📞

Italy sẽ quyết định tương lai châu Âu?

16:46 | 10/04/2018
Bài viết của tác giả Jeffrey D. Sachs đăng trên mạng tin Project Syndicate ngày 9/4 cho rằng, hơn bao giờ hết, Liên minh châu Âu (EU) đang cần có sự đoàn kết để khẳng định các giá trị và lợi ích của mình tại thời điểm mà vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang bị đe dọa, vị thế của Trung Quốc đang lên, còn Nga lại một lần nữa do dự giữa hợp tác hay đối đầu với EU.

Nếu bị chia rẽ, EU chỉ là một “khán giả” vô vọng trước sự thay đổi về địa chính trị. Mỹ cũng như EU có thể đóng một vai trò toàn cầu quan trọng, bởi vì vai trò này có thể mang lại sự thịnh vượng, nền dân chủ, chủ nghĩa môi trường, sự đổi mới và công bằng xã hội. Vậy liệu EU có giành lại được sự thống nhất về mục đích hay sẽ rơi vào vòng xoáy hỗn loạn? Điều này phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ở Italy.

Đứng giữa thịnh vượng và khủng hoảng

Vai trò then chốt của Italy bắt nguồn từ vị trí của nước này, đó là nằm ở ranh giới địa lý giữa một bên là sự thịnh vượng của Bắc Âu và một bên là tình trạng khủng hoảng ở Nam Âu. Đồng thời, quốc gia hình chiếc ủng cũng nằm ở ranh giới về trí tuệ và cảm xúc giữa một bên là một châu Âu cởi mở và một bên là một châu Âu đang một lần nữa bị mắc kẹt với chủ nghĩa dân tộc, sự thành kiến và nỗi sợ hãi.

Ông Luigi Di Maio – lãnh đạo Đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) tổ chức lễ kỷ niệm với những người ủng hộ sau cuộc bầu cử Italy. (Nguồn: Getty Images)

Ngoài ra, Italy cũng đang đứng giữa một lằn ranh về chính trị, với đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) - đang cùng chia sẻ diễn đàn chính trị với đảng cánh hữu Liên đoàn có quan điểm chống nhập cư, chống EU và đảng Dân chủ (PD) trung tả vốn ủng hộ châu Âu nhưng hiện đã bị suy yếu rất nhiều.

M5S là đảng đơn lẻ giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức ngày 4/3 vừa qua ở Italy với 33% số phiếu bầu, trong khi đảng Dân chủ giành được 19% và đảng Liên đoàn 17%. Thắng lợi giòn giã của M5S là một đề tài đang được tranh luận sôi nổi ở Italy và châu Âu.

Trên khắp EU, các đảng trung tả và trung hữu truyền thống vốn ủng hộ EU đang mất dần sự ủng hộ. Ở Italy, các đảng dân tộc chủ nghĩa chống EU như đảng Liên đoàn đang giành được nhiều phiếu bầu, và các phong trào như M5S - hay như Podemos ở Tây Ban Nha và Syriza ở Hy Lạp - hoặc là đang giành được quyền lực hoàn toàn, hoặc đang giữ thế cân bằng quyền lực giữa các đảng truyền thống chủ đạo ủng hộ châu Âu và các đảng dân tộc chủ nghĩa chống EU.

Chính trị châu Âu cần thay đổi?

Có 3 lý do. Thứ nhất, và có lẽ ít được công nhận nhất, là một giai đoạn chính sách đối ngoại đầy thảm họa của Mỹ ở Trung Đông và châu Phi. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và các đồng minh địa phương đặt mục tiêu thiết lập quyền bá chủ chính trị và quân sự ở Trung Đông và Bắc Phi thông qua các cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo nhằm thay đổi chế độ ở Afghanistan, Iraq, Syria, Libya và nhiều nơi khác. Kết quả là bạo lực và sự bất ổn kinh niên đã dẫn đến những dòng người tỵ nạn ồ ạt tràn vào châu Âu, khiến nền chính trị ở hết thành viên này đến thành viên khác của EU trở nên rối ren.

Rome – thủ đô của Italy sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khu vực đồng Euro nếu suy thoái toàn cầu diễn ra. (Nguồn: GASPARD-MALO)

Thứ hai, hiện nay, châu Âu đang trong tình trạng thiếu đầu tư, đặc biệt là ở khu vực công. Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, một nước Đức thành công về mặt kinh tế và tự mãn đã kìm hãm sự phát triển nhờ vào các dòng vốn đầu tư ở châu Âu, biến Khu vực đồng Euro (Eurozone) thành nhà tù của các chủ nợ dành cho Hy Lạp, đồng thời khiến phần lớn khu vực Nam Âu và Đông Âu trở nên trì trệ. Với chính sách kinh tế chỉ hạn chế trong phạm vi thắt lưng buộc bụng, nên không khó để chứng kiến tại sao chủ nghĩa dân túy lại bén rễ tại EU.

