📞

Indonesia và giấc mơ sở hữu đội tàu ngầm mạnh

16:45 | 01/10/2016
Đó là nội dung bài báo của tác giả IGB.Dharma Agastia, thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, đăng tải trên tờ Jakarta Post. TG&VN xin giới thiệu bài viết.
Tàu ngầm Ahn Jung Geun 1.800 tấn của Hải quân Hàn Quốc tại bờ biển đông Nam Hàn Quốc gần Busan. Ảnh AP

Khi nhậm chức Tổng thống Indonesia năm 2014, ông Joko “Jokowi” Widodo đã có tham vọng tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân Indonesia. Lúc đó, ông đã xây dựng tầm nhìn lớn về hàng hải cho Indonesia có tên là Trục Hàng hải Toàn cầu.

Giấc mơ lớn

Ông Jokowi mong muốn Indonesia sẽ trở thành quốc gia đứng đầu về hải quân cũng như về kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, trong đó nhân tố quan trọng nhất là hải quân. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng, phức tạp cộng với sự cạnh tranh về vũ khí tại khu vực, phần chủ yếu trong chiến lược Trục Hàng hải Toàn cầu phụ thuộc vào việc Hải quân Indonesia có thể trở thành một lực lượng tầm trung đủ khả năng bảo vệ các lợi ích về hàng hải của Indonesia hay không.

Đã hai năm trôi qua kể từ ngày ông Jokowi lên nắm quyền. Hải quân Indonesia hiện đang trong quá trình hiện đại hóa, tăng cường sức mạnh các Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ (MEF) vốn đã được chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono quan tâm phát triển.

Theo kế hoạch phát triển MEF, hải quân Indonesia sẽ sở hữu 154 tàu hải quân vào năm 2024, trong đó có 10-12 tàu ngầm. Indonesia dự kiến sẽ tự đóng mới được 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo nhờ sự hợp tác, liên doanh với tập đoàn đóng tàu Daewoo Shipbuilding và Marine Engineering của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nước này cũng đang đẩy nhanh kế hoạch mua thêm 3 tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Thực tế, Hải quân Indonesia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành, sử dụng tàu ngầm. Tuy nhiên, hiện đã đến lúc phải suy nghĩ lại về giấc mơ sở hữu đội tàu ngầm mạnh của Indonesia.

Nhiều trở ngại

Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông khiến cho yêu cầu có một đội tàu ngầm hoạt động hiệu quả là rất rõ ràng. Tàu ngầm là loại vũ khí lợi hại để hoạt động trong lòng biển, dễ dàng ẩn náu tránh sự phát hiện của đối phương, đồng thời tích cực hỗ trợ cho các lực lượng trên mặt nước. Trong chiến tranh, tàu ngầm có thể được sử dụng để vận chuyển quân bí mật và tiến hành các hoạt động gián điệp. Tuy nhiên, Indonesia hiện có một số hạn chế, trở ngại khi tập trung phát triển đội tàu ngầm.

Thứ nhất là những hạn chế về mặt địa lý. Các vùng biển của Indonesia đều hẹp và nông, đặc biệt là tại những tuyến đường thông thương giữa các đảo và các eo biển, buộc tàu ngầm phải nổi lên và điều đó có thể gây ảnh hưởng, nguy hiểm cho các tàu dân sự, gây tắc nghẽn và có nguy cơ va chạm.

Một điều đáng chú ý nữa là hiện nay các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang tích cực mua các loại tàu ngầm trong khi đó kinh nghiệm vận hành, sử dụng còn ít nên cũng có nguy cơ xảy ra va chạm.

Thứ hai là vấn đề về tính hữu dụng. Như đã nói ở trên, tàu ngầm mang lại các lợi thế lớn trong chiến tranh. Tuy nhiên, hiện nay Indonesia chưa phải đối mặt thực sự với nguy cơ chiến tranh mà lại đang phải tập trung đối phó với nạn đánh bắt cá trái phép và nạn cướp biển. Do đó, việc đầu tư đóng các loại tàu mặt nước, chẳng hạn như các tàu tuần tra sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Các vùng biển Indonesia hiện vẫn là một điểm nóng của cướp biển. Năm 2015, IMB báo cáo 108 vụ việc và âm mưu cướp biển tại các vùng biển Indonesia, con số cao nhất tại Đông nam Á. Lực lượng Hải quân dàn trải sẽ không thể kiểm soát được các vùng biển này. Đối phó với cướp biển, những chiếc tàu gọn nhẹ có thể di chuyển nhanh sẽ hữu dụng hơn. Từ năm 2004 đến nay,c ác cuộc tuần tra chung ba bên tại eo biển Malacca đã giúp giảm cướp biển xuống con số thấp nhất Thành công này có được là do sự có mặt thương xuyên của lực lượng hải quân, chứ không phải là lực lượng tàu ngầm thường ẩn mình dưới mặt nước.

Thứ ba là những hạn chế về tài chính. Chính phủ Indonesia hiện đang phải đối mặt với sự cắt giảm ngân sách, điều đó ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng. Trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng có khả năng sẽ bị giảm 2,8 nghìn tỷ Rupiah (tương đương 214,2 triệu USD) và điều đó chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mua sắm tàu ngầm trong tương lai.

Một điều quan trọng cũng cần lưu ý rằng nước sở hữu tàu ngầm cần một nguồn kinh phí lớn để bảo dưỡng thường xuyên chúng. Nếu không có cơ sở hạ tầng phù hợp và chuyên môn kỹ thuật cao, thì chúng sẽ nhanh chóng bị xuống cấp và trở thành một đống kim loại đắt tiền. Cần phải đầu tư một số lượng lớn ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng cho tàu ngầm. Mặc dầu tàu ngầm mới Chang Bogo đã được hoàn thành, Indonesia đã phải hoãn sử dụng cho tới tháng 12 vì vấn đề cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, một đội ngũ có chuyên môn cao để vận hành tàu ngầm cũng có nghĩa là chính phủ nước này cần đầu tư vào việc đào tạo chuyên sâu.

(Theo Jakarta Post)