Cực đoan không liên quan đến tôn giáo
Cách thức tuyển mộ các chiến binh Hồi giáo thánh chiến thường dựa trên việc đánh giá mức độ hiểu biết Đạo Hồi theo thang bậc từ 1 đến 3.
Theo các tài liệu mà trang mạng Zaman al-Wasl của phe đối lập ở Syria có được, 70% tân binh được ghi trong danh sách chỉ có kiến thức “cơ bản” về luật Shariah - một hệ thống các luật lệ hà khắc diễn giải từ các câu trích trong kinh Koran và “Hadith” (những câu nói và hành động của Nhà Tiên tri Mohammed - người sáng lập ra Đạo Hồi). Khoảng 24% được xếp loại có kiến thức “bậc trung”, và chỉ 5% được đánh giá là “cao”. Có 5 tân binh được ghi là... "có thuộc kinh Koran".
Các kết quả này lý giải một trong những điều mà Mỹ và châu Âu “đau đầu” về việc tuyển mộ tân binh của IS. Đó là những người có ít kiến thức về Đạo Hồi dễ bị tác động hơn bởi các tư tưởng cực đoan kích động bạo lực. Rất có thể, IS đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những kẻ cực đoan, dùng cái mác Đạo Hồi để diễn giải một cách phù hợp việc chém giết ngay khi các tân binh gia nhập hàng ngũ.
Có thể IS đã dùng mác Đạo Hồi để diễn giải một cách phù hợp việc chém giết với những kẻ thiếu hiểu biết. (Nguồn: Journal-neo) |
Trên thực tế, những kẻ ủng hộ IS khét tiếng nhất dường như lại có sự kết nối ít nhất với tôn giáo. Mohamed Lahouaiyej Bouhlel, kẻ đã giết 85 người bằng xe tải trong Ngày Quốc khánh Pháp ở Nice, được gia đình và hàng xóm mô tả là người thờ ơ với tôn giáo, thích chè chén say sưa, nhảy salsa và có người tình đồng tính.
“Tôn giáo là thứ xếp sau”
AP đã tiến hành phân tích các mẫu đơn gia nhập IS của khoảng 4.030 tân binh nước ngoài tới Syria trong thời gian nhóm này mở rộng và thâu tóm lãnh thổ ở Iraq và Syria từ 2013-2014.
Vào thời gian đó, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính nhóm cực đoan này có khoảng từ 20.000-31.500 tay súng ở Iraq và Syria. Trong các tài liệu này có đơn của 9 trong 10 thanh niên tới từ thành phố Strasbourg (Pháp). Tất cả đều do một kẻ có tên là Mourad Fares tuyển lựa.
"Tuyển trạch viên" của IS Mourad Fares. (Nguồn: tf1) |
Một trong số này, Karim Mohammad Aggad, cho biết đã đi uống rượu cùng Fares ở Đức. Thanh niên này nói với các điều tra viên rằng những kẻ tuyển lựa của IS đã “nói ngon nói ngọt” để thuyết phục mình.
Karim đã cùng em trai và bạn bè tới Syria vào cuối năm 2013. Hai người trong số này đã chết ở Syria. Vài tháng sau, 7 người quay trở lại Pháp và bị bắt. Em trai Karim là Foued (23 tuổi) đã trở về Paris và là 1 trong 3 tên đã xả súng trong vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan đêm 13/11/2015 làm 130 người thiệt mạng.
Trước khi bị kết án 9 năm tù, Karim nói trước tòa: “Tín ngưỡng tôn giáo chẳng liên quan gì tới việc tôi ra đi. Đạo Hồi được dùng làm cái bẫy để bẫy tôi”. Khi bị tòa hỏi dồn rằng hắn hiểu như thế nào về luật Shariah và cách thức IS thực hiện nó, Karim chỉ đứng yên và lặp đi lặp lại: “Tôi không biết gì để trả lời”.
Karim Mohammed Aggad thừa nhận đã bị IS bẫy bằng Đạo Hồi. (Nguồn: Newsapi) |
Patrick Skinner, một cựu sĩ quan CIA có nhiều kinh nghiệm về các tổ chức cực đoan ở Trung Đông cho biết, đa số những người gia nhập IS, kể cả những người từ các nước phương Tây gia nhập IS để có được cảm giác tai tiếng, cảm giác kích động. "Với họ, tôn giáo chỉ là thứ xếp sau”, ông Skinner nói.
Dễ dàng trở thành con mồi
Độ hiểu biết luật Shariah của những người được tuyển mộ rất quan trọng với IS bởi tổ chức khủng bố này không chỉ cần các tay súng và đánh bom liều chết mà còn cần những người điều hành, những người có vai trò quảng bá tư tưởng của IS.
Thế nhưng báo cáo của Trung tâm Chống Khủng bố của quân đội Mỹ - một viện thuộc Học viện Quân sự Mỹ, lại cho hay: “Nếu tử vì đạo được coi là tiếng gọi tôn giáo cao cả nhất, thì lẽ ra những người có hiểu biết về luật Hồi giáo (Shariah) sẽ mong muốn được thực hiện những hành động đó nhiều hơn”. Tuy nhiên, bất chấp những lý do tôn giáo mà IS dùng để biện hộ cho các vụ tấn công liều chết, “những kẻ có kiến thức tôn giáo cao trong tổ chức này lại là những kẻ ít tình nguyện trở thành kẻ tấn công liều chết”.
Những kẻ nhiều kiến thức về Hồi Giáo trong IS lại ít khi tình nguyện tấn công liều chết. (Nguồn: Independent) |
Một tân binh châu Âu 32 tuổi đề nghị giấu tên vì sợ bị trả thù cho biết anh ta nghĩ mình tham gia vào một nhóm chiến đấu chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chứ không phải là IS. Người này đã tới Syria năm 2014. Anh ta cho biết các tân binh được xem các video tuyên truyền của IS về Đạo Hồi và các lãnh tụ tôn giáo tới rao giảng về việc tử vì đạo. Xa nhà, không được dạy về tôn giáo, không có mối liên hệ gia đình và không có các thiết bị điện tử, đa số họ không thể đánh giá được đúng sai.
Tân binh đến từ châu Âu này cho biết: “Chỉ cần một buổi cầu nguyện và nghe các giáo sĩ rao rảng về việc một tôn giáo không có các thứ bậc, về một cuộc sống tốt đẹp là người ta có thể cải đạo. Vì thế, hầu hết những người cải đạo hầu như không có kiến thức về đạo Hồi".
“Những người như tôi bị lừa vào một thứ mà chúng tôi không hiểu. Tôi chẳng bao giờ có ý định kết thúc cuộc đời với IS”, anh ta nói.