Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, California, Mỹ. |
Phải chăng đây sẽ là tiền đề để Trung Quốc (TQ) và Mỹ hướng tới xây dựng một khuôn khổ "quan hệ cường quốc kiểu mới" trong những thập niên tới?
Mỹ - Trung: đối thoại sẽ thắng đối đầu?
Có lẽ cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, California giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama ngày 7-8/6/2013 là chuyến thăm Mỹ nhanh nhất của một Lãnh đạo TQ kể từ khi chính thức lên nắm quyền. Hơn nữa, việc chuyến thăm được tổ chức không chính thức theo phong cách ngoại giao phương Tây, tại một địa điểm mà các Tổng thống Mỹ thường đón tiếp nguyên thủ các nước đồng minh đã cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Trung - Mỹ cũng như cách thức 2 nước sẽ xử lý quan hệ này thời gian tới.
Mục tiêu lớn chung nhất mà hai ông cùng hướng đến là định hình một khuôn khổ hợp tác mới và thu hẹp bất đồng giữa một siêu cường đang trỗi dậy và một siêu cường đã xác lập. Tuy nhiên, điều Mỹ muốn là duy trì trật tự thế giới mà họ đã xác lập trong nhiều thập niên qua, còn TQ đang trỗi dậy mạnh mẽ lại cần không gian mới để hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa" của mình.
Đối với Mỹ, việc TQ vươn lên thách thức vai trò của Mỹ là điều khó chấp nhận nhưng lại là thực tế đang diễn ra. Do đó, Mỹ mong muốn gắn TQ nhiều hơn với "trách nhiệm" của một nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương. Những động thái tích cực gần đây của TQ trong việc làm giảm căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên - một ưu tiên về an ninh của Mỹ - cũng như trong hàng loạt các vấn đề trong quan hệ song phương như hợp tác quân sự, an ninh biển, thương mại hay an ninh mạng đã thúc đẩy Mỹ ngồi lại với Trung Quốc.
Về phía TQ, sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo, Bắc Kinh bắt tay ngay vào hiện thực hóa tham vọng "phục hưng Trung Hoa," vươn lên thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Để tạo môi trường cho việc này, xây dựng một khuôn khổ quan hệ có tính chiến lược với Mỹ được coi là ưu tiên cấp bách hàng đầu đối với TQ trong ít nhất 10 năm tới.
Có hay không mô hình "quan hệ cường quốc kiểu mới"?
Trong hơn một năm qua, các lãnh đạo khác nhau của TQ đã nhiều lần đề xuất việc thiết lập "quan hệ cường quốc kiểu mới" với Mỹ. Bỏ qua các khác biệt về nội hàm cũng như hình thức của một mô hình "quan hệ cường quốc kiểu mới," hai ông Tập Cận Bình và Obama sẽ phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng.
Thứ nhất, "lòng tin chiến lược" luôn là thách thức không nhỏ giữa hai siêu cường này. Mặc dù giữa Mỹ và TQ có tới trên 100 cơ chế đối thoại thường niên nhưng như nhiều quan chức và học giả Mỹ thừa nhận, phần nhiều các cơ chế đó hoạt động không hiệu quả trong khi các quan chức và học giả TQ luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm với chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên là một vấn đề mà Trung - Mỹ cần tích cực hợp tác. Đối với Mỹ, đây là vấn đề can hệ tới an ninh của Mỹ trong khi TQ từ lâu vẫn được coi là đồng minh thân cận của Triều Tiên nhưng chưa gây sức ép đủ mạnh để Triều Tiên phải thay đổi. Căng thẳng gần đây đã có hạ nhiệt nhưng về cơ bản, vẫn chưa có giải pháp lâu dài nhằm đem lại hòa bình cho khu vực này.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác kinh tế Mỹ - Trung cũng là một bài toán khó dành cho hai ông Obama và Tập Cận Bình. Thâm hụt thương mại của Mỹ đạt mức kỷ lục là 330 tỷ USD trong năm 2012. Đó là lý do tại sao Mỹ luôn yêu cầu TQ minh bạch chính sách mua sắm của chính phủ, mở cửa thị trường và điều chỉnh tỷ giá hối đoái theo hướng trả đồng Nhân Dân Tệ về với giá trị thật.
Thứ tư, hợp tác an ninh - quốc phòng cũng là lĩnh vực then chốt trong quan hệ giữa hai nước và giúp cải thiện lòng tin. Gần đây, Mỹ và Trung Quốc liên tục có những cáo buộc nhằm vào nhau trong lĩnh vực an ninh mạng. Những cáo buộc do thám lẫn nhau là nguy cơ tiềm tàng dẫn tới các cuộc chiến tranh tin học, sẽ có nguy cơ làm giảm lòng tin giữa hai bên, kéo theo hợp tác quốc phòng giữa hai nước vốn đã yếu ớt càng trở nên dễ tổn thương hơn.
Ước muốn hình thành một khuôn khổ quan hệ Mỹ - Trung Quốc là điều lãnh đạo hai nước mong nuốn và thúc đẩy nhưng kết quả lại hết sức hạn chế do khoảng cách về nhận thức và cách hiểu của hai bên ngày càng cách biệt. Xây dựng quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo là một biện pháp tốt để thúc đẩy quan hệ song phương nhưng có vẻ như trong trường hợp này, Mỹ và TQ còn một chặng đường dài phía trước phải vượt qua.
Lại Anh Tú