Để hiểu rõ hơn động cơ khủng bố, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những giả thuyết khác nhau, liên quan đến tận gốc rễ vấn đề khủng bố. Nếu muốn chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, các quốc gia cần phải hiểu họ đang chống lại cái gì và biết được đối tượng họ phải đương đầu là ai.
Hình ảnh được ghi lại tại nơi tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom khủng bố, ngày 23/3/2016, ở Brussels (Bỉ). (Nguồn: Reuters) |
Gần đây, tạp chí New Scientist đã đưa ra loạt bài nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề động cơ khủng bố với mục đích “biết để hiểu, chứ không phải để bào chữa cho các hành vi khủng bố”. Khác với các tài liệu truyền thống, đây là kết quả của các nghiên cứu dựa trên những dữ liệu đáng tin cậy, thu thập qua những chuyến đi thực địa của các nhà khoa học. Những dữ liệu này được phân tích theo các phương pháp khoa học nhằm trả lời câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng rất phức tạp: kẻ khủng bố là cá nhân “cuồng tôn giáo, bị tẩy não, hay đơn giản là chỉ là kẻ có bản chất bất lương?”. Sau đây là một vài nghiên cứu đáng chú ý trong lĩnh vực này với những kết luận rất khác nhau.
Nhận dạng khủng bố
Nhiều thập kỷ qua, Mark Sageman - nhà tâm lý, bác sĩ pháp y chuyên về các vụ án hình sự và khủng bố - đã nghiên cứu chủ đề “Thế nào là kẻ khủng bố?”. Năm 2005, ông xuất bản cuốn sách “Hiểu các mạng lưới khủng bố” (Understanding terror networks). Đây là kết quả nghiên cứu của ông trong nhiều năm với 172 kẻ khủng bố Hồi giáo. Mark Sageman đặc biệt quan tâm đến động cơ khủng bố của các cá nhân này và kết luận: không thể nhìn nhận chủ nghĩa khủng bố như các động cơ mang tính tôn giáo, hệ tư tưởng hay vấn đề tâm lý cá nhân. Ông nhấn mạnh: “Không có cá nhân sinh ra với bản chất khủng bố, chỉ có những cá nhân thực hiện các hành vi khủng bố”. Kết quả nghiên cứu của Mark Sageman đã đặt ra rất nhiều khó khăn cho công việc xây dựng “đặc điểm của những kẻ khủng bố” – điều mà nhiều quốc gia đang làm trong cuộc chiến chống khủng bố. Việc này nhằm nhận dạng các cá nhân mang ít/nhiều nguy cơ thực hiện hành vi khủng bố, ngăn chặn trước khả năng con người có thể đi theo xu hướng khủng bố.
Không khác lắm với nghiên cứu của Mark Sageman, Martha Crenshaw - giảng viên đại học tại Mỹ, trong cuốn sách “Nguyên nhân khủng bố” (1981) cũng cho rằng, tất cả khủng bố đều là những người …bình thường (về mặt tâm lý). Bà đưa ra kết luận trên sau khi nghiên cứu các tổ chức khủng bố người Nga, Ireland, Israel, xứ Basque ở Tây Ban Nha và Algeria. Martha Crenshaw nhấn mạnh trẻ con sinh ra trong các gia đình khá giả dễ bị thu hút bởi các tổ chức khủng bố hơn. Vì thế hiện nay, rất nhiều tổ chức khủng bố đang được điều hành bởi các trí thức từng được đào tạo tại các trường có tiếng tăm, ví như thủ lĩnh Al-Qaida Ayman Al-Zawahiri vốn là bác sĩ có tiếng.
Động cơ khủng bố là chủ đề quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Điều gì làm cho một người có thể sẵn sàng chết vì lý tưởng? Câu hỏi này thu hút Scott Atran - nhà nghiên cứu nhân loại học đang làm việc tại Trung tâm xử lý các xung đột không thể giải quyết của Đại học Oxford. Scott Atran đã đi thực địa tại nhiều khu vực bị khủng bố tàn phá nhất, như Mosul chẳng hạn. Ông đưa ra câu trả lời gồm hai khía cạnh. Ông cho rằng khủng bố Hồi giáo không chỉ nhìn nhận bản thân như hòa mình vào “bản sắc nhóm”, mà còn theo đuổi các “giá trị thiêng liêng”, thường là tôn giáo. Scott Atran nhận thấy thành viên của tổ chức khủng bố mà có các “giá trị” này thường được nhìn nhận bởi các thành viên khác như là người có sức mạnh tinh thần đặc biệt, cao quý hơn nhiều sức mạnh thể chất. Vì các giá trị đó, những kẻ khủng bố sẵn sàng từ bỏ mối liên hệ giữa bản thân với “nhóm” hay “cộng đồng” mà trước đây chúng gắn liền. Để giải thích điều này, Scott Atran cho là phải nhìn kẻ khủng bố như cá nhân “hết mình” (vì các giá trị thiêng liêng) chứ không phải là cá nhân “lý tính”. Do vậy, để tiếp cận và ngăn chặn khủng bố, cần phải đưa ra các cách giải thích khác về “giá trị thiêng liêng”. Scott Atran lấy ví dụ một imam (thầy cả của đạo Hồi) từng hợp tác với Daech nhưng đã từ bỏ tổ chức này vì không đồng tình với định nghĩa “thánh chiến” của nó. Theo người này, thánh chiến có thể diễn ra bằng các trao đổi, thuyết phục phi bạo lực.
