Tưởng niện nạn nhân trong vụ nổ bom liên hoàn tại Brussels (Bỉ) ngày 22/3. (Nguồn: AP) |
Loạt vụ tấn công khủng bố mới đây ở Bỉ cho thấy khả năng đánh váo "trái tim châu Âu" của lực lượng khủng bố dường như không hề suy giảm. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận đứng sau vụ tấn công kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 31 người và làm hơn 100 người bị thương này. Nhưng vì sao tổ chức này lại chọn Bỉ làm mục tiêu tấn công là một điều còn đang được bàn thảo.
Mối liên hệ từ lâu
Bỉ có thể không phải là trung tâm thánh chiến Hồi giáo, nhưng quốc gia nhỏ bé và yên bình này từ lâu đã phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến phiến quân. Ngay từ những năm 1990, những kẻ thánh chiến địa phương đã tìm cách chuyển súng đạn cho Nhóm Quân đội Hồi giáo (Groupe Islamique Armé) ở Algeria nhằm mục đích thành lập nhà nước Hồi giáo tại đây. Trong suốt một thập kỷ sau đó, khá nhiều người Bỉ đã tham gia các các cuộc xung đột ở nước ngoài, trong đó có cuộc chiến ở Chechnya.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, Bỉ mở phiên tòa xét xử hơn 20 người phần tử khủng bố Hồi giáo. Trong số các bị cáo có Nizar Trabelsi, một cựu cầu thủ bóng đá nhà nghề gia nhập mạng lưới khủng bố al-Qaeda và đang lên kế hoạch tiến hành vụ tấn công tự sát nhằm vào một căn cứ không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra còn có Tarek Maaroufi, một kẻ có liên quan tới vụ ám sát sĩ quan quân đội cấp cao Ahmed Shah Massoud của Afghanistan chỉ hai ngày trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9.
Gần đây hơn, khi cuộc chiến tại Syria lan rộng, số lượng người Bỉ tham gia xung đột ở Syria tăng lên đáng kể. Trong số khoảng 5.000 – 6.000 người châu Âu tham chiến ở Syria thì có 553 người Bỉ, đưa Bỉ trở thành quốc gia có tỷ lệ người tham chiến tại Syria trên dân số cao nhất trong các nước Tây Âu. Mặc dù Bộ trưởng Tư pháp Bỉ cũng đã thừa nhận rằng nước này "có vấn đề khi công dân tham chiến ở nước ngoài” nhưng chỉ có rất ít người bị kết tội khủng bố trong phiên xét xử diễn ra tháng Hai năm ngoái.
Theo ước tính, hiện đã có hơn 100 người Bỉ trở về nước sau khi tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài. Mặc dù vấn đề này được giới chức Bỉ rất quan tâm song cần phải đặt toàn bộ vấn đề trong bối cảnh rộng lớn hơn. Hiệp ước Schengen cho phép công dân các quốc gia thành viên được tự do đi lại trong khu vực đã trở thành kẽ hở để các phiến quân thánh chiến lợi dụng trong suốt thời gian dài. Những tay súng chiến đấu ở Syria có thể trở về Đức, Pháp hay Bỉ và trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho chính nơi chúng được sinh ra. Đáng lo ngại là mối đe dọa này đã lan rộng ra toàn châu lục với khoảng 2.000 tay súng được cho là đã trở về châu Âu.
Tạo cảm hứng
Vậy tại sao IS lại chọn mục tiêu tấn công tại Bỉ, thay vì ở những quốc gia quân sự hàng đầu như Pháp hoặc Anh. Câu trả lời nằm ở sức lan tỏa nhanh chóng của vụ tấn công. IS chọn Bỉ với hy vọng sẽ tạo cảm hứng cho những tân binh gia nhập hàng ngũ của nhóm này. Trên thực tế, Bỉ là quốc gia đầu tiên gánh chịu hậu quả từ làn sóng các phần tử thánh chiến từ nước ngoài trở về khi Mehdi Nemmouche, một kẻ từng chiến đấu cho IS ở Syria, đã bắn chết 4 khách tham quan Bảo tàng Do Thái ở thủ đô Brussels hồi tháng 5/2014.
