Nhỏ Bình thường Lớn
80% người Anh muốn duy trì chế độ quân chủ

Kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II:

Từ ngày 2 đến ngày 5/6/2012, nền quân chủ Anh một lần nữa sống trong những ngày huy hoàng khó quên của tuần diễn ra Đại lễ Kim cương (Diamond Jubilee) hoành tráng, kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II - vị vua nắm giữ ngai vàng lâu thứ hai trên thế giới.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II vẫy tay chào thần dân đang tung hô hai bên bờ sông Thames.

Khoác tấm áo choàng màu bạc, đội chiếc mũ trắng, Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, 86 tuổi, mỉm cười, đứng trên chiếc thuyền của Hoàng gia vẫy chào đám đông ước chừng 1 triệu người đang tung hô hai bên bờ sông Thames. Nữ hoàng có lý do để vui trong những ngày này vì cả nước Anh đang rộn ràng tổ chức Đại lễ hoành tráng mừng 60 năm bà đăng quang. Đặc biệt, Nữ hoàng Elizabeth II là người trị vì nước Anh lâu thứ nhì, chỉ sau Nữ hoàng Victoria (trị vì nước Anh 63 năm, 217 ngày), và cũng là người thứ hai trong Hoàng gia Anh tổ chức Đại lễ Kim cương.

Đại lễ hoành tráng nhất

Đại lễ Kim cương đã khai màn bằng các loạt đại bác chào mừng diễn ra cùng lúc tại London, Edinburgh, Cardiff và Belfast để kỷ niệm 60 năm ngày lên ngôi của Nữ hoàng Elizabeth II. Song tâm điểm của lễ hội kéo dài gần một tuần này là lễ rước thuyền trên sông Thames chiều 3/6. Đây là sự kiện lớn nhất trong suốt 350 năm qua trên dòng sông này, với sự tham gia của cả những chiếc thuyền Dunkirk lịch sử từng sơ tán binh lính Anh từ lục địa châu Âu trở về trong Thế chiến II. Sau 8 tiếng chuông Đại lễ, 1.100 chiếc thuyền, trong đó Nữ hoàng Elizabeth II dẫn đầu một chiếc thuyền Hoàng gia được trang trí 10.000 bông hoa bắt đầu khởi hành từ cầu Battersea, phía Nam của sông Thames và xuôi xuống điểm cuối cùng là Cầu Tháp ở trung tâm London. Theo Sách Kỷ lục Thế giới Guinness, sự kiện hoành tráng này đã phá kỷ lục thế giới về số lượng thuyền tham gia diễu hành, bỏ xa kỷ lục cũ (327 chiếc) được lập năm 2011 ở Bremerhaven, LB Đức.

Trong dịp Đại lễ này, Nữ hoàng Anh cũng tham dự buổi hòa nhạc khổng lồ được tổ chức trước Cung Điện Buckingham (4/6) và dự buổi trình diễn máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh trong ngày 5/6. Nữ hoàng cũng thắp sáng ngọn đèn hiệu quốc gia và hơn 4.000 ngọn đèn khác cũng được thắp sáng trên toàn Khối Thịnh vượng Chung để đánh dấu 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Nhân dịp này, Tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng nước Anh cũng đã được đổi tên thành Tháp Elizabeth.

Nói chung, suốt 4 ngày Đại lễ, không khí lễ hội rộn ràng khắp nước Anh. Phố xá được trang hoàng lộng lẫy cờ, hoa. Mọi người náo nức tham dự các bữa tiệc đường phố được chuẩn bị để gia đình và cộng đồng thêm gắn kết. Kênh The Royal dành riêng cho Hoàng gia Anh trên trang chia sẻ Youtube liên tục truyền tải tin tức và hình ảnh các lễ hội chính thức, bên cạnh các mạng xã hội khác như Facebook, Flickr, Twitter và trang web đa phương tiện của Hoàng gia. Theo một cuộc thăm dò nhanh do Kênh The Royal thực hiện trong dịp Đại lễ này, gần 70% người Anh được hỏi cho biết họ không muốn những ngày tháng này trôi đi. 10.000 là con số các bữa tiệc đường phố của người dân Anh dành cho lễ kỷ niệm kim cương 60 năm trị vì của Nữ hoàng, tăng gấp đôi so với đám cưới của Hoàng tử William hồi tháng 4 năm ngoái.

