Ngày 14/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến thành phố Cucuta, Colombia, giáp biên giới Venezuela sau chuyến thăm của ông tới Chile, Paraguay và Peru. Đây là 4 quốc gia ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ đối với Venezuela. Chuyến đi này được cho là nỗ lực nhằm gia tăng áp lực kinh tế và ngoại giao nhắm vào Tổng thống Nicholas Maduro.
Đòn gió không hiệu quả
Thời gian qua, Mỹ đưa ra hàng loạt lời đe dọa với quân đội Venezuela rằng, nếu họ không lật đổ Tổng thống Maduro, Venezuela sẽ bị “nghiền nát” bởi lệnh cấm vận và thậm chí là can thiệp quân sự của Washington. Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang Venezuela vẫn tiếp tục trung thành với Tổng thống hợp hiến Maduro. Trong khi đó, hoạt động chống đối của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido - vốn được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn - dần hạ nhiệt.
Venezuela - một "đấu trường mới" của Mỹ - Nga. (Nguồn: The Daily Beast) |
Chính giới, binh sĩ và người dân Venezuela đều cho rằng những lời lẽ gay gắt của ông Trump chỉ là “đòn gió”. Bởi lẽ Mỹ chưa có bất cứ hoạt động quân sự nào đúng nghĩa tại Venezuela, đồng thời khả năng Washington phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào quốc gia Nam Mỹ này là không cao.
Kết quả là, chính quyền Trump chưa có đủ những yếu tố cần thiết để thực hiện toan tính thay đổi chế độ ở Venezuela, dù đã đầu tư rất nhiều vốn liếng chính trị. Mỹ hy vọng các đòn cấm vận, sức ép ngoại giao và trên hết là cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại Venezuela cuối cùng sẽ tạo ra sự thay đổi từ trong lòng đất nước Mỹ Latinh này.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi trong tình cảnh cúp điện và mất nước kéo dài, những người ủng hộ phe đối lập Venezuela trở nên hoài nghi. Người dân bắt đầu quay sang đổ lỗi phe đối lập và Mỹ vì đã khiến cuộc sống của họ rơi vào hoàn cảnh khốn cùng.
Thông điệp từ Nga - Trung
Kịch bản của Mỹ lại càng có nguy cơ phá sản khi cuối tháng 3 vừa qua, Nga đã điều 100 binh sĩ sang thủ đô Caracas – một hành động thể hiện sự ủng hộ của Moscow dành cho chính phủ Venezuela. Giới quan sát cho rằng, động thái này của Nga có thể vượt qua lằn ranh đỏ mà Mỹ vạch ra trong Học thuyết Monroe, vốn được duy trì hàng trăm năm qua nhằm biến Mỹ Latinh trở thành “sân sau” của Washington.
Trong một tuyên bố sắc lạnh nhằm vào Moscow, Tổng thống Trump cảnh báo “Nga phải rút khỏi Venezuela” và “mọi biện pháp đang được (Mỹ) cân nhắc”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton gọi việc đưa quân sang Venezuela của Nga là “mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh khu vực”. Đáp lại, Điện Kremlin khẳng định binh sĩ của họ sẽ bám trụ ở Caracas đến chừng nào còn cần thiết.
Trong khi đó, ngày 30/3, Trung Quốc đã cử 1 máy bay chở 65 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến Venezuela. Trước đó, Trung Quốc đã cùng với Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ và phương Tây về việc không công nhận kết quả thắng cử hồi tháng 5/2018 của Tổng thống Maduro.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nga – Trung Quốc trong vấn đề Venezuela đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Trump rằng, bất kỳ hành động quân sự nào chống Venezuela cũng cần tính tới phản ứng của hai cường quốc này. Mỹ khó có thể cô lập hoàn toàn Venezuela chừng nào Caracas còn nhận sự ủng hộ của Nga – đồng minh hàng đầu của ông Maduro và Trung Quốc – quốc gia đang rất muốn khẳng định dấu ấn trên sân khấu chính trị quốc tế.
Khó xảy ra chiến tranh nóng
Cục diện tại Venezuela nói trên đang được so sánh với việc Điện Kremlin hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong những năm qua. Năm 2015, sự can dự của Nga đã làm thay đổi tình hình Syria, giúp ông al-Assad duy trì quyền lực, đồng thời đưa Moscow trở thành một trong những tiếng nói quyết định ở Trung Đông. Vì vậy, điều khiến giới chức Mỹ lo ngại hiện nay là Tổng thống Vladimir Putin có thể biến Venezuela thành một “cuộc chiến ủy nhiệm” mới với Washington.
Mặc dù có nhiều khác biệt giữa Venezuela và Syria, hai nước đều đang “chiến đấu chống lại âm mưu đế quốc của Mỹ” – như lời Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza nói trong chuyến thăm Damascus gần đây. Nếu như ông al-Assad đang đối mặt với “thù trong giặc ngoài” thì ông Maduro cũng nhiều khả năng gục ngã nếu như không có sự hỗ trợ của Moscow. Nếu Syria là bài học đắt giá cho cuộc phiêu lưu quân sự của Washington thì Venezuela cũng là cơ hội quý để Nga củng cố vị thế ở Tây bán cầu.
Ở Syria, Mỹ cùng đồng minh đã đổ rất nhiều tiền của và công sức trong việc ủng hộ các lực lượng đối lập chống lại chính quyền Damascus, nhưng rút cục chỉ nhận về thất bại cay đắng. Chính bài học đau đớn chưa nguôi ở Syria cộng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã khiến các nhà phân tích có cơ sở để tin rằng, sự đối đầu giữa một bên là Mỹ và phương Tây, bên kia là Nga và Trung Quốc, sẽ khó bùng phát thành chiến tranh “nóng” tại Venezuela.
Với trữ lượng dầu mỏ dồi dào, Venezuela là nơi mà một khi xảy ra khủng hoảng sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho thị trường năng lượng Mỹ Latinh và toàn cầu. Nghiêm trọng hơn, đối đầu quân sự tại Venezuela sẽ là một kịch bản thảm họa với tất cả các bên.
Dù vậy, tình hình khó khăn hiện nay tại Venezuela cũng là điều không người dân nào mong muốn, bởi họ đã quá mệt mỏi với việc thiếu thốn nhu yếu phẩm kéo dài. Suy cho cùng, hàng triệu dân thường đang là người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ toan tính quyền lực của các tay chơi trên “bàn cờ” Venezuela.