📞

Khủng bố, bạo lực trên thế giới năm 2019: Chuyện riêng, lo chung

Lưu Huỳnh 13:30 | 02/01/2020
TGVN. Tình trạng khủng bố, bạo lực lan rộng đang là bài toán nan giải cho nhiều quốc gia trong năm 2019 vừa qua đi, đòi hỏi giải pháp tổng thể và đồng bộ của cộng đồng quốc tế. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam. 
Cảnh đổ nát tại Nhà thờ St. Sebastian ở Negombo, phía Bắc thủ đô Colombo (Sri Lanka) sau vụ đánh bom đẫm máu tháng 4/2019. (Nguồn: AP)

Tại Monsey, New York (Mỹ), một đối tượng nam giới bịt mặt đã cầm dao xông vào nhà một giáo sỹ Do Thái tổ chức lễ Hanukkah, đâm bị thương 5 người trước khi bỏ trốn khỏi hiện trường và bị bắt giữ. Kẻ thủ ác là Thomas Grafton, 37 tuổi, sinh sống tại khu vực Greenwood Lake. Cảnh sát đang tiếp tục điều tra và làm rõ động cơ của hung thủ, song nhiều khả năng đây là hành động mang tính bộc phát và có liên quan đến vấn đề sắc tộc, tôn giáo. Đó là sự kiện xảy ra ngày 28/12/2019 tại nước Mỹ.

Trước đó một tháng, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Anh, khi một nam giới đã cầm dao tấn công vào người đi đường trên cầu London (Anh) trước khi bị bắn hạ, khiến hai người thiệt mạng.

Vụ khủng bố nghiêm trọng nhất năm qua là chuỗi các đợt đánh bom tại Sri Lanka hồi tháng 4/2019, khiến ít nhất 259 người thiệt mạng và 500 người bị thương.

Như vậy, năm 2019 đã chứng kiến 780 vụ tấn công, làm 3.488 người thiệt mạng. Con số này năm 2017 là 10.900 vụ tấn công và 26.445 người chết, và trong năm 2014, cao điểm của làn sóng khủng bố, là 17.000 vụ làm 45.000 người thiệt mạng.

Truyền thông mạng xã hội vô tình tạo điều kiện cho khủng bố tuyển dụng thành viên, tuyên truyền tư tưởng cực đoan thông qua khẩu ngữ, phát ngôn hoặc video clip truyền tải trực tiếp hành vi khủng bố, thu hút một bộ phận người dân sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ.

Có thể thấy trong năm 2019, số lượng vụ tấn công bạo lực, khủng bố đã giảm, song diễn biến phức tạp hơn. Hai vụ tấn công bằng dao nêu trên được tiến hành bởi các “sói đơn độc”, chủ yếu xuất phát từ bất đồng sắc tộc/tôn giáo, quan điểm chính trị hay bất mãn thực trạng xã hội. Trong khi đó, chuỗi tấn công bom tại Sri Lanka do các tổ chức Hồi giáo cực đoan, đứng đầu là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành đã được triển khai bài bản, nhằm gây thiệt hại tối đa về người và của.

Đáng ngại hơn, truyền thông mạng xã hội đã vô tình tạo điều kiện cho khủng bố tuyển dụng thành viên, tuyên truyền tư tưởng cực đoan thông qua khẩu ngữ, phát ngôn hoặc video clip truyền tải trực tiếp hành vi khủng bố, thu hút một bộ phận người dân sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ.

Làn sóng khủng bố nguy hiểm và khó lường sẽ tiếp tục lặp lại năm tới, vốn được đánh giá tiềm ẩn bất ổn đến từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, cạnh tranh nước lớn, điểm nóng khu vực, cùng nhiều vấn đề xã hội và an ninh phi truyền thống. Các quốc gia đơn lẻ, dù là Mỹ, Nga hay Trung Quốc cũng không tránh khỏi liên lụy. Khi ấy, giải pháp duy nhất là mở rộng hợp tác song phương và đa phương, có giải pháp đồng bộ hạn chế tối đa thiệt hại từ làn sóng nguy hiểm này.

Ngày 29/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảm ơn người đồng cấp Mỹ Donald Trump vì đã phối hợp nhằm ngăn chặn một âm mưu khủng bố tại phía Bắc thành phố St. Petersburg, bắt giữ hai kẻ tình nghi. Hai năm trước, ông Putin từng cảm ơn ông Trump vì đã cung cấp thông tin về một vụ tấn công khác, cũng ở St. Petersburg.

Trong năm qua, các nước đã tăng cường hoạch định chính sách, phối hợp tình báo nhằm phá vỡ các mạng lưới và âm mưu khủng bố tại Bắc Mỹ và Tây Âu. Năm qua, thế giới đã chứng kiến cột mốc quan trọng trong hợp tác chống khủng bố khi Mỹ tiêu diệt thành công thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Liên hợp quốc và nhiều nước đã lập Diễn đàn Internet toàn cầu về chống khủng bố (GIFCT). Các hãng công nghệ lớn như Facebook, Twitter, Youtube... tăng cường rà soát nội dung độc hại, tuyên truyền tư tưởng cực đoan.

Với việc mở rộng và tăng cường các biện pháp tương tự, bóng ma của khủng bố và bạo lực liệu có lùi vào dĩ vãng được chăng?