Hiện trường vụ thử hạt nhân của Mỹ tại quần đảo Bikini ngày 25/7/1946. |
Vẫn chỉ là điều mong muốn?
Hiệp ước đầu tiên về cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân được gọi là “Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong khí quyển, trong vũ trụ và dưới nước”, còn được gọi là “Hiệp ước Moscow” theo tên địa điểm ký kết. Văn bản được ký ngày 5/8/1963 tại thủ đô của LB Nga.
Các bên tham gia thỏa thuận đồng thời là những nước khởi xướng, bao gồm Liên Xô, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 10/10/1963. Hiện tại, có 131 quốc gia là thành viên của Hiệp ước. Để Hiệp ước có hiệu lực, các tài liệu quan trọng nhất phải được phê chuẩn bắt buộc, tức là phải được phê duyệt ở cấp hành pháp và lập pháp cao nhất đối với quốc gia ký kết. Ở cấp hành pháp, người có thẩm quyền của nhà nước (Tổng thống/Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao) ký văn bản, còn ở cấp luật pháp, đó là sự phê chuẩn của Quốc hội.
Quốc hội (hoặc Nghị viện) bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước và qua đó xác nhận rằng nhà nước cam kết tuân thủ các quy định của Hiệp ước. Việc phê chuẩn được chính thức hóa bằng một tài liệu đặc biệt là văn kiện phê chuẩn. Trong Hiệp ước Moscow, Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh là nơi lưu giữ. Các quốc gia tham gia Hiệp ước lần lượt chuyển văn kiện phê chuẩn của mình tới Moscow, Washington hoặc London. Một số quốc gia có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân đã không ký Hiệp ước Moscow như Trung Quốc, Pháp, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và Israel.
Sau đó, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện ra đời - một hiệp ước quốc tế đa phương nhằm cấm các vụ nổ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào khác vì mục đích dân sự hoặc quân sự ở bất cứ đâu. Hiệp ước này được thông qua tại khóa họp thứ 50 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 10/9/1996 và ký kết vào ngày 24/9/1996.
Trong các Phụ lục của Hiệp ước xác định rõ danh sách 44 quốc gia có đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân và năng lượng nguyên tử trên cơ sở danh sách do Cơ quan năng lượng nguyên trử quốc tế (IAEA) tổng hợp. Mọi thứ đều rõ ràng: nếu có lò phản ứng hạt nhân, sẽ có khả năng thu nhận được plutonium để chế tạo vũ khí, nghĩa là về mặt lý thuyết có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã làm điều đó.
Cho đến năm 2023, Hiệp ước này đã được 187 quốc gia ký kết và được 178 quốc gia trong số đó phê chuẩn. Tuy nhiên, trong số 44 quốc gia có năng lượng hạt nhân vào thời điểm Hiệp ước được hình thành, có ba quốc gia không ký: Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên. Nghĩa là, yêu cầu đầu tiên để Hiệp ước có hiệu lực đã không được đáp ứng, chỉ có 41 trong danh sách 44 nước ký. Tiếp đó, số nước phê chuẩn Hiệp ước chỉ là 36, không gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Israel, Iran và Ai Cập.
Liên hợp quốc không bỏ cuộc. Vào ngày 6/12/2006, Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng ký kết và phê chuẩn Hiệp ước. Có 172 quốc gia đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết và hai quốc gia phản đối, đó là CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ.
Như vậy, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện không có hiệu lực, điều đó có nghĩa là trên thực tế, nó vẫn là chỉ một điều mong muốn. Tuy vậy, nhiều nước vẫn tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước và đã không tiến hành các cuộc thử nghiệm phát triển hạt nhân. Không có vụ thử nào được Hoa Kỳ thực hiện kể từ năm 1992. Nga cũng làm điều tương tự như vậy.
Các vụ thử hạt nhân trên thế giới
Từ năm 1949 đến 1990, Liên Xô tiến hành 715 vụ thử hạt nhân, sử dụng 969 thiết bị hạt nhân. Trong số này có 124 cuộc thử nghiệm được thực hiện vì mục đích hòa bình. Hầu hết các cuộc thử nghiệm ở Liên Xô đều diễn ra tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk và quần đảo Vùng đất mới (Novaya Zemlya).
Ngày 30/10/1961, quả bom hydro mạnh nhất trong lịch sử, Bom Sa hoàng, có công suất 58 megaton, đã được thử tại trung tâm thử nghiệm Novaya Zemlya.
Sóng địa chấn do vụ nổ tại Novaya Zemlya tạo ra, đi qua ba vòng Trái đất và sóng âm vang đến nơi cách vụ thử 800 km. Còn tại bãi thử Semipalatinsk vào ngày 11/10/1961, lần đầu tiên một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất đã được thực hiện.
Trong Hiệp ước Moscow “Cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển, trong vũ trụ, và dưới nước” có hiệu lực cuối năm 1963 chưa đề cập các vụ thử dưới lòng đất. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu của Hiệp ước là: bụi phóng xạ sau vụ nổ hạt nhân trong lòng Trái đất không được phép vượt ra ngoài quốc gia thực hiện các cuộc thử.