Nêu lý do tổ chức Đại lễ Kim cương hoành tráng, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh: "Đây là năm để nước Anh nhìn ra thế giới và thế giới nhìn vào nước Anh", đồng thời đốc thúc người Anh "tận dụng mọi cơ hội”. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu thị trường bán lẻ trên trang thương mại điện tử Kelkoo, Đại lễ Kim cương có thể mang về cho các thương gia Anh khoảng 653 triệu euro, trong khi đám cưới của Hoàng tử William năm ngoái thu về 607 triệu euro từ việc bán đồ lưu niệm, đồ ăn, đồ uống...

Tuy nhiên, mặc dù Nữ hoàng đã ra lệnh "không nên sử dụng những khoản tiền công một cách không cần thiết", nhưng đại lễ "hoành tráng" này cũng khiến một bộ phận người dân lo ngại khi mà nhiều nước châu Âu đang vấp phải khủng hoảng nợ công. Theo ước tính của Bộ Văn hóa Anh, chỉ riêng những ngày nghỉ Đại lễ cũng sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Anh khoảng 1,5 tỷ euro.

Uy tín Hoàng gia cao kỷ lục

Ở Anh, tuy ngôi vị của Nữ hoàng chỉ mang tính nghi thức và không có thực quyền về chính trị, nhưng hầu hết công chúng ở xứ sở này đều tôn kính Nữ hoàng và Hoàng tộc. Thậm chí, một cuộc khảo sát gần đây do báo The Guardian của Anh thực hiện còn cho thấy có đến 80% người dân Anh vẫn muốn nước này duy trì chế độ quân chủ.

Nữ hoàng Elizabeth II, tên khai sinh là Elizabeth Alexander Mary, sinh năm 1926, là con đầu lòng của Vua George VI - Công tước xứ York. Như bao phụ nữ khác, bà kết hôn với Đại úy hải quân Philip năm 1947 và ngày ngày chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Nhưng do sức khỏe của Vua cha sớm suy yếu, là con trưởng, nên bà thường thay cha trong các hoạt động của Hoàng gia. Năm 1952, khi Vua cha qua đời, bà bắt đầu gánh vác vai trò của một Nữ hoàng và chính thức đăng quang một năm sau đó, trở thành Nữ hoàng của 16 quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung cho đến ngày nay.

Tất nhiên, trong triều đại của mình, Nữ hoàng Elizabeth II cũng từng trải qua những giai đoạn mà sự yêu mến của công chúng dành cho Hoàng gia có phần giảm sút do các vụ ly hôn trong Hoàng tộc hay cái chết bất ngờ của Công nương Diana năm 1997. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ dành cho gia đình Hoàng gia đã được khôi phục trở lại với đám cưới của Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton - một trong những sự kiện đáng quan tâm nhất nước Anh hồi năm ngoái. Theo nhà sử học Kate Williams, tác giả cuốn sách Young Elizabeth: The Making of our Queen, sức ảnh hưởng của Nữ hoàng ngày càng gia tăng ở Anh và Khối Thịnh vượng chung. Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, nhà sử học Williams khẳng định: "Kể từ khi đăng quang, chưa bao giờ sự yêu mến của công chúng dành cho Nữ hoàng lại tăng cao kỷ lục như bây giờ". Một cuộc khảo sát trong tháng 5 vừa qua do báo The Guardian thực hiện cũng cho thấy có đến 80% người Anh mong muốn duy trì chế độ quân chủ; trong đó 69% số người được hỏi cho rằng nước Anh sẽ tệ hơn nếu không có Hoàng gia, so với 22% có ý kiến ngược lại.

Vì vậy, nhân dịp Đại lễ Kim cương, Nữ hoàng Elizabeth II đã "cảm ơn sự ủng hộ và niềm khích lệ tuyệt vời mà các thần dân đã gửi đến tôi và Hoàng thân Philip trong những năm qua… Trong năm đặc biệt này, một lần nữa tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ được nhắc đến vì sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sức mạnh của tình bạn, gia đình và láng giềng tốt, điều mà tôi đã may mắn chứng kiến trong suốt triều đại của mình".

Minh Minh