TIN LIÊN QUAN | |
"Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới" | |
Ngoại trưởng Lavrov đánh giá cao hợp tác giữa Nga và Việt Nam |
Tuần vừa qua, từng đường đi nước bước của Tổng thống Mỹ Donald Trump đều được báo chí quốc tế theo dõi sát sao – từ tuyên bố bất ngờ ở Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội tới những lời chỉ trích vụ điều tra cựu luật sư Michael Cohen. Tuy nhiên, người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng không “kém cạnh” khi liên tục có nhiều động thái ngoại giao nhằm củng cố và gia tăng ảnh hưởng tại những địa bàn trọng yếu đối với Nga.
Bước đi táo bạo
Trong quan hệ với Mỹ, ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), sau khi ông Donald Trump có quyết định tương tự hồi tháng Hai. Việc Mỹ đình chỉ INF đã ít nhiều tạo điều kiện cho Nga tự do phát triển và triển khai vũ khí chiến lược, củng cố ưu thế quân sự tại những mặt trận mà Nga có thể tham chiến. Moscow cũng khẳng định sẽ không nao núng trước lệnh trừng phạt mới của Mỹ và sẽ có biện pháp trả đũa cần thiết.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đang đóng vai trò then chốt trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nga thông qua các chuyến công du quốc tế. (Nguồn: EPA) |
Về Venezuela, ngày 4/3, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Mỹ để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào quốc gia Nam Mỹ và sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn điều này. Song trả lời sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo ngày 2/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho biết sẵn sàng đàm phán với Mỹ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho căng thẳng chính trị leo thang tại Venezuela.
Tại Đông Bắc Á, Nga đang thể hiện một vai trò tích cực hơn trong việc đóng góp vào tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Ngày 28/2, phát biểu về kết quả Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đánh giá cao việc Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tiếp tục duy trì đối thoại, đồng thời tái khẳng định quan điểm về một tiến trình dài hơi, với sự tham dự của cả Nga và Trung Quốc, nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Sau đó một tuần, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson ở Washington DC (Mỹ), Đại sứ Nga Anatoly Antonov khẳng định: “Nga sẽ không công nhận Triều Tiên như một cường quốc hạt nhân”, song cũng cho biết Moscow vẫn rộng vòng tay với Bình Nhưỡng. Hiện hai bên đang xúc tiến chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thời gian tới. Một số nghị sỹ Nga phụ trách vấn đề Triều Tiên dự kiến sẽ tới Bình Nhưỡng vào ngày 12/4.
Tại Trung Đông, Nga tiếp tục củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình đối với đồng minh của Mỹ, đồng thời tìm kiếm giải pháp cho các xung đột đang diễn ra tại khu vực này. Từ ngày 3 - 7/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có chuyến công du tới Qatar, Saudi Arabia, Kuwait và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), thảo luận nhiều vấn đề như quan hệ Israel – Palestine, chiến sự tại Syria, Yemen hay hòa đàm Libya. Đáng chú ý, hồi cuối tháng Hai vừa qua, Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner cũng đã dẫn đầu một phái đoàn Mỹ công du các quốc gia Arab vùng Vịnh nhằm thúc đẩy kế hoạch hòa bình Trung Đông.
Súng và hoa
Điều gì đã thôi thúc Nga triển khai nhiều động thái ngoại giao trong thời gian ngắn như vậy?
Đầu tiên, có thể nhận thấy Nga tiếp tục đối đầu với Mỹ trong hầu hết các khu vực nêu trên, cả trong quan hệ song phương lẫn các vấn đề nóng trên thế giới, từ Syria tới Venezuela. Thời gian gần đây, chính trường Mỹ tiếp tục bị xáo trộn bởi các vụ bê bối, đặc biệt là cáo buộc nhằm vào cựu luật sư Michael Cohen của Tổng thống Donald Trump trước thềm bầu cử năm 2020, khiến ông chủ Nhà Trắng không thể “rảnh tay”. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc triển khai chính sách đối ngoại của Washington và Moscow đang tận dụng tốt cơ hội này để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.
Thứ hai, Nga tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nước đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt là những quốc gia nằm trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ mở rộng (OPEC+) nhằm xây dựng ảnh hưởng chính trị, đồng thời củng cố lợi ích về kinh tế của Nga. Trong năm 2018, nền kinh tế Nga đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng (2,3%), song các chuyên gia dự báo con số này trong năm 2019 sẽ chỉ còn 1,3% khi tăng trưởng chững lại. Một phần lớn thu nhập của xứ Bạch Dương đến từ xuất khẩu vũ khí và dầu mỏ/khí đốt. Do đó, nâng cao vai trò của Nga trong OPEC+ nhằm đẩy giá dầu lên cao, mở rộng hợp tác với những quốc gia Trung Đông thường xuyên mua sắm vũ khí là nước cờ vô cùng cao tay của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Thứ ba, Moscow đang muốn xây dựng hình ảnh một quốc gia gìn giữ và kiến tạo hòa bình thông qua đối thoại. Việc Nga bày tỏ quan điểm về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela hay thúc đẩy tiến trình hòa bình Syria và Libya đang cho thấy điều đó. Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục “xa rời” các đồng minh truyền thống, Nga đang muốn thể hiện rằng Moscow sẵn sàng đảm nhận vai trò Washington để lại, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết khủng hoảng chính trị thông qua đối thoại. Suy cho cùng, vũ khí tốt có thể mang lại chiến thắng tạm thời, song chỉ ngoại giao giỏi mới có thể đem lại hòa bình dài lâu.
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sắp nhằm vào Nga là vô nghĩa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 18/2 cho biết, lệnh trừng phạt mới tiếp theo của Mỹ nhằm vào Nga sẽ vô nghĩa như những ... |
Ngoại trưởng Nga có khả năng sắp thăm Nhật Bản để bàn về một hiệp định hòa bình Báo Sankei ngày 28/1 dẫn các nguồn tin chính phủ cho hay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có khả năng thực hiện chuyến công du ... |
Mỹ muốn khôi phục và bình thường hóa tiến trình đối thoại với Nga Ngày 2/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow sẵn sàng bình thường hóa tiến trình đối thoại với Mỹ ngay khi Washington sẵn sàng ... |