TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ: Triều Tiên không có dấu hiệu muốn đàm phán | |
Mỹ cảnh báo các thể chế tài chính làm ăn với Triều Tiên |
Ngày 4/12, liên quân Mỹ - Hàn bắt đầu cuộc tập trận quân sự chung trên không quy mô nhất từ trước đến nay, kéo dài 5 ngày. Cuộc tập trận mang tên “Vigilant Ace” này có sự tham gia của hơn 12.000 binh sĩ Mỹ và 230 chiến đấu cơ đến từ 8 căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh, tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến, mô phỏng tấn công chính xác vào các mục tiêu hạt nhân và tên lửa giả định của Triều Tiên.
Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên, được phóng thử ngày 30/11. (Nguồn: KCNA) |
Trước đó, Bình Nhưỡng ra thông cáo lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “cầu xin chiến tranh hạt nhân” thông qua “trò chơi hạt nhân nguy hiểm tột bậc trên bán đảo Triều Tiên”. Một xã luận trên tờ Rodong Sinmun tuyên bố cuộc tập trận không quân Mỹ - Hàn là “sự gây hấn nguy hiểm”.
Toan tính của các bên
Sau vụ phóng thử tên lửa Hwasong-15 hôm 30/11, Bình Nhưỡng vẫn cho rằng việc Washington đáp trả bằng hành động quân sự là điều khó xảy ra, bởi những thiệt hại về nhân mạng và kinh tế của một cuộc chiến tranh Triều Tiên thế kỷ XXI chắc chắn không thể đong đếm nổi. Với dàn pháo hạng nặng của Triều Tiên bố trí dọc theo khu phi quân sự chia cắt hai miền, 10 triệu người dân thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hiện đang nằm trong tầm ngắm. Bên cạnh đó, trong trường hợp chiến tranh nổ ra, Triều Tiên có thể nhắm vào Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng như các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Trong khi đó, Mỹ nhiều lần cố gắng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân bằng cả “cây gậy và củ cà rốt” - tức các đòn trừng phạt và đề xuất đàm phán – nhưng đều không thành công. Các nhà quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, dù có bị áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đến đâu, bởi đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự tồn vong của quốc gia này.
Vì vậy, dư luận đặt ra câu hỏi rằng, đâu là động cơ đằng sau những cuộc khẩu chiến và động thái đe dọa qua lại giữa Mỹ và Triều Tiên, nhất là khi cả hai bên đều không hề muốn bước vào một cuộc chiến?
Giới quan sát đưa ra nhiều giả thuyết về toan tính của Mỹ cũng như tác động của những chính sách này đến tình hình. Trước tiên, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là điều kiện thuận lợi để Washington bán vũ khí cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong chuyến công du châu Á hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã gợi ý người đồng cấp Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mua các loại vũ khí mới để ngăn chặn mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Trên thực tế, Hàn Quốc cũng chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự thông qua việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), thậm chí còn muốn sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó với láng giềng phía Bắc. Trong khi đó, Nhật Bản đang cân nhắc triển khai hệ thống lá chắn Aegis trên đất liền và hệ thống phòng không Patriot PAC-3 cải tiến.
Ngoài giao dịch vũ khí, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể là một lý do để Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực. Tình hình hiện nay cho thấy, nếu Triều Tiên không còn là một “điểm nóng” an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ có lẽ sẽ không còn lý do chính đáng để đưa binh sĩ đồn trú tại khu vực. Vì vậy, nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên là tác nhân khiến Tokyo và Seoul phải tiếp tục chấp nhận quân đội Mỹ ở cạnh bên.
Không thiếu giải pháp hạ nhiệt
Tuy nhiên, đến nay, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn chưa vượt quá “lằn ranh đỏ”, và thực tế là không thiếu giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra vừa qua đã nêu 57 biện pháp có khả năng giúp các bên giảm mâu thuẫn và xây dựng lòng tin.
Theo đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay là giảm nguy cơ xung đột vô tình bùng phát do hiểu nhầm hoặc các phán đoán sai, bằng cách thiết lập đường dây nóng, thành lập các nhóm làm việc hoặc ký kết thỏa thuận về an toàn hạt nhân, cam kết không chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các bên khác.
Tham vọng hơn, theo chuyên gia Dan Smith – Giám đốc SIPRI, khi đã triển khai một số biện pháp giảm thiểu rủi ro, mỗi bên có thể xác định xem họ có thể đưa ra các đảm bảo với đối phương ở mức độ nào.
Bình Nhưỡng luôn sợ rằng Washington và các đồng minh muốn thay đổi chế độ tại Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ có lý do để cho rằng tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng không chỉ dừng lại ở việc sở hữu năng lực răn đe mà còn nhằm thống nhất hai miền Triều Tiên. Gạt qua những nghi kị đó, các nước cần có bước đi để trấn an nhau và kiến tạo một nền hòa bình bền vững, Smith bình luận trên Eurasia Review.
Đến nay, “bóng ma” chiến tranh vẫn chưa rõ ràng, song nếu các bên không giữ cái đầu “lạnh” và tiếp tục đẩy mâu thuẫn lên cao, xung đột “nóng” trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn có thể nổ ra. Trong trường hợp đó, không từ ngữ nào đủ để mô tả về hậu quả khốc liệt của cuộc chiến. Giới phân tích vẫn kỳ vọng