Đường ống dẫn dầu thô “EACOP” gây tranh cãi giữa Uganda và Tanzania. (Nguồn: Business Insider) |
Châu Phi không chỉ giàu có về năng lượng không tái tạo như dầu mỏ, khí đốt, uranium, than… mà còn là nơi có nguồn năng lượng tái tạo sinh khối, thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà nhiều khu vực khác thèm muốn…
Sức hấp dẫn bền bỉ
Theo dữ liệu do tập đoàn dầu khí BP của Anh công bố, sản lượng dầu ở khu vực châu Phi cận Sahara năm 2021 đạt 345 triệu tấn, tương đương 8,2% nguồn cung thế giới và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 4,5%.
Sản lượng khí đốt tự nhiên của châu Phi năm 2021 đạt 258 tỷ mét khối, chiếm 6,4% nguồn cung toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%. Các quốc gia sản xuất dầu khí lớn ở châu lục này là Nigeria, Angola, Libya và Algeria. Trữ lượng dầu mỏ của châu Phi được tìm thấy tăng từ 75 tỷ thùng năm 1997 lên 125,3 tỷ thùng năm 2021. Những năm gần đây, nhờ vào tiến bộ trong thăm dò ở vùng biển sâu và cực sâu, nhiều mỏ mới được phát hiện và khai thác kể cả ở các quốc gia chưa từng sản xuất dầu mỏ.
Ở Mozambique, các mỏ khí đốt tự nhiên lớn với trữ lượng khoảng 5.000 tỷ mét khối đã được tìm thấy vào năm 2010 ở tỉnh Cabo Delgado miền Nam sa mạc Sahara. Dự án khí đốt Coral Sul do tập đoàn dầu mỏ ENI của Italy điều hành ở đây với công xuất 3,4 triệu tấn khí hóa lỏng (LNG) mỗi năm có thể đưa Mozambique gia nhập câu lạc bộ các nhà xuất khẩu LNG chính của thế giới.
Sự giàu có về tài nguyên cùng với vị trí địa chiến lược, nhu cầu vốn, khả năng quản lý và khai thác tài nguyên còn hạn chế mang lại sự hấp dẫn cho lục địa. Bên cạnh đó, nhu cầu cấp bách về đa dạng hóa và bảo đảm nguồn cung năng lượng sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine là yếu tố thúc đẩy các quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và nhiều thành viên của EU muốn làm ăn với châu Phi.
Từ năm 2010 đến 2015, đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng ở châu Phi chiếm một phần năm tổng đầu tư vào lĩnh vực này tại khu vực (13 tỷ USD). Trước năm 2021, lượng nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga là 43,2% so với chỉ 21% đến từ châu Phi nhưng nay đã ngược lại. Các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung mới từ Algeria, Nigeria, Libya, Angola, Mozambique hay Ai Cập. Italy, quốc gia nhập khẩu tới 45% lượng khí đốt từ Nga đã ký các thỏa thuận mua khí đốt thay thế từ Algeria, Ai Cập, Angola và Congo từ năm 2022.
Giàu nhưng vẫn nghèo
Mặc dù giàu tài nguyên nhưng châu Phi hưởng lợi rất ít từ nguồn này. Dân số các quốc gia cận Sahara chiếm khoảng 16% dân số toàn cầu nhưng chỉ tiêu thụ 3,4% năng lượng của thế giới. Tỷ lệ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của châu Phi cũng thấp hơn tỷ lệ sản xuất, chỉ khoảng từ 4% đến 8% tùy loại.
Phần lớn dân số vùng cận Sahara phụ thuộc vào năng lượng sinh khối vì không có các nguồn năng lượng hiện đại như điện. Năm 2022, có tới 25 trong số 54 quốc gia ở châu Phi khủng hoảng năng lượng.
Dù là nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi cho đến năm 2021, thế nhưng Nigeria vẫn phải nhập khẩu hơn 90% nhiên liệu. Tình trạng của Nigeria cho thấy “lời nguyền tài nguyên” vẫn còn ám ảnh châu Phi bởi những nguồn thu lớn từ xuất khẩu dầu mỏ đã không tạo ra cú hích cho sự phát triển kinh tế. Tháng 8/2022, Nigeria để mất vị trí quốc gia dầu mỏ hàng đầu vào tay Angola.
Các nhà quan sát cho rằng, chính khoảng cách giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ năng lượng của châu Phi mới là lý do chính gây ra căng thẳng ở khu vực.
Những khó khăn trong tiếp cận năng lượng của người dân thường là nguyên nhân gây ra biểu tình như ở Ghana năm 2015, Cameroon và Guinea năm 2017… Tháng 8/2022, một cuộc đình công phạm vi toàn quốc tại Nam Phi phản đối cắt điện và tình trạng xuống cấp của các nhà máy nhiệt điện than.
