📞

Khi niềm tin của Thủ tướng Merkel bị lung lay

20:00 | 19/09/2016
Thủ tướng Đức Angela Merkel có vẻ đang bớt lạc quan về chính sách nhập cư và từng bước điều chỉnh đường lối chính trị.

Trước sự gia tăng sức ép chính trị ngay từ bên trong nội bộ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel không còn liên tục nói: "Chúng ta có thể làm được điều đó" (Wir schaffen das).

Âm thầm điều chỉnh

Câu nói trên được Thủ tướng Đức đưa ra tại một cuộc họp báo vào mùa Hè 2015 và liên tục nhắc đi nhắc lại nhiều lần vào thời điểm mà cuộc khủng hoảng người tị nạn bắt đầu lan rộng. Câu nói đó đã trở thành biểu tượng cho ý chí và quyết tâm của người phụ nữ quyền lực trong chính sách tiếp nhận người tị nạn, thể hiện quan điểm đối lập với một bộ phận dư luận tại Đức.

Thủ tướng Hungari Viktor Orban, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Áo Christian Kern thảo luận bên lề Hội nghị thượng đỉnh không chính thức các nhà lãnh đạo EU tại Slovakia ngày 16/9. (Nguồn: Mail Online)

Tuy nhiên, hiện nay dù không công khai thừa nhận song bà Merkel vẫn phải điều chỉnh chính sách này. Trong buổi trả lời phỏng vấn tạp chí Wirtschaftswocheparu mới đây, bà Merkel lấy làm tiếc rằng, đôi khi ý nghĩa của câu nói này đã bị phóng đại để trở thành một khẩu hiệu và thậm chí còn khiến nhiều người cảm thấy bị khiêu khích.

Đối với những người phản đối chính sách tị nạn, "Wir schaffen das" giống như một lời mời, một sự chào đón người di cư trên toàn thế giới đến với nước Đức.

Năm 2015, hơn một triệu người đã xin tị nạn tại Đức, khiến đất nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng bản sắc, làm gia tăng rạn nứt trong lực lượng ủng hộ bà Merkel. Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Horst Seehofer, đảng bảo thủ liên minh với CDU ở cấp liên bang, đã tỏ ý không đồng tình với quan điểm của bà Merkel về vấn đề người tị nạn. Ông Seehofer, Thủ hiến bang Bayern, thậm chí còn yêu cầu Chính phủ Đức chặn đứng dòng người di cư đang tìm cách xin tị nạn tại Đức.

Vào đêm trước của cuộc bầu cử địa phương tại thủ đô Berlin (ngày 18/9), khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ số tín nhiệm đối với bà Merkel đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay, Thủ tướng Merkel đã chấp nhận nhượng bộ để xoa dịu các luồng ý kiến phản đối bên trong nội bộ đảng CDU.

Mối đe dọa hiện hữu

Các cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra trong vòng một năm nữa, trong khi đó, Thủ tướng Merkel đang phải vật lộn để ngăn cản việc nhiều thành viên thuộc đảng bảo thủ CDU gia nhập đảng cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD).

Cách đây bốn năm, đảng dân túy AfD theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, lấy quan điểm chống châu Âu làm phương châm hành động, gần như không được ai biết đến. Nhưng hiện nay, họ đang trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba tại Đức nhờ chiến dịch chống lại người nhập cư và chống lại chính sách mở cửa của Thủ tướng Merkel.

Ánh mắt của một người tị nạn. (Nguồn: Reuters)

Theo các cuộc thăm dò, hơn 10% người được hỏ cho biết sẽ bỏ phiếu cho AfD tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 9/2017. Tỷ lệ này có thể lên đến 15%, và trở thành mối đe dọa không nhỏ đối với sự cân bằng chính trị của liên minh CDU/CSU.

Trong một thời gian rất dài, Thủ tướng Merkel không có đối thủ, không ai có thể công kích bà dưới góc độ chính trị. Tuy nhiên, hiện nay, bà Merkel đang để lộ các điểm yếu của mình. Tất nhiên, đối thủ của bà, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng đang gặp khó khăn, nhưng đảng này vẫn hy vọng sẽ được hưởng lợi từ sự suy yếu này.

Cách đây vài tuần, Thủ tướng Merkel vẫn còn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình khi nhấn mạnh cụm từ "Wir schaffen das" với một "niềm tin sâu sắc". Hồi tháng 7 vừa qua, sau khi xảy ra các vụ tấn công do các đối tượng Hồi giáo cực đoan thực hiện tại hai thành phố Wurzburg và Ansbach, bà Merkel đã khẳng định lại niềm tin của mình, đồng thời nhấn mạnh "việc tiếp nhận người tị nạn không phải là một công việc dễ dàng, nhưng trong vòng một năm qua, nước Đức đã làm được rất nhiều và đã đạt được nhiều thành công".

Tới thời điểm hiện tại, có thể nói, bà Merkel đã phải điều chỉnh đường lối chính trị của mình. Từ nhiều tháng nay, nước Đức đã thắt chặt chính sách tị nạn. Trong đàm phán thỏa thuận giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức cũng nhắc tới việc khôi phục sự kiểm soát đối với tuyến đường di cư vào châu Âu.

Sự thay đổi trong chính sách và các phát biểu gần đây của Thủ tướng Merkel dường như đang phản ánh hy vọng rằng giờ vẫn chưa phải quá muộn để bà lấy lại niềm tin của cử tri trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

 

(theo Le Figaro)