📞

Khi nguồn nước trở thành nguyên nhân xung đột

22:15 | 22/03/2016
Nhân ngày thế giới về Nước (22/3), hãy cùng nhìn lại vấn đề đã trở thành một vấn nạn nghiệt ngã tại nhiều quốc gia.
Ảnh minh họa. (Nguồn: waterpolitic.com)

Khi trữ lượng nước sạch đang dần trở thành một yếu tố chiến lược quyết định trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, thì hậu quả của việc buông lỏng quản lý nguồn nước sẽ là khôn lường. Báo cáo Phát triển Nước thế giới của Liên hợp quốc (LHQ) năm 2015, một lần nữa, nhấn mạnh xung đột có thể xảy ra khi nguồn cung nước sạch ngày càng không đủ cầu. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng xếp hạng vấn đề khủng hoảng nước sạch là mối đe dọa toàn cầu đáng lo ngại nhất, thậm chí nguy hiểm hơn nguy cơ khủng bố, khủng hoảng tài chính và có tính phổ biến cao hơn việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bài học về hợp tác

Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm Dự báo Chiến lược (Strategic Foresight Group) cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý nguồn nước, bởi các quốc gia cùng tham gia quản lý chung nguồn tài nguyên nước thường khó đi đến chiến tranh.

Trung Đông là một minh chứng bi thương về việc thiếu hợp tác khu vực trong quản lý nguồn nước. Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều thất bại trong cuộc chiến làm chủ hai con sông Tigris và Euphrates. Trong khi đó, các nhân tố phi nhà nước như phe nổi dậy chống chính phủ hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại kiểm soát được những phần quan trọng tại lưu vực hai con sông. Kết quả là tình trạng thiếu nước sau đó đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tị nạn trong khu vực. 

Điều đáng nói là bị kịch này đáng lẽ đã có thể tránh khỏi nếu tại Diễn đàn Tây Á- Bắc Phi 2010 tại Amman (Jordan), sáng kiến “Hợp tác vòng tròn” giữa Iraq, Jordan, Lebanon, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề môi trường và nguồn nước được chấp nhận. Tương tự với một thỏa thuận khác giữa Jordan, Israel và Palestine. Khi đó, sẽ có một tổ chức siêu quốc gia có thể đưa ra được các chiến lược phối hợp quản lý hạn hán, xác định cơ cấu cây trồng, phát triển các quy chế thủy lợi chung và kế hoạch hành động nhằm đầu tư tạo kế sinh nhai và phát triển các công nghệ xử lý nước.

Trong khi đó, các nước có chung dòng sông ở châu Phi, Đông Nam Á, và Châu Mỹ La tinh đều đã nhận ra rằng lợi ích quốc gia và ổn định khu vực có thể được củng cố lẫn nhau nếu biết ưu tiên lợi ích chung nhân loại.

"Tôi tin rằng nước sẽ gây ra các cuộc khủng hoảng thế kỷ. Biến đổi khí hậu sẽ được cảm nhận từ hạn hán, bão, lũ. Chất lượng nguồn nước ngày càng giảm và chúng ta sẽ thấy các cuộc xung đột về nước, người tị nạn vì nước. Chúng ta sống trên một hành tinh phần lớn là nước và trì khi chúng ta bảo vệ, quản lý và khôi phục tài nguyên đó, tương lai sẽ đổi khác rất nhiều so với những gì chúng ta có thể mường tượng ngày hôm nay", Alexandra Cousteau

Kế hoạch Marshall toàn cầu

Mùa thu năm 2015, cộng đồng quốc tế đã thông qua mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của LHQ, trong đó hứa hẹn các nước sẽ "đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước và vệ sinh một cách bền vững cho tất cả mọi người." Một phần của cam kết này là một cam kết "mở rộng hợp tác quốc tế". Theo đó, các quốc gia tham gia cam kết sẽ cùng lên kế hoạch cho các dự án về cơ sở hạ tầng, quản lý lũ lụt, hạn hán. Cùng với đó, phát triển một chiến lược tổng thể để chống lại biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng nguồn nước, và thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh nhằm thỏa hiệp về nước và các yếu tố khác.

Đối với các nước đang phát triển, việc hợp tác xuyên biên giới có lợi ích đáng kể. Việc thống nhất về xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai một cách nhanh chóng các kế hoạch cũng như thúc đẩy sự chia sẻ hợp lý lợi ích chung. 

Cộng đồng quốc tế nên khuyến nghị các nước tạo ra các định chế tài chính nhằm tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi và ưu đãi có sẵn. Một "kế hoạch Marshall" toàn cầu cho các vùng lưu vực sông ban đầu có thể là một đề xuất đắt giá nhưng tổn thất từ việc không chuẩn bị kỹ càng có thể gây ra những hậu quả lớn gấp nhiều lần, giống như đã xảy xảy ra với cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu.

Tương tự, cộng đồng quốc tế cần hành động kịp thời để bảo vệ các cơ sở hạ tầng nguồn nước quan trọng, những con sông như Tigris và Euphrates - cái nôi của nền văn minh nhân loại, khỏi các hành động bạo lực và khủng bố. Có thể kêu gọi Liên hợp quốc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đặc biệt tại các khu vực này.

Cuối cùng, cần thiết lập luật pháp quốc tế, để ngăn chặn chứ không chỉ giải quyết các xung đột. Đặc biệt, thế giới cần một hiệp ước toàn cầu giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Mặc dù hiện nay hầu hết các bất đồng được ghi nhận xoay quanh vấn đề thiếu hụt nguồn nước, nhưng trong tương lai, chất lượng nước, mức độ ô nhiễm tăng cao gây ra bởi hoạt động thủy lợi, công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ là nguyên nhân chính của các cuộc xung đột.

Ngày Nước thế giới là dịp lý tưởng để khởi động lộ trình mới về việc quản lý và sử dụng nguồn nước. Nhưng hơn hết, chúng ta cần phải chung tay hành động ngay lúc này để gìn giữ một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của hành tinh.

(theo Project Syndicate)