Nhiều tháng qua, tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp luôn là mục tiêu của các cuộc biểu tình phản đối mở rộng dự án khai thác dầu mỏ và đường ống dẫn dầu thô “EACOP” gây tranh cãi giữa Uganda và Tanzania. Người biểu tình cáo buộc siêu dự án của TotalEnergies đang gây ra những tác hại nghiêm trọng đến môi trường và an ninh tại khu vực. Các cuộc biểu tình tương tự khá phổ biến ở châu Phi khiến nhiều nhà quan sát cho rằng có mối tương quan tiêu cực giữa sự giàu có về tài nguyên và mức độ phát triển ở lục địa này.
Bên cạnh đó, những yếu kém về quản trị và cấu trúc nhà nước là yếu tố châm ngòi cho các cuộc nội chiến ở Libya, Sudan, Chad và một số quốc gia khác. Kể từ khi Nigeria độc lập vào năm 1960, người dân ở các vùng dầu mỏ của nước này luôn cáo buộc chính quyền trung ương chiếm đoạt doanh thu từ dầu mỏ.
Trong những năm 2004-2005, Phong trào giải phóng đồng bằng sông Niger (MEND) đã ra đời đòi hỏi một sự phân phối hợp lý hơn doanh thu từ dầu mỏ. Thế nhưng, theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), do gia tăng các hành động bạo lực chống lại nhà nước và các công ty dầu mỏ, MEND đã làm giảm một phần ba sản lượng dầu hàng ngày của Nigeria trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh xung đột nội bộ, tranh chấp giữa hai quốc gia tại khu vực có trữ lượng năng lượng lớn cũng thường nổ ra như giữa Nigeria và Cameroon tại khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt Bakassi. Tình trạng mất an ninh do lực lượng dân quân có vũ trang, căng thẳng giữa các cộng đồng và các vấn đề quản trị cũng là yếu tố cản trở các hoạt động thương mại và đầu tư tiềm năng. Shell, nhà điều hành chính ở Nigeria, đã phải rút khỏi một số khu vực ở nước này. Tháng 9/2010, tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM) đã bắt cóc bảy nhân viên của tập đoàn Vinci ở Niger, nơi khai thác urani cho các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.
Các địa điểm khai thác của phương Tây thường là mục tiêu của các nhóm khủng bố. Cuối tháng 3/2021, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công vào thành phố cảng Palma ở Cabo Delgado, khiến TotalEnergies phải tạm dừng dự án khí đốt “Mozambique LNG”... Hiện chỉ có dự án ngoài khơi của ENI có vẻ ít bị tấn công hơn do nằm ở ngoài biển xa.
Dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara, nối Nigeria với Algeria qua Niger dài hơn 4.100 km, cũng từng trải qua gần 10 năm không hoạt động, một phần do những trở ngại an ninh ở khu vực Sahel. Nhiều nhóm khủng bố thường xuyên hoạt động trên tuyến đường ống này như AQIM và IS ở vùng sa mạc Sahara lớn thuộc Niger, Boko Haram và IS ở Tây Phi, miền Bắc Nigeria.
Xe cơ giới thi công đường ống dẫn dầu thô “EACOP”. (Nguồn: Business Insider) |
Vàng đen hay năng lượng xanh?
Các nhà quan sát cho rằng, ở các quốc gia như Nigeria, có mối tương quan giữa việc khai thác dầu mỏ và bạo lực. Tuy nhiên, cũng có nhiều cuộc xung đột như các cuộc nội chiến ở Angola, Chad và Sudan xuất hiện trước cả khi dầu mỏ được xuất khẩu mà lý do là các yếu tố địa chính trị, văn hóa và sắc tộc...
Mặt khác, năng lượng vẫn là “vũ khí” chiến lược có thể chi phối tương lai của châu Phi nếu giải quyết hài hòa hai yếu tố phát triển và bảo vệ môi trường. Về phát triển, trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, nhu cầu đa dạng hóa nguồn lực và cạnh tranh năng lượng đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi sinh các dự án năng lượng ở châu Phi.
Thế nhưng, là khu vực địa lý đặc biệt, lại tiêu thụ ít năng lượng nhất thế giới, châu Phi là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Các hoạt động khai thác không được quản lý đúng mức đã và đang gây tổn hại đến đa dạng sinh học và sinh kế của người dân châu Phi.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ dân số khiến nhu cầu về tài nguyên tăng nhanh trong khi các nguồn đầu tư vào năng lượng sạch của châu Phi vẫn ở mức rất thấp. Nếu các nước châu Phi gia tăng khai thác một cách tràn lan thì sẽ lại đối mặt với nguy cơ môi trường do hệ sinh thái bị tàn phá. Do đó, vấn đề quản lý nguồn tài nguyên một cách hiệu quả và đầu tư vào phát triển năng lượng sạch sẽ mang lại giá trị thực sự và bền vững cho cả châu lục.