Nhỏ Bình thường Lớn
Dầu mỏ và chính sách đối ngoại Mỹ:

Kỳ 1: Từ cơn sốt vàng đen đến kế hoạch Marshall

Cuộc cạnh tranh về dầu mỏ - nguồn nhiên liệu hóa thạch chiến lược luôn tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của các quốc gia và nước Mỹ không phải là một ngoại lệ.
ky 1 tu con sot vang den den ke hoach marshall
Các thùng dầu đang được xếp vào kho, tháng 2/1930. (Nguồn: Getty)

Mỹ đã từ lâu chịu tác động của dầu mỏ. Trang Council on Foreign Relations (Mỹ) mới đây đã công bố biểu đồ cho thấy mối quan hệ hữu cơ giữa câu chuyện phát triển của ngành dầu mỏ Mỹ (kể từ năm 1850) và những cạnh tranh địa chính trị trong và ngoài khu vực mà Washington tiến hành trong nhiều năm qua. Ba giai đoạn lớn gồm: Sự thương mại hóa của dầu mỏ kể từ năm 1850, kỷ nguyên cạnh tranh địa chính trị về dầu mỏ hậu Thế chiến II và thời kỳ phi điều tiết - đa dạng hóa hiện nay.

Thương mại hóa dầu mỏ

Thời kỳ 1850-1865 ở nước Mỹ được gọi là Cơn sốt vàng đen (Black Gold Rush). Sự phát triển của động cơ hơi nước do James Watt phát minh trong thế kỷ XVIII đã tạo ra làn sóng Cách mạng công nghiệp ở cả châu Âu và nước Mỹ. Vào giữa những năm 1800, dầu hỏa (kerosene) được sản xuất từ dầu thô tinh chế nhằm thay thế cho nguồn cung thắp sáng từ dầu cá voi đang giảm, ra mắt thị trường Mỹ. Phương pháp khoan dầu sử dụng thành công ở Pennsylvania và nhà máy lọc dầu đầu tiên của Mỹ đi vào hoạt động trong năm 1861, sau đó lô hàng dầu tinh chế đầu tiên được xuất khẩu tới London (Anh). 

Tính đến năm 1880, dầu hỏa là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ và quốc gia này chiếm đến 85% thị phần sản xuất, tinh chế dầu thô của thế giới. Tuy nhiên, sự thống trị trên thị trường dầu mỏ của Washington ngay lập tức gặp phải thách thức từ những quốc gia sở hữu nhiều mỏ dầu như Nga, Anh và Hà Lan.

Năm 1908, phát minh mẫu ô tô giá rẻ có tính cách mạng Model T của Henry Ford khiến cho thị trường tiêu thụ xăng (gasoline) tăng trưởng mạnh. Nước Mỹ lập tức dẫn dắt thị trường xăng dầu quốc tế trong cuộc cạnh tranh với các nhà cung cấp dầu khác. Cũng trong năm đó, ngày 26/5 đánh dấu sự kiện ngành công nghiệp dầu mỏ vươn tới Trung Đông khi các doanh nghiệp Anh, Scotland tiến hành khai thác dầu tại Iran.

Khi Thế chiến I nổ ra (năm 1914), dầu mỏ là nhiên liệu vô cùng quan trọng đối với các quốc gia tham chiến. Những cuộc tấn công của nước Đức nhanh chóng phá vỡ chuỗi xuất khẩu dầu của Washington đến Pháp, Đức. Khi nước Mỹ tham chiến vào năm 1917, chính quyền Tổng thống Woodrow Wilson vừa muốn duy trì nguồn cung cho Anh, Pháp lại vừa muốn đáp ứng nhu cầu trong nước. Do đó, Washington phải thi hành chính sách ngoại giao cởi mở hơn và tìm kiếm nguồn cung dầu từ đồng minh, bắt đầu từ việc nhập dầu của Mexico.

