delhi)