Bỉ cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên hứng chịu vụ tấn công trực tiếp của IS, chứ không phải chỉ từ những kẻ bị IS lôi kéo. Trước đó, hồi tháng 1/2015, IS đã phái một số tay súng thiện xạ và tuồn vũ khí tới vùng Verviers, miền Đông nước Bỉ, để chuẩn bị cho một vụ tấn công lớn. Bằng nhiều cách khác nhau, IS đã bí mật trang bị súng AK-47, chất nổ, máy bộ đàm và camera cho những kẻ được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện vụ tấn công. Rất may âm mưu này sau đó đã được phát giác kịp thời. Hai tay súng đã bị tiêu diệt và một tên bị bắt sau nhiều tuần bị lực lượng an ninh Bỉ truy quét.
Những nhân tố liên quan đến vụ bắn giết ở Bảo tàng Do Thái và âm mưu tấn công tại Verviers tiếp tục xuất hiện trong những tháng sau đó. Đầu tiên là sự xuất hiện của Abdelhamid Abaaoud, một kẻ nắm vai trò cầu nối giữa lực lượng chóp bu của IS ở Syria với các hoạt động của tổ chức này ở châu Âu. Abaaoud có quan hệ với cả Mehdi Nemmouche và nhóm tay súng ở Verviers, nhưng đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở Paris tháng 11/2015.
Thứ hai là hầu hết những phần tử âm mưu tấn công khủng bố đều từng lảng vảng ở Molenbeek, một quận nghèo khó với đầy rẫy những kẻ thất nghiệp, nhập cư và có liên quan mật thiết tới các hoạt động khủng bố của IS. Đơn cử như Ayoub el-Khazzani, kẻ tham gia vụ tấn công đoàn tàu định mệnh tới Paris hồi tháng 8/2015 và từng sinh sống ở Molenbeek. Sau khi xảy ra loạt vụ tấn công tại Pháp tháng 11/2015, cảnh sát Bỉ đã mở cuộc tấn công lớn ở Molenbeek do có rất nhiều thủ phạm sống tại quận này. Salah Abdeslam là một trong số đó và đã bị bắt chỉ vài ngày sau đó.
Ván cược của IS
Nhưng vấn đề ở Molenbeek không chỉ liên quan đến những kẻ có liên hệ với IS, mà còn gắn với một vấn đề rộng lớn hơn của châu Âu: đó là chủ nghĩa đa văn hóa và sự hội nhập của những người nhập cư. Mỗi năm châu Âu tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn và di dân kinh tế nên việc đối mặt với vấn đề nêu trên không thể được giải quyết một cách nhanh chóng mà phải mất hàng thế hệ. Do đó, trong ngắn hạn, ưu tiên cần kíp là phải thu hẹp mạng lưới của IS ở châu Âu.
Tổ chức này đã cắm chân rết sâu rộng ở nhiều thành phố của châu Âu và tiến hành (cả trực tiếp và gián tiếp) các vụ tấn công tại Pháp, Bỉ và Đan Mạch. Nhiều âm mưu tấn công khác của IS, hay các tổ chức và cá nhân do IS kích động, cũng đã bị phát giác ở Áo, Italy, Tây Ban Nha và Anh. Mặc dù các cơ quan tình báo đã có được nhiều thành công sau vụ 11/9 nhưng số vụ tấn công khủng bố trót lọt vẫn tăng lên đáng kể, mà loạt vụ tấn công mới nhất ở Bỉ là một bằng chứng rõ ràng. Thế nhưng cho đến nay, tất cả những gì mà các nhà lãnh đạo châu Âu có thể đề xuất chỉ là tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo trong khu vực.
Tổ chức IS đặt cược rằng, những vấn đề của châu Âu – như sự hội nhập của người tị nạn Hồi giáo, việc thiếu bản sắc dân tộc rõ ràng, biên giới mở và tình trạng an ninh lỏng lẻo – sẽ ngày càng nghiêm trọng. Tổ chức này cũng tin rằng tình hình bất ổn, tồi tệ ở châu Âu sẽ dẫn tới chiến tranh, thổi bùng làn sóng cải đạo và làm tăng sự ủng hộ đối với những người Hồi giáo. Đây là ván cược chắc chắn IS sẽ thua, nhưng rõ ràng làn sóng bạo lực diễn ra đang khiến nhiều người trong chúng ta sợ hãi và lo ngại cho tương lai của châu Âu trong những năm tới.