📞

Không gian hậu Xô viết: Chuyển giai đoạn

09:15 | 23/08/2008
Cuộc chiến giữa Gruzia và Nga là sự mở đầu giai đoạn phát triển mới về chất trên lãnh thổ Liên Xô cũ và sẽ tác động lên chính sách của các nước. Việc Mátxcơva sẵn sàng và có khả năng sử dụng vũ lực ngoài vùng lãnh thổ của mình là một tình huống mới và tất cả đối tác của Nga buộc phải tìm kiếm giải pháp cho tình huống đó.

NATO hay Mátxcơva

 

Các nước láng giềng của Nga đứng trước vấn đề làm thế nào bảo đảm được an ninh của mình. Chỉ có hai phương án: Tìm kiếm sự bảo trợ của các cường quốc nằm ngoài khu vực hay ký kết hiệp định với Nga để có thể nhận được sự bảo đảm an ninh đó từ Nga.

 

Trong phương án đầu, NATO sẽ là đồng minh phù hợp nhất. Tuy nhiên, tình hình mấy tháng qua cho thấy thậm chí áp lực tối đa của Washington cũng không làm giảm sự lo ngại của các đồng minh châu Âu. Các nước lớn ở châu Âu bằng mọi giá tìm cách tránh để bị lôi kéo vào bất cứ cuộc xung đột nào vì họ sợ sự xích lại gần với Gruzia hay Ukraine sẽ là trái với ý muốn của Mátxcơva. Sau cuộc chiến ở Nam Ossetia, tâm trạng đó sẽ chỉ tăng lên. Vì thế, Mỹ là nước duy nhất có khả năng bảo đảm an ninh (cho các nước láng giềng của Nga).

 

Về lý thuyết, các liên minh khu vực với sự tham gia của Mỹ, các nước châu Âu nào đó và các nước hữu quan trong số các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, có thể là sự thay thế cho NATO. Tuy nhiên, Mỹ hiện đã bị oằn lưng vì những nghĩa vụ quân sự, nhưng việc phải chứng minh mình là đồng minh của "các nền dân chủ non trẻ" cũng như vai trò cường quốc có thể buộc Mỹ hành động. Nghĩa là kịch bản đối đầu giữa Mỹ và Nga là hoàn toàn có thể xảy ra. Các nước Trung và Đông Âu, có thể cả Ukraine, bắt đầu yêu cầu điều đó.  

 

Ngoài Ukraine rõ ràng ủng hộ Gruzia, các nước SNG khác tỏ ra im hơi lặng tiếng trong những ngày qua. Việc họ không muốn bày tỏ quan điểm là dễ hiểu. Một mặt, tất cả các nước láng giềng đều ướm thử hành động của Nga vào mình. Mặt khác, tuyên bố chống lại Mátxcơva có thể làm tổn hại quan hệ, điều giờ đây được nhận thức theo kiểu đặc biệt.

 

Việc nhận thức tình hình mới ở khoảng không hậu Xô viết đòi hỏi thời gian nhất định. Nhiều điều phụ thuộc vào Nga. Rõ ràng là Mátxcơva sẽ được tôn trọng hơn nhiều, điều không thể không ảnh hưởng đến việc các nước SNG soạn thảo chính sách an ninh, đến việc ra các quyết định chiến lược trong lĩnh vực năng lượng và đường lối chính trị. Trong tình huống đó, Nga phải tỏ ra đặc biệt tế nhị. Việc ép buộc đoàn kết chắc gì là phương pháp hiệu quả nhất. Lời khuyên nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Roosevelt "hãy nói nhỏ hơn khi bạn có chiếc gậy to trong tay" đã trở nên thời sự. Nếu Nga tạo nên cảm giác rằng giờ đây Nga dự định tiến hành chính sách áp đặt đối với các nước láng giềng, sự căng thẳng ở các nước đó tiếp tục tăng và họ sẽ tìm kiếm sự lựa chọn thay thế.

 

Phương án thứ hai có thể đồng nghĩa với việc củng cố và mở rộng Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan) và có thể biến tổ chức này thành một liên minh quân sự -chính trị thực sự. Mong muốn mở rộng ảnh hưởng của Nga ở đây có thể vấp phải sự chống đối không chỉ của Mỹ mà cả Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có lợi ích của mình ở Trung Á. Nhân tố đột phá mà chiến dịch Gruzia tạo ra cho chính sách của Nga nên được phát triển bằng các biện pháp như các dự án liên kết có lợi.

 

Điều gì diễn ra tiếp theo

 

Tầm quan trọng của các sự kiện những ngày qua vượt ra ngoài khoảng không hậu Xô viết. Nó động chạm đến các vấn đề cơ bản. Lãnh đạo Nga nói rằng cần có một hệ thống an ninh mới trong khoảng không từ Vancouver đến Vlapostok. Sự phát triển tiếp theo có thể đi theo hai hướng: Hoặc là chia nhỏ theo các khối quân sự - chính trị đối lập với những hậu quả của nó hoặc là soạn thảo ra các nguyên tắc chung để bảo đảm ổn định. Tuy nhiên, mức độ tin cậy lẫn nhau giữa những người có thể tham gia đối thoại là rất thấp và khó có thể nói sẽ thành công. Hơn nữa, quan hệ nguội lạnh đi với phương Tây là không thể tránh khỏi. Mỹ đặc biệt tức giận trước những gì đang xảy ra. Có thể thấy Nga - Mỹ sẽ không có một cuộc đối thoại xây dựng trước khi chính quyền Mỹ hiện nay hết nhiệm kỳ.

 

EU có lẽ sẽ bị tê liệt trong việc xác định đường hướng quan hệ với Nga. Các nước Baltic và Ba Lan kêu gọi xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với Mátxcơva, kể cả vấn đề thị thực. Số phận đường ống dẫn nhiên liệu Bắc Âu đang bị đặt câu hỏi. Ủy ban châu Âu được phép đàm phán với Nga về hiệp định khung mới nhưng bầu không khí hiện nay không hề tạo điều kiện cho sự hiểu biết lẫn nhau.

 

Khác với giai đoạn Chiến tranh Lạnh, sự đối đầu giữa Mátxcơva và phương Tây chỉ là một phần nhỏ của nền chính trị toàn cầu. Cuộc tranh cãi giữa châu Âu và Nga về những vùng lãnh thổ không có nhiều ý nghĩa từ góc độ toàn cầu và nó sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của những nước đang ngày càng có ý nghĩa chiến lược như Trung Quốc và Ấn Độ. Sự phát triển này mới xác định các xu hướng phát triển trong khoảng không châu Âu - Đại Tây Dương. Mỹ cũng hiểu rõ điều đó. Chỉ cần thấy người Mỹ ngày càng tập trung thảo luận nhiều hơn và sâu hơn chủ đề Làm gì với Trung Quốc so với chủ đề tương tự về Nga, thậm chí về châu Âu, sẽ thấy điều đó.

 

Giờ đây, Nga chắc chắn sẽ được chú ý đến nhiều hơn và đó là điều không tồi. Các sự kiện trong những năm qua phần nhiều là do chất lượng kém của chính sách Mỹ đối với khoảng không hậu Xô viết. Nhưng tâm điểm chính sách của Mỹ là Bắc Kinh thì vẫn không thay đổi. Về phần mình, Trung Quốc cũng chăm chú theo dõi những thay đổi ở khu vực Á - Âu và đưa ra kết luận của mình.

 

Nhất Phong (gt)

 (*) Trích bài viết của nhà nghiên cứu chính trị Phedor Lukyanov, Tổng Biên tập Tạp chí Nước Nga trong chính trị toàn cầu.