Thứ ba là vấn đề cơ cấu. Khu vực Bắc Âu thì đổi mới, trong khi phần phía Nam và Đông Âu nhìn chung lại không như vậy. Italy nằm ở cả hai phần của châu Âu: Nước này có một miền Bắc đầy năng động và một miền Nam với tình trạng trì trệ kinh niên. Đây là một câu chuyện cũ, nhưng cũng là một câu chuyện đang diễn ra. Đảng M5S đã giành thắng lợi vang dội, đặc biệt là ở khu vực miền Nam của Italy vốn bị trì trệ.

Các đảng dân chủ xã hội truyền thống chủ yếu thường né tránh các đảng nổi dậy mới, xem những đảng này là dân túy, vô trách nhiệm, cơ hội và không trung thực. Đó chính là quan điểm của đảng PD ở Italy khi các chính trị gia chủ chốt của đảng này từ chối liên minh với M5S. Các đảng dân chủ xã hội truyền thống sẽ phải lấy lại tính năng động của họ và dám chấp nhận rủi ro để có thể giành lại chiến thắng trong các cuộc bầu cử với tư cách là các đảng tiến bộ thực sự.

Italy và “giấc mơ cuối cùng”

Do sự phân chia về mặt chính trị và địa lý của châu Âu, nền chính trị của Italy có thể tạo ra sự cân bằng. Một Italy ủng hộ EU được điều hành bởi một liên minh M5S-PD có thể gia nhập cùng với Pháp và Đức để cải cách EU; giành lại tiếng nói rõ ràng về chính sách đối ngoại cho EU trước Mỹ, Nga và Trung Quốc; cũng như thực hiện một chiến lược về tăng trưởng xanh dựa trên sự đổi mới.

Chủ tịch đảng M5S Luigi Di Maio kêu gọi đảng PD gạt sang một bên những bất đồng trong quá khứ để cùng liên minh thành lập Chính phủ.

Để tạo lập một liên minh như vậy, M5S sẽ phải thông qua một chương trình kinh tế có trách nhiệm và được xác định rõ ràng, còn phe Dân chủ sẽ phải chấp nhận là đối tác thứ yếu của một lực lượng nổi dậy chưa được kiểm nghiệm thực tế trong công tác điều hành đất nước. Có lẽ chìa khóa để tạo dựng lòng tin lẫn nhau là đảng Dân chủ nắm giữ Bộ Tài chính, một bộ rất quan trọng, trong khi M5S bổ nhiệm Thủ tướng.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump, Stephen Bannon, mới đây đã vội vã tới Italy để khuyến khích M5S và đảng Liên đoàn thành lập một liên minh mà ông gọi là "giấc mơ cuối cùng". Lý do là bởi liên minh này sẽ phá vỡ EU. Điều đó sẽ nhắc nhở người dân Italy về tầm quan trọng của một liên minh ủng hộ EU, một liên minh có thể xua tan những cơn ác mộng như thế.

Cuộc tổng tuyển cử ở Italy vừa qua đã dẫn đến một quốc hội treo và các chính đảng hiện vẫn đang trong tiến trình đàm phán với nhau nhằm thành lập một chính phủ liên minh. Nếu tiến trình này bị thất bại, Tổng thống Italy Sergio Mattarella có thể lựa chọn một giải pháp ngắn hạn là thành lập một chính phủ tạm thời, có thể là một chính phủ dưới dạng kỹ trị, với sự ủng hộ của tất cả các đảng và, tiếp đó, Italy sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019.

Tác giả Jeffrey D. Sachs là giáo sư về lĩnh vực phát triển bền vững, về chính sách sức khỏe và quản lý. Ông hiện giữ chức Giám đốc Viện Nghiên cứu Trái đất tại Đại học Columbia (Mỹ) và là chuyên gia tư vấn đặc biệt cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs).

Các tác phẩm của ông gồm The End of Poverty (Đoạn cuối của sự nghèo đói), Common Wealth (Thịnh vượng chung), và gần đây nhất là The Age of Sustainable Development (Kỷ nguyên của sự phát triển bền vững)...

(theo Project Syndicate/TTXVN)