📞

Khủng hoảng kinh tế - chính trị Lebanon: Chờ ngày bão tan

Minh Vương 20:15 | 19/10/2019
TGVN. Cuộc biểu tình lớn nhất trong 4 năm cho thấy người dân đã hết kiên nhẫn với cách Chính phủ liên minh giải quyết khủng hoảng kinh tế - chính trị. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Người dân Lebanon hết kiên nhẫn với Chính phủ liên minh chỉ sau chưa đầy một năm. (Nguồn: Reuters)

Ngày 17 và 18/10, người dân Lebanon đã xuống đường tại nhiều thành phố lớn như thủ đô Beirut, Tripoli và khu vực phía Đông Thung lũng Bekaa phản đối dự luật thuế của Chính phủ nhắm vào nhiên liệu, thuốc lá, ứng dụng nhắn tin và gọi điện WhatsApp, Internet cùng nhiều xa xỉ phẩm.

Các hành động biểu tình ôn hoà ban đầu đã nhanh chóng biến thành bạo động và ngày 18/10, cảnh sát phải tiến hành trấn áp. Cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2015 diễn ra chưa đầy một năm sau khi Lebanon thành lập Chính phủ liên minh.

Trước áp lực này, Thủ tướng Saad al-Hariri đã hủy bỏ đề xuất tăng thuế, song cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu dừng lại. Khủng hoàng chính trị lớn nhất tại một trong những quốc gia bất ổn nhất ở khu vực Trung Đông rõ ràng ẩn chứa nhiều ý nghĩa hơn thế.

Thứ nhất, phần đông người dân Lebanon cảm thấy bất mãn với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay, vốn đã tụt xuống dưới 1% khi chịu ảnh hưởng ngày càng nặng nề của cuộc chiến tranh tại nước láng giềng Syria, vốn đã bước sang năm thứ 8.

Xét về tỷ lệ nợ trên GDP, Lebanon là quốc gia đứng thứ ba thế giới, với tổng nợ năm 2018 ở mức 54,1 tỷ USD, tương đương với quy mô của nền kinh tế. Kể từ năm 1990 đến nay, Lebanon vẫn chưa thể cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển của đất nước.

Thứ hai, các chính phủ cầm quyền, mới đây nhất là liên minh của Thủ tướng Saad al-Hariri, chưa có các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết tình trạng bế tắc này. Thêm vào đó, các loại thuế mới khắt khe, nhiều chính sách thắt lưng buộc bụng cùng tình trạng tham nhũng tràn lan càng khiến tình hình trở nên trầm trọng và người dân dần mất lòng tin vào chính quyền liên minh.

Thứ ba, quan trọng hơn cả, chính trường Beirut tiếp tục bị chia năm sẻ bảy bởi các phe phái. Hezbollah, lực lượng Hồi giáo cực đoan tiếp tục có chân trong Quốc hội và mở rộng ảnh hưởng tại các chiến trường khu vực như Libya và Yemen. Việc tôn giáo chi phối quyền lực khiến cho bất kỳ nỗ lực cải tổ nào, dù lớn hay nhỏ, đều khó có thể thành công: Tổng thống phải là người Thiên chúa giáo, Thủ tướng theo đạo Hồi giáo Shi’ite còn Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo Sunni. Việc lựa chọn lãnh đạo quốc gia dựa trên tôn giáo thay vì năng lực đã ít nhiều giải thích cho tình trạng hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, liên minh cầm quyền vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp xoa dịu người dân. Dự thảo về đánh thuế đã được rút lại, song sự phẫn nộ của người dân không những dừng lại mà còn có phần mãnh liệt hơn và nhắm vào Chính phủ.

Thủ tướng Saad al-Hariri khẳng định sẽ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, tuyên bố cho các đồng minh chính trị 72 tiếng nhằm đạt được thỏa thuận về cải cách, hy vọng đây sẽ là làn gió tích cực đối với nền kinh tế.

Tổng thống Michel Aoun đã tiến hành đối thoại với 8 người đại diện cho cuộc biểu tình. Tuy nhiên, hai bên sẽ khó đạt thỏa thuận, khi yêu cầu nhất quán của phe biểu tình là giải tán Nội các, thành lập Chính phủ lâm thời và kêu gọi bầu cử Quốc hội sớm.

Chừng nào chính trường Lebanon chưa thể bình yên và cơ chế phân chia quyền lực theo tôn giáo còn đó, một Nội các mới với con người cũ sẽ khó mang lại điều mà người dân mong muốn. Khi ấy, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề khó nhằn, từ khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, nâng cao năng lực quản trị tới cải thiện vị thế khu vực vẫn chỉ là ước vọng không hồi đáp.

Cơn bão kinh tế - chính trị ở Lebanon, vì thế, sẽ chưa thể tan trong thời gian tới.