Liên minh Mỹ-Hàn đang đứng trước những thách thức mới sau chuyến thăm bị rút ngắn của ông Pompeo. (Nguồn: Asia Times) |
Chuyến công du rút ngắn
Ngay sau khi Tổng thống Trump xác nhận bị nhiễm Covid-19, Ngoại trưởng Pompeo đã hủy bỏ chuyến thăm dự kiến tới Hàn Quốc và Mông Cổ, nhưng vẫn thực hiện lịch trình tới Nhật Bản để tham dự Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad) với những người đồng cấp đến từ Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Quad là một diễn đàn chiến lược được thành lập vào năm 2007 nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Chuyến công du đến châu Á bị rút ngắn của ông Pompeo có thể đã "giáng một đòn mạnh" vào chính phủ Hàn Quốc vốn muốn thúc đẩy nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in trong việc sớm đưa ra tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Tin liên quan |
Quan ngại về căng thẳng giữa hai đồng minh, Mỹ muốn Nhật - Hàn giải quyết theo cách cùng có lợi |
Tuy nhiên, việc hủy bỏ chặng dừng chân ở Seoul cũng có nghĩa là Hàn Quốc sẽ chưa phải chịu sức ép (ít nhất là thời điểm hiện tại) để "chọn phe". Mỹ hiện là đồng minh an ninh lâu đời của Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc lại là đối tác thương mại hàng đầu.
Trong khi Hàn Quốc và Mỹ đang thu xếp lịch trình cho chuyến thăm của ông Pompeo, ban đầu dự kiến kéo dài trong hai ngày 7-8/10, thì đồng thời có tin đồn rằng chính phủ Trung Quốc cũng đang thảo luận với phía Hàn Quốc để cử Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới Seoul. Điều này đã làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc sẽ "ăn miếng trả miếng" trước chuyến thăm của Hàn Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.
Park Won-gon, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong (Hàn Quốc), nhận định: "Hàn Quốc đã tránh được việc rơi vào tình thế khó xử sau khi chuyến đi trên bị hủy bỏ".
Theo Giáo sư Park Won-gon, cả ông Pompeo và ông Vương Nghị đều sẽ đến Seoul với các chương trình nghị sự rõ ràng: Mỹ muốn Hàn Quốc tham gia vào "Chương trình Mạng lưới sạch" của riêng mình, trong khi Trung Quốc khuyến khích Seoul tham gia "Sáng kiến Toàn cầu về An ninh Dữ liệu" của riêng họ.
"Chương trình Mạng lưới sạch" là cách tiếp cận toàn diện của chính quyền Trump nhằm loại trừ các công ty công nghệ Trung Quốc ra khỏi cơ sở hạ tầng mạng Internet được Mỹ và các quốc gia khác sử dụng, trong khi sáng kiến của Trung Quốc là nhằm chống lại động thái của Mỹ.
Giáo sư Park Won-gon nói: "Mục tiêu đến Hàn Quốc của ông Pompeo là để hối thúc Seoul tham gia liên minh chống Trung Quốc. Và về vấn đề này, việc hủy bỏ chuyến thăm lại đang giúp chính phủ Hàn Quốc có thêm thời gian".
Mặc dù phía Mỹ khẳng định ông Pompeo sẽ sớm thực hiện chuyến công du tới Hàn Quốc ngay trong tháng 10 này, song Giáo sư Park Won-gon cho rằng "điều đó là không khả thi" bởi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, nên chuyến đi chỉ có thể được thực hiện sau bầu cử.
Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc (KRINS), phát biểu: "Tôi hy vọng ông Vương Nghị vẫn sẽ thăm Hàn Quốc. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông nhiều khả năng sẽ tập trung vào công tác chuẩn bị cho chuyến công du sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".
Kể từ chuyến thăm Trung Quốc gần nhất của Tổng thống Moon Jae-in (năm 2017), Hàn Quốc đã thúc đẩy chuyến thăm "có đi có lại" của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Seoul ngay trong năm 2020 để giải quyết các biện pháp đáp trả kinh tế mà Trung Quốc áp đặt đối với Hàn Quốc sau khi cho phép Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Tiềm ẩn bất đồng
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc hủy chuyến công du của ông Pompeo là biểu hiện của sự thất vọng đối với lập trường vẫn còn mâu thuẫn của Hàn Quốc.
Chuyên gia Shin Beom-chul nói: "Tôi nghĩ rằng chính những nhận xét hoài nghi của Ngoại trưởng Kang Kyung-wha về Bộ Tứ có thể đã tác động đến quyết định trên của Washington" bởi "ngay cả khi ông Pompeo đến đây thì ông ấy cũng sẽ không nhận được câu trả lời mà Mỹ mong muốn về Bộ Tứ. Do đó, ông ấy không cần phải đến Hàn Quốc nữa".
Tháng trước, bà Kang Kyung-wha đã phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến rằng "không phải là ý kiến hay nếu tham gia Bộ Tứ để kiềm chế Trung Quốc". Nhà nghiên cứu Shin Beom-chul cho rằng đây là "một thất bại ngoại giao".
Rõ ràng rằng, trên mặt trận ngoại giao, Hàn Quốc cần phải có cách tiếp cận thận trọng và có những tính toán riêng để cân bằng áp lực giữa Washington và Bắc Kinh, giống như lời nhận định của nhà nghiên cứu Shin Beom-chul: "Mặc dù Hàn Quốc đang cố gắng hưởng lợi từ các mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, song sẽ không có lợi ích nào đạt được khi hiểu sai về ý định thực sự của hai cường quốc này".
Kim Yeoul-soo, phụ trách bộ phận chiến lược an ninh tại Viện nghiên cứu các vấn đề quân sự Hàn Quốc (KIMA), cũng bày tỏ quan điểm tương tự: "Gần đây, các quan chức cao cấp của chính phủ, bao gồm cả Phó cố vấn An ninh Quốc gia Kim Hyun-chong, đã đến Washington và có thể đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung. Tuy nhiên, ông Pompeo đã không đến Hàn Quốc và điều này có nghĩa là hai đồng minh không 'cùng hội cùng thuyền' trong vấn đề này".
| Hoãn chuyến thăm Seoul, Ngoại trưởng Mỹ mong Hàn Quốc 'thông cảm' TGVN. Ngày 5/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc ... |
| Không còn là tin đồn, Mỹ sẽ điều chỉnh hiện diện quân sự ở Hàn Quốc và toàn cầu? TGVN. Trong tuyên bố đưa ra tại một sự kiện trực tuyến ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, Lầu Năm ... |
| Hàn Quốc 'chắc nịch' về nỗ lực kết thúc đàm phán chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ TGVN. Nhà đàm phán hàng đầu của Hàn Quốc về chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ, ông Jeong Eun-bo ngày 16/3 đã cam kết ... |