📞

Israel-UAE bình thường hóa quan hệ: Câu chuyện về lợi ích

Minh Vương 06:14 | 16/08/2020
TGVN. Điều gì đã thôi thúc thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - Israel? Đó là câu chuyện về lợi ích. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Những nhân vật chính của Thỏa thuận Abraham (từ trái sang): Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 13/8, thông tin về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Abu Dhabi và Tel Aviv, do Mỹ bảo trợ đã khiến cộng đồng quốc tế chấn động không kém gì tuyên bố chế tạo thành công và sớm đưa vào sản xuất vaccine Covid-19 của Moscow trước đó ít lâu. Nếu Nga là quốc gia đầu tiên sở hữu thứ có thể ngăn chặn đại dịch toàn cầu, UAE lại trở thành quốc gia Arab thứ ba, sau Ai Cập và Jordan, thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Thỏa thuận UAE-Israel rõ ràng có nhiều điều đáng chú ý hơn cái tên Abraham - vị thánh của đạo Do Thái, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, tổ phụ của người Do Thái và người Arab. Theo đó, UAE và Israel đã đồng ý bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Quan trọng hơn, Israel đã nhất trí đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà nước này đang thảo luận về việc sáp nhập.

Người khen, kẻ ghét

Trong hai ngày qua, cộng đồng quốc tế đã có nhiều phản ứng về động thái này.

Palestine lập tức từ chối và chỉ trích thỏa thuận ba bên nêu trên. Cố vấn Cấp cao của Tổng thống Mahmoud Abbas và người phát ngôn của Hamas cho rằng đây là hành động này đi ngược lại với “sự nghiệp của người Palestine.” Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích “sai lầm nghiêm trọng” này. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định “lịch sử… sẽ không quên và tha thứ cho hành vi giả tạo của UAE”.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia, trong đó có một số nước Arab (như Jordan, Egypt, Bahrain, Oman), Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, cùng Liên hợp quốc hoan nghênh động thái nêu trên, cho rằng đây là một động thái tích cực trong xây dựng hòa bình tại Trung Đông.

Một thỏa thuận được xây dựng khi các bên tìm thấy lợi ích và mong muốn đạt được lợi ích đó thông qua sự chấp thuận lẫn nhau. Thỏa thuận Abraham không phải ngoại lệ, khi lợi ích mà Israel, UAE và Mỹ có thể gặt hái từ cái bắt tay này là rõ ràng.

Vì lợi mà đến

Theo Foreign Policy, việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE là thành quả từ hơn 20 năm quan hệ bí mật giữa hai quốc gia Trung Đông sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ. Sau khi Dubai bị nhóm khủng bố Saudi Arabia tận dụng làm nơi trung chuyển tiền cho các chiến dịch, UAE đã nhanh chóng hợp tác với Israel nhằm xây dựng hệ thống phần mềm bảo mật mạng, giúp Abu Dhabi “cứu vớt” tái khẳng định danh tiếng trung tâm tài chính hàng đầu khu vực.

Trong hai thập kỷ qua, quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia đã mở rộng từ an ninh mạng, an ninh sân bay tới vận tải, khử muối nguồn nước, kỹ thuật nông nghiệp, bất động sản và du lịch. Mới đây, UAE bày tỏ mong muốn tiếp cận phương pháp điều trị Covid-19, cũng như vaccine của Israel một khi nghiên cứu thành công. Đầu tháng Bảy, theo UAE và Israel, Nhóm 42, tổ chức có trụ sở tại Abu Dhabi sẽ hợp tác nghiên cứu về Covid-19 với một số công ty Israel có liên hệ chặt chẽ với Rafael Advanced Defense Systems, tập đoàn vũ khí chế tạo ra hệ thống phòng thủ Vòm Sắt.

Mối đe dọa thường thấy từ Iran, vấn đề Palestine, mong muốn mở rộng ảnh hưởng khu vực của hoàng gia UAE và áp lực từ Mỹ đều có vai trò nhất định trong thỏa thuận Abraham, song những gì trên đây mới là động lực chính, đưa Israel và UAE lại gần với nhau.

Về UAE, theo ông Ghanem Nuseibeh, người sáng lập tổ chức Cornerstone Global Associates có trụ sở tại London (Anh), chuyên gia tư vấn cho nhiều tập đoàn lớn tại Trung Đông, thỏa thuận Abraham sẽ “củng cố đáng kể vị thế của UAE như người chơi lớn, thậm chí là dẫn dắt trong khu vực”.

Đèn LED tại Tòa Thị chính thành phố Tel Aviv đã đổi màu thành quốc kỳ của UAE để chào mừng Thỏa thuận Abraham. (Nguồn: Getty Images)

Trong khi đó, cả Mỹ và Israel đều cho rằng đây là thỏa thuận “lịch sử”, khi lãnh đạo cả hai bên đang chiến đấu vì sự nghiệp chính trị của mình. Với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đây là cách ông hướng sự chú ý khỏi lùm xùm xung quanh cáo buộc của tòa án. Quan trọng hơn, ông mong muốn nâng tầm di sản, sánh vai với cố Thủ tướng Menachem Begin với thỏa thuận cùng Ai Cập năm 1979, hay cố Thủ tướng Yitzhak Rabin, người đặt nền móng quan hệ với Jordan năm 1994.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đó là câu chuyện bầu cử. Ông đang cố gắng hiện thực hóa tầm nhìn về khu vực Trung Đông mà ông từng công bố vài tháng trước – thỏa thuận Abraham giữa Israel và UAE nằm trong số đó. Rõ ràng, đây là một chiến thắng cần thiết đối với cá nhân ông, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang vấp phải nhiều khó khăn tại quê nhà từ đại dịch Covid-19 và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, trong khi ngày bầu cử đang cận kề.

Tuy nhiên, còn đó nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Thỏa thuận sẽ ra sao trước áp lực lớn từ một số quốc gia Arab? Liệu đây có thực sự là “bước tiến tích cực” đối với câu chuyện Palestine và hòa bình Trung Đông như kỳ vọng của bộ phận cộng đồng quốc tế? Cuộc bầu cử Mỹ sẽ tác động như thế nào tới quá trình triển khai thỏa thuận này? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.