Tại bãi thử Semipalatinsk còn diễn ra nhiều vụ thử khác. Từ năm 1949 đến năm 1989, 468 vụ thử hạt nhân đã được thực hiện ở đó, trong đó có 616 thiết bị hạt nhân và nhiệt hạch được kích nổ, bao gồm: 125 khí quyển (26 mặt đất, 91 trên không, 8 có độ cao lớn) và 343 dưới lòng đất. Bãi thử Semipalatinsk bị đóng cửa vào ngày 29/8/1991.
Còn tại Novaya Zemlya, từ năm 1955 đến năm 1990, có 132 vụ nổ hạt nhân được thực hiện gồm cả trên bầu khí quyển, mặt đất, dưới nước và trong lòng đất. Ở Novaya Zemlya, có thể tiến hành các vụ thử nhiều thiết bị hạt nhân khác nhau.
Về số lượng thử, Nga không phải là nước dẫn đầu, mà chính là Hoa Kỳ. Từ năm 1945 đến năm 1992, Mỹ đã tiến hành 1054 vụ thử các loại, khí quyển, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới nước và cả trong vũ trụ.
Hầu hết các cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Trung tâm thử Nevada (NTS), Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương và một số vụ ở Đại Tây Dương. Vụ nổ hạt nhân cuối cùng ở Mỹ diễn ra tại bãi thử hạt nhân ở Nevada vào ngày 23/9/1992. Bãi thử này đã đóng cửa nhưng vẫn có thể hoạt động trở lại.
Trung Quốc thực hiện 45 vụ thử vũ khí hạt nhân (23 trên khí quyển và 22 dưới lòng đất) từ năm 1964 đến 1996. Việc thử nghiệm dừng lại vào năm 1996, khi Trung Quốc ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Kể từ năm 2007, theo sắc lệnh của chính phủ Trung Quốc, bãi thử hạt nhân Lop Nur đóng cửa hoàn toàn và trở thành điểm du lịch.
Pháp đã tiến hành 210 vụ thử hạt nhân từ năm 1960 đến năm 1996 bao gồm 17 cuộc thử nghiệm được thực hiện ở sa mạc Sahara, 46 vụ trong khí quyển và 147 trên mặt đất và dưới lòng đất ở các đảo san hô Fangataufa và Mururoa ở Polynesia thuộc Pháp.
Vương quốc Anh tiến hành vụ thử đầu tiên vào ngày 3/10/1952, cho nổ một thiết bị hạt nhân trên một con tàu đang neo đậu ở Quần đảo Monte Bello (mũi phía tây Australia). Tổng cộng, Anh tiến hành 88 vụ thử hạt nhân từ năm 1952 đến năm 1991.
Ấn Độ tiến hành cuộc thử đầu tiên vào năm 1974. Cho đến năm 1998, năm vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất được thực hiện tại bãi thử trên sa mạc Rajasthan, gần thành phố Pokhran. Kể từ đó, Ấn Độ chính thức được coi là cường quốc hạt nhân, nhưng hai ngày sau đó New Delhi tuyên bố từ bỏ các vụ thử tiếp theo.
Pakistan không hề tụt hậu trong cuộc chay đua thử nghiệm hạt nhân so với nước láng giềng Ấn Độ. Vào ngày 28/5/1998, Pakistan lần đầu tiên đã cho nổ năm quả bom dưới lòng đất và một quả nữa ngày 30/5. Kết quả các cuộc thử nghiệm này được Islamabad tuyên bố thành công, đưa Pakistan trở thành cường quốc hạt nhân thứ bảy trên thế giới vào thời điểm đó.
Một nước sở hữu hạt nhân khác là CHDCND Triều Tiên. Nước này đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Lo ngại gia tăng
Vũ khí hạt nhân có đặc tính rất khác so với vũ khí thông thường. Một viên đạn có thể lặng lẽ nằm trong kho khô ráo vài thập kỷ mà không mất đi đặc tính chết người. Song, trong thiết bị hạt nhân, các quá trình phân rã phóng xạ phức tạp liên tục xảy ra. Nghĩa là, theo thời gian, thành phần đồng vị của điện tích thay đổi và nó có thể bị suy giảm ở một mức độ nào đó. Plutonium đã cũ và không thể tạo ra loại đạn mới từ nó nữa vì nó đã thay đổi tính chất đồng vị.
Mặc dù Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện chưa có hiệu lực do nhiều nước chưa phê chuẩn, trên thực tế, thời gian qua, về cơ bản các nước đã tuân thủ việc không tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Việc rút lại quyết định phê chuẩn Hiệp ước được Nga giải thích là nhằm tạo cân bằng trong lĩnh vực thử nghiệm hạt nhân giữa Moscow và Washington vì Mỹ chưa bao giờ phê chuẩn văn bản này.
Tuy nhiên, điều này cùng khả năng Mỹ và các nước phương Tây có hành động đáp trả, vẫn làm dấy lên lo ngại về gia tăng căng thẳng hạt nhân mới.