Thủ tướng Đức Angela Merkel tố Mỹ nghe lén điện thoại của mình. |
Vụ bê bối do thám này đã gây cho Nhà Trắng không ít bất lợi, đặc biệt trong mối quan hệ với các đồng minh châu Âu và giáng một đòn mạnh vào "thành tích" nhân quyền của chính quốc gia này. Đối với EU, lãnh đạo các quốc gia thành viên đều khẳng định các hoạt động do thám vượt quá khuôn khổ cho phép của Nhà Trắng đã ảnh hưởng sâu sắc tới lòng tin đối với Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố "Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt với thách thức" và vụ việc này được ví như một cú "knock-out" vào uy tín của Mỹ trên trường quốc tế. Mặt khác, trong tiến trình thỏa thuận nhằm tiến tới một Hiệp định thương mại tự do (FTA), "lòng tin" và "uy tín" suy giảm sẽ không chỉ đe dọa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà còn được coi là "con bài mặc cả" hữu dụng giúp châu Âu có ưu thế hơn trong đàm phán với đối tác "đầy quyền lực" của mình. Dù có những lời điều trần và giải thích hợp lý rằng "Mỹ không nghe lén cũng như sẽ không nghe lén các cuộc đàm thoại của Thủ tướng Đức" hay các hoạt động do thám nhằm mục đích "chống khủng bố" thì Mỹ rõ ràng không thể thoát khỏi những bất lợi trước mắt.
Nhìn lại quá khứ, rõ ràng đây không phải là lần đầu tiên việc do thám của Mỹ bị phanh phui, do đó câu hỏi đặt ra là liệu đây có thực sự là một cú sốc đối với các nước châu Âu hay không và hệ quả của nó đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương như thế nào.
Năm 1970, một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ đã phát hiện ra hàng loạt lạm dụng của chính quyền, như sử dụng NSA để theo dõi người Mỹ tham gia phản chiến và các cuộc biểu tình. Năm 2001, một loạt các tờ báo đưa tin chính phủ Mỹ đã thực hiện một dự án tuyệt mật xây dựng đường hầm bên dưới Đại sứ quán Liên Xô với các thiết bị do thám điện tử trong suốt quá trình diễn ra chiến tranh Lạnh. Việc xuất hiện đường hầm do thám này cũng không còn xa lạ khi từ những năm 1950 đường hầm do thám tại Đông Berlin do Mỹ xây dựng bị tiết lộ. Đó chỉ là một vài sự việc điển hình khiến Mỹ nhận lại những sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận.
Tuy nhiên vụ việc này vượt xa các bê bối truớc đó cả về nội dung, quy mô và tính chất. Các lời hứa của Mỹ hiện chưa giúp các đồng minh cảm thấy an lòng, mà chỉ càng làm dư luận Đức nói riêng, châu Âu nói chung thêm giận dữ vì cho rằng việc làm cũng như lời xin lỗi sau đó của Mỹ là quá muộn. Có lẽ các đồng minh châu Âu cần nhất ở Mỹ lúc này, nhưng chưa được đáp ứng, là các bước đi và hành động cụ thể để các sự việc trên không bao giờ lặp lại.
Vũ Vân Anh