📞

Libya và Syria thời Covid-19: Dịch bệnh chưa qua, phong ba đã tới

Minh Vương 16:09 | 20/05/2020
TGVN. Mối lo của Libya và Syria không chỉ là dịch Covid-19, mà còn là chiến sự liên miên giữa các thế lực quân sự, với ít giải pháp chính trị và muôn vàn thách thức. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Hiện trường đổ nát của một bệnh viện dã chiến tại thủ đô Tripoli sau khi hứng chịu đợt tấn công bằng tên lửa của LNA ngày 29/4. (Nguồn: Anadolu)

Đại dịch Covid-19 đang khiến thế giới lao đao, Libya lẫn Syria không phải là ngoại lệ. Ngày 19/5, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Libya đã xác nhận thêm 3 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca tại quốc gia Bắc Phi lên 68, trong đó 3 người tử vong, 35 người đã hồi phục. Tương tự, tính đến ngày 20/5, Syria đã ghi nhận 58 ca nhiễm Covid-19, trong đó 3 người tử vong và 36 người đã hồi phục.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hai chính phủ tại Libya được cho đã tiến hành nhiều biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch tương đối hiệu quả, bao gồm đóng cửa các trường học, nhà thờ, cấm tụ tập nơi công cộng và đóng cửa biên giới.

Nhìn từ ngoài, đây là những con số ấn tượng, trong bối cảnh nhiều nước lớn, có nền y tế phát triển đang gặp khó trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, sự thật là như thế nào? Liệu Syria và Libya thực sự có phải làm nên điều kỳ diệu hay không?

Khó chồng khó

Câu trả lời là không. Chẳng những vậy, tình hình tại hai quốc gia Trung Đông và Bắc Phi này sẽ diễn biến vô cùng phức tạp, khi hệ quả từ chiến sự khiến việc kiểm soát đại dịch khó khăn hơn.

Thứ nhất, Syria và Libya sẽ hứng chịu hệ quả nặng nề từ đại dịch Covid-19 thời gian tới. Theo quyền Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya Stephanie Williams ngày 20/5, việc số ca nhiễm Covid-19 xác nhận tại Libya ở mức thấp là do năng lực xét nghiệm, theo dấu bệnh hạn chế, và mối lo sợ của người dân về bị kỳ thị một khi có triệu chứng bệnh.

Trong những ngày tới khi dịch đạt đỉnh, con số này có thể tăng nhanh. Chiến sự leo thang, đặc biệt là các cuộc tấn công vào bệnh viện dã chiến của lực lượng Quân đội miền Đông (LNA) ở thủ đô Tripoli đang khiến tình hình trầm trọng hơn.

Tương tự, trong cuộc họp trực tuyến định kỳ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về tình hình nhân đạo tại Syria, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cho biết, khủng hoảng kinh tế và nhân đạo của Syria đang đứng trước thách thức to lớn với nguy cơ bùng phát của đại dịch Covid-19. Dù mới có 68 ca nhiễm cả nước, nhưng điều kiện phòng, chống dịch của Syria còn nhiều hạn chế về năng lực xét nghiệm, hiện trạng cơ sở, vật tư y tế.

Đi kèm với các biện pháp kiểm soát dịch như hạn chế đi lại, đóng cửa dịch vụ không cần thiết, người dân Syria đang chịu hậu quả của lạm phát, giá nhu yếu phẩm tăng cao, thậm chí đạt mức tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái theo Thống kê của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Thứ hai, Syria và Libya tiếp tục là điểm nóng xung đột. Bất chấp tình hình dịch bệnh, chiến sự tại Libya đang diễn biến phức tạp hơn. Ngày 9/5, thủ đô Tripoli đã bị tấn công tên lửa, khiến ít nhất 4 dân thường, trong đó có 1 trẻ em, thiệt mạng và 16 người bị thương. Ngày 14/5, thành phố này tiếp tục phải hứng chịu vụ tấn công tương tự, với đối tượng là một bệnh viện. Một số vụ pháo kích được cho là nhắm vào các cơ quan đại diện ngoại giao tại Tripoli như Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.

Tương tự, tại Syria, bất chấp dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chiến sự tại Syria có dấu hiệu nóng trở lại. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tiến hành tấn công ngày 13/5, khiến 5 nhân viên an ninh Iraq và 3 dân thường thiệt mạng, một số người khác bị thương. Trong bối cảnh các người chơi lớn như Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, Nga, Mỹ, Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ đều bận rộn chống dịch, IS đã tận dụng khoảng thời gian này, cùng những đối đầu giữa các bên để giành lại ưu thế.

Dịch bệnh bùng phát cùng tình hình chiến sự phức tạp khiến người dân Syria phải đối mặt với nhiều khó khăn. (Nguồn: Reuters)

Ý chí là tất cả

Thứ ba, chiến sự tại hai quốc gia này đã và sẽ tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng từ các nước lớn, dù tình hình dịch bệnh buộc họ phải dồn nguồn lực nhằm phòng, chống dịch. Ngày 6/5, các nhà ngoại giao LHQ dẫn báo cáo của các chuyên gia về lệnh cấm vận vũ khí với Libya cho biết, nhiều lính đánh thuê đến từ Wagner Group, tổ chức bán quân sự Nga thân cận với Tổng thống Putin, đang tham chiến ở Libya.

Tại Syria, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 15/5, Washington đã thiết lập nhiều căn cứ ở khu vực Đông Bắc biên giới với Iraq và tam giác biên giới với Iraq và Jordan ở phía Nam, bất chấp phản đối của Damascus. Như vậy, có thể thấy hai người chơi lớn này đã có điều chỉnh về mặt vị trí và lực lượng để nối lại hoạt động và các chiến dịch quy mô một khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Thứ tư, cộng đồng quốc tế có thể tăng cường các biện pháp cứu trợ nhân đạo và tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài, song kết quả sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tình hình chiến sự và ý chí của các bên liên quan. Trong cuộc họp HĐBA ngày 20/5 về Libya, đại diện các nước HĐBA đều chia sẻ quan ngại của quyền Đại diện đặc biệt, kêu gọi các bên sớm quay trở lại tiến trình đàm phán hòa bình, kêu gọi việc chấm dứt can thiệp từ bên ngoài và tuân thủ đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA. Tuy nhiên, LNA khẳng định quyết tâm giành lại thủ đô Tripoli và đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn đã ký kết.

Tương tự, trong cuộc họp cùng ngày của HĐBA về Syria, các bên nhất trí về hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, tăng cường năng lực xét nghiệm cho ngành y tế, nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình chiến sự đang ngăn cản những nỗ lực nhân đạo tại khu vực vùng Đông Bắc Syria, sau khi cửa khẩu vận chuyển hàng hóa nhân đạo Al Yarubiyah giáp biên giới Iraq không được HĐBA gia hạn.

Như vậy, tình hình dịch bệnh Covid-19 và chiến sự tại Syria, Libya khó có bước ngoặt thời gian tới. Thay đổi tích cực sẽ chỉ đến khi có sự tham gia chủ động của cộng đồng quốc tế, thiện chí đối thoại, tìm kiếm giải pháp của các bên liên quan để ngắt tiếng súng, dứt tiếng bom sau nhiều năm.