Tuy nhiên, điều quan trọng mà họ đã bỏ qua là sự chia rẽ sâu sắc hơn trong nội bộ các nước thành viên EU, bao gồm cả các trụ cột của Liên minh như Pháp hay Đức. Sự chia rẽ đến từ các quốc gia đó đang ngày càng đe doạ đến các giá trị về một châu Âu “kết nối chặt chẽ hơn”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Tại Đức, các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh gặp thất bại. Ở Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte đã phải mất 208 ngày mới thành lập được liên minh cầm quyền. Tại Anh, tình hình đang bị đảo lộn do Brexit (Anh rời EU). Trong khi đó, vào ngày Quốc khánh Ba Lan (11/11), hàng chục nghìn người theo chủ nghĩa dân tộc đã tổ chức diễu hành khổng lồ qua các đường phố Warsaw.
Vậy sự chia rẽ nào đang lớn hơn? Mâu thuẫn giữa các thành viên EU hay mâu thuẫn bên trong từng quốc gia? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp EU nhìn nhận được điều mà liên minh này đang thực sự phải đối mặt.
Nếu vấn đề lớn nhất của châu Âu là sự chia rẽ theo biên giới quốc gia, các nước “đầu tàu” như Pháp và Đức có thể cố gắng thay đổi sự cân bằng quyền lực với các quốc gia có xu hướng theo chủ nghĩa dân tộc. Mỗi quốc gia khi gia nhập EU đều đã đồng ý với một bộ các tiêu chuẩn dân chủ tự do (Tiêu chuẩn Copenhagen). Tuy nhiên, theo thời gian, một số Chính phủ như Hungary và Ba Lan đã quyết định không còn muốn tuân theo các quy tắc đó. Một giải pháp EU có thể sử dụng là tạo ra một nhóm nhỏ hơn với những lợi ích tốt hơn. Các quốc gia muốn gia nhập “nhóm đặc quyền” này sẽ phải đồng ý với một bộ quy tắc mới và các quốc gia vi phạm sẽ bị loại bỏ khỏi EU.
Nhưng giải pháp này chỉ có thể hiệu quả với xung đột giữa các quốc gia EU. Còn nếu vấn đề lớn hơn là sự chia rẽ trong nội bộ các quốc gia, việc giải quyết sẽ phức tạp hơn nhiều và Brussels không có nhiều quyền hạn để can thiệp. Rõ ràng, EU là cả một cộng đồng của các quốc gia và của công dân. Điều đó có nghĩa sự chia rẽ trong nội bộ một nước cũng quan trọng không kém những mối liên hệ giữa các quốc gia.
Đầu năm nay, báo cáo của Viện Brookings đã xác định xem châu Âu có phải là “khu vực chính trị tối ưu”, một khái niệm vay mượn từ lý thuyết kinh tế Robert Mundell về “các khu vực tiền tệ tối ưu”. Bản báo cáo kết luận, sự khác biệt về văn hoá và thể chế giữa các nước EU không thay đổi trong ba thập kỷ hội nhập châu Âu, nhưng mâu thuẫn giữa các quốc gia giờ đây lại nhỏ hơn nhiều so với sự khác biệt bên trong mỗi quốc gia. Ví dụ, về vấn đề tự do đi lại, những rào cản giữa thủ đô London với các vùng miền khác ở Anh thậm chí còn lớn hơn giữa Anh với Ba Lan.
Đối mặt với thách thức trong xã hội nói trên là điều không hề dễ dàng đối với EU. Đó là một vấn đề sâu xa và đã đi vào gốc rễ của bản sắc dân tộc, lịch sử và địa lý. Không có giải pháp nhanh chóng nào về thể chế có thể giải quyết được vấn đề như vậy, nhất là khi chính sách của các quốc gia thành viên có thể thay đổi chỉ sau một cuộc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân. Trong thời gian tới, EU chắc chắn phải cân nhắc khả năng các lực lượng dân túy lên nắm quyền ở Pháp, Italy và Ba Lan.
Mark Leonard
Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu. Bài viết được đăng trên Project Syndicate ngày 4/12, phản ánh quan điểm riêng của tác giả.