Năm 1919, sau khi Thế chiến I kết thúc, nước Mỹ lần đầu tiên đứng trước mối lo ngại về an ninh dầu mỏ khi cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ thông báo nước này sẽ hết nguồn cung dầu trong mười năm tới. Năm 1920, Washington tiếp tục vấp phải khó khăn do Anh, Pháp gây sức ép lên doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Trung Đông. Chính quyền Mỹ bắt đầu nhượng bộ hơn nữa đối với các nước Mỹ Latinh như Mexico hay Venezuela.

Nền ngoại giao dầu mỏ của nước Mỹ ngày càng được chú trọng theo hướng mở cửa thị trường khai thác và đầu tư. Một mặt, nước Mỹ hậu thuẫn cho ký kết Hiệp định Ranh giới Đỏ 1928 giúp bảy công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong đó có năm công ty của Mỹ, có thể kiểm soát phần lớn sản lượng dầu ở Trung Đông, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực “vựa dầu mỏ” chiến lược này. Mặt khác, cũng vào năm 1928, Washington chấp nhận các luật định mới về dầu mỏ của Mexico - điều không chỉ giúp chấm dứt căng thẳng lâu năm giữa hai quốc gia mà còn bổ sung nguồn cung dầu mỏ quan trọng cho Mỹ.

Với sự đột phá về công nghệ và sự gia tăng sản xuất dầu ở các nước châu Mỹ Latinh, Mỹ và Trung Đông trở thành hai khu vực có nguồn cung dầu mỏ hàng đầu thế giới. Lúc này, nước Anh tiến hành hạn chế nguồn cung dầu của hai khu vực này vào châu Âu bằng thỏa thuận Achnacarry 1928. Chính điều này đã khiến giá dầu giảm mạnh còn vài cent/thùng vào năm 1931. Để đáp lại, Chính phủ Mỹ đã cho áp đặt hạn ngạch sản xuất dầu (oil quotas) đối với các bang cũng như điều chỉnh thuế nhập dầu để hạn chế nguồn cung của Mỹ trên thị trường thế giới. Nhờ sách lược đúng đắn này, đến năm 1935, giá dầu bắt đầu hồi phục.

Từ năm 1932, làn sóng quốc hữu hóa ngành dầu khí nổ ra với sự bắt đầu của nhà lãnh đạo Iran Reza Shah Pahlavi, khi ông bãi bỏ những nhượng bộ trước đây với công ty dầu của Anh. Tiếp đó, năm 1938, Chính phủ Mexico quốc hữu hóa ngành dầu khí và thu hồi các nhượng bộ đối với Washington. Tuy nhiên, phía Mỹ lại không trả đũa bởi phần nào lo ngại Mexico có thể hợp tác với Đức để gây khó khăn cho nguồn cung dầu của Washington - điều vô cùng nguy hiểm khi có chiến tranh xảy ra.

Khi Thế chiến II bắt đầu, nước Mỹ đã nắm 60% sản lượng dầu thế giới. Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu dầu từ Washington, bắt đầu dự trữ dầu ngay trước khi tiến đánh Đông Dương. Nắm được ý đồ này, nước Mỹ, theo sau là châu Âu, đã đáp trả bằng lệnh cắt đứt nguồn cung dầu mỏ cho Nhật Bản vào tháng 8/1941. Nhật trở thành quốc gia đầu tiên gánh chịu hậu quả nặng nề bởi cuộc chiến dầu mỏ thế giới.

ky 1 tu con sot vang den den ke hoach marshall
Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt và Vua Saudi Arabia Abdul Aziz Lbn trên tuần dương hạm USS Quincy tại miền Bắc kênh đào Suez năm 1945. (Nguồn: AP)

Đến năm 1943, việc sản lượng dầu ngày càng suy giảm của Mỹ khiến Tổng thống Franklin Roosevelt quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm đồng minh. Ông đã tuyên bố rằng nguồn dầu của Saudi Arabia có vai trò sống còn đối với an ninh của nước Mỹ. Nước Mỹ liền tăng cường viện trợ tài chính cho Saudi Arabia, khiến vài năm sau, quốc gia này trở thành nguồn xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia bắt đầu từ đây.