Binh lính thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). (Nguồn: BusinessInsider) |
Vấn đề tâm lý?
Không khó để nhận ra những kẻ khủng bố thường có mối quan hệ gia đình, bạn bè mật thiết trong một nhóm nhỏ, thường có đặc điểm văn hóa, dân tộc, tôn giáo, chính trị hoặc bộ tộc. Cái nhìn từ trong nhóm ra ngoài có vẻ lý tính: những kẻ khủng bố bảo vệ các cá nhân trong nhóm chống lại những yếu tố bên ngoài. Chủ nghĩa khủng bố là một biện pháp quan hệ quân sự hóa phục vụ mục đích lớn hơn: khủng bố không phải là niềm tin tôn giáo hay hệ tư tưởng lớn, nó là chiến lược chính trị. Rõ ràng, phần lớn các cá nhân có cùng mục đích chính trị đều không mong thực hiện các hành vi bạo lực nhằm vào người vô tội, nhưng lại có một số ít người đi theo con đường này. Vì thế, vẫn có những nhà nghiên cứu không ngại ngần đi sâu tìm hiểu nguyên nhân mang tính tâm lý trong các hành vi khủng bố.
Andrew Silke, nhà tội phạm học tại Đại học Bắc London đã có nhiều thời gian tiếp xúc với các tay khủng bố thánh chiến Hồi giáo đang bị giam giữ tại Anh, cho biết: “Khi tôi hỏi tại sao họ tham gia khủng bố, câu trả lời đầu tiên là ý thức hệ. Nhưng khi tôi đề nghị họ nói về việc họ tham gia các tổ chức này như thế nào, họ kể cho tôi nghe những rạn nứt gia đình, các vấn đề ở trường học, các biến cố cá nhân, sự phân biệt đối xử trong công việc, lòng hận thù muốn trả thù cho những nạn nhân là người Hồi giáo”. Tuy nhiên, theo ông Silke, “các cơ quan chống khủng bố không muốn nghe thấy rằng có những cá nhân trở thành khủng bố bởi vì anh em trai bị cảnh sát đánh đập hay do các trận dội bom ở Mosul đã giết bao nhiêu thường dân Hồi giáo… Nhiều người cho là cần bỏ qua khía cạnh tâm lý của vấn đề này”.
Nhà báo người Lebanon Haem Al Amin cho biết, những kẻ khủng bố thánh chiến đều có những người cha dữ dằn và thường xuyên vắng nhà, những người mẹ bao bọc, che chở và phải gánh vác mọi việc trong gia đình. Trong nhiều video, những kẻ khủng bố nói về mẹ với sự trìu mến, khác hoàn toàn với các hành động man rợ nhằm vào người vô tội. Dường như người mẹ luôn thể hiện khía cạnh tích cực của vấn đề, còn người cha đại diện cho tất cả những gì tệ nhất của xã hội. Nhận định này được chứng minh qua phần lớn các trường hợp thanh niên gia nhập lực lượng khủng bố Daech để trả thù cho mẹ.
Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở châu Âu, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérard Collomb đã đưa vấn đề tâm lý khủng bố ra bàn bạc và đề nghị các chuyên gia tâm lý tham gia hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc điều tra, phát hiện khủng bố. Điều này đã gây nên làn sóng phản đối từ các …nhà tâm lý. Theo họ, đây là ý tưởng “không phù hợp, thậm chí rất nguy hiểm”. Ông Pierre-Michel Llorca, Trưởng khoa Tâm lý của bệnh viện Clermont Ferrand cho rằng: “khái niệm sự giống nhau giữa hành vi của một kẻ khủng bố và của một người bị bệnh tâm lý là hoàn toàn không có cơ sở”. Vụ việc càng ầm ĩ hơn khi ông Bộ trưởng tuyên bố 30% những cá nhân bị lôi kéo theo con đường khủng bố là những người có vấn đề về tâm lý.
Tương tự, ở Anh, Prevent là chương trình do Chính phủ nước này thực hiện, nhằm ngăn chặn các cá nhân xích lại gần các tổ chức khủng bố hay thực hiện hành vi khủng bố. Theo đó, các cơ quan nhà nước và trường học phải thông báo với cơ quan chức năng những đối tượng khả nghi, có nguy cơ bị lôi kéo, xúi giục vào các hoạt động khủng bố. Một số tổ chức nhân quyền đã phản đối mạnh mẽ chương trình này, cho rằng nó mang tính phân biệt chủng tộc, bài Hồi giáo, không hiệu quả và thậm chí gây nhiều tác hại hơn là có lợi.
Nhà nghiên cứu xã hội học Vera Mironova đã đến Mosul - thành phố phía Bắc Iraq - để gặp, nghe và nghi chép lại những vấn đề liên quan đến khủng bố. Cô chỉ ra rằng trên thực tế, những kẻ khủng bố ở Mosul đều đến từ những gia đình nghèo khó và kinh tế là lý do đầu tiên để họ tham gia "thánh chiến". Gia nhập khủng bố, những người này sẽ được trả lương, có bảo hiểm y tế, đồng thời nếu chết trên chiến trường, gia đình họ sẽ nhận được một khoản tiền đền bù. Như vậy, nghiên cứu của cô cho thấy khủng bố không luôn luôn đi kèm với niềm tin tôn giáo.