Nền kinh tế Iran hiện nay tương tự với Việt Nam thời kỳ trước Đổi mới: sự pha trộn giữa nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn lớn. Do đó, phía Iran luôn muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong cải cách nền kinh tế cũng như hội nhập quốc tế thời kỳ hậu cấm vận.
Từ lâu, Iran vẫn luôn được xem là cường quốc năng lượng thế giới khi vẫn duy trì là nguồn xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - chỉ sau Saudi Arabia. Chưa kể đến việc Tehran đang sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới (sau Nga) và trữ lượng dầu thứ tư thế giới với khoảng 153,6 nghìn tỷ thùng. Trong bối cảnh giá dầu giảm hiện nay, Iran càng có quyết tâm hơn để thúc đẩy cải cách kinh tế giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu. Tuy nhiên, Tehran vẫn xác định dầu mỏ là nền tảng của nền kinh tế và quốc gia này vẫn có kế hoạch thúc đẩy sản lượng. Với nguồn dầu thô rẻ (xấp xỉ 25 USD/thùng), nền kinh tế Iran hy vọng vẫn sẽ trụ vững và phần nào phát triển đa dạng hơn trong khi thị trường giá dầu bấp bênh đang khiến cho Saudi Arabia “chao đảo”. Chiến lược phát triển đúng đắn này hứa hẹn sẽ mang đến diện mạo mới cho nền kinh tế của Iran.
Bên cạnh đó, Iran cũng có điểm tương đồng với Việt Nam về nông nghiệp. Năm 2007, Iran tự cung tự cấp trong sản xuất lúa mì và lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu lúa mì. Sau đó, đầu tư nhà nước đã giúp nông nghiệp phát triển mạnh với việc tự do hoá sản xuất và phát triển các thị trường xuất khẩu mới. Hiện Iran là nước sản xuất nghệ tây, quả hồ trăn và mật ong lớn nhất thế giới. Về thủy hải sản, Iran là nhà sản xuất lớn nhất về trứng cá muối, cũng như sản lượng đánh bắt cá chép, cá hồi, cá tầm ở vùng biển Caspi.
Hiện Chính phủ Iran đang cố gắng để phát triển đa dạng nền kinh tế bằng việc đầu tư vào các lĩnh vực khác gồm chế tạo ô tô, công nghiệp vũ trụ, điện tử dân dụng, hóa dầu và kỹ thuật hạt nhân. Tổng thống Hassan Rouhani từng tuyên bố muốn xuất khẩu ít nhất 30% sản phẩm của họ chứ không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn thu từ dầu với khoản tiền 32 tỷ USD bị đóng băng ở các tài khoản nước ngoài do lệnh cấm vận nay đã có thể sử dụng, Iran đang có bước chuyển mình mạnh mẽ để cải thiện nền kinh tế cũng như nâng cao vị thế quốc gia.