Vào cuối Thế chiến II (năm 1945), Mỹ trở thành siêu cường kinh tế và quân sự của thế giới. Nước này đóng vai trò trung tâm trong công cuộc phục hồi toàn cầu, trong đó có việc viện trợ năng lượng cho các quốc gia châu Âu bị tàn phá sau chiến tranh. Chính sách ngoại giao viện trợ tái thiết của Washington trở thành con bài chiến lược giúp phần nào hình thành liên minh xuyên Đại Tây Dương ngày nay.

Kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu

Kế hoạch Marshall nổi tiếng của Washington không chỉ giúp châu Âu tái thiết thời hậu chiến mà còn làm cho các nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu của đồng minh Bắc Mỹ. Các quốc gia châu Âu bắt đầu quay lưng với than đá và gia tăng hơn nữa nhu cầu dầu mỏ. Nhưng lúc này, các nguồn cung dầu ngoài Mỹ, nổi bật là Trung Đông lại được tìm đến nhiều hơn. Bản thân nước Mỹ cũng thiếu hụt về nguồn dầu khí, đến năm 1950 nước này phải nhập gần một triệu thùng dầu/ngày.

Đứng trước sự thiếu hụt nguồn cung, Washington tiến hành tăng cường quan hệ với các “vựa dầu” khác, tiêu biểu như Iran. Vào tháng 8/1953, tình báo Mỹ và Anh đã hậu thuẫn cho quân đội Iran lật đổ Thủ tướng Mahammad Mossadegh và bắt đầu vô hiệu hóa chính sách quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ trước đó của nước này. Quan hệ giữa Tehran và Washington dần được cải thiện nhằm cùng khai thác nguồn dầu mỏ dồi dào ở quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, sự kiện tháng 7/1956, khi Ai Cập muốn quốc hữu hóa kênh đào Suez vốn được Anh và Pháp kiểm soát đã tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho hành lang vận chuyển dầu từ Trung Đông đến châu Âu. Việc liên quân Anh - Pháp - Israel tấn công Ai Cập không chỉ khiến con đường năng lượng huyết mạch vận chuyển khoảng 800.000 thùng/ngày này bế tắc mà còn tạo ra nguy cơ mất an ninh nghiêm trọng. Mỹ e ngại nếu để Anh - Pháp tiếp tục gây sức ép cho Ai Cập, nhiều khả năng Liên Xô sẽ nhảy vào can thiệp (do Ai Cập lúc đó đang ngả về phía Liên Xô). Bằng biện pháp gây sức ép về ngoại giao và kinh tế, Mỹ buộc quân Anh, Pháp và Israel phải chấp nhận ngừng bắn và rút quân hoàn toàn khỏi Ai Cập vào ngày 7/11/1956.

Sự kiện Khủng hoảng kênh đào Suez tạo ra cuộc “chuyển giao quyền lực” tại Trung Đông: Mỹ bắt đầu đóng vai trò chủ đạo, không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, thay thế cho Anh, Pháp.

Năm 1959, thế giới một lần nữa đối mặt với tình trạng thừa cung và giá dầu giảm. Tổng thống Mỹ lúc này là Dwight Eisenhower đã áp đặt Chương trình Nhập khẩu Dầu mới nhằm đưa ra hạn ngạch lượng dầu nhập khẩu không vượt quá 9% tiêu thụ trong nước. Chương trình kéo dài khoảng 14 năm này giúp giữ giá dầu Mỹ ổn định, nhưng vẫn duy trì ưu đãi nhất định đối với Canada và Mexico.

Kỳ 2: Mỹ "đình chiến" rồi "tham chiến"

Minh Tuấn (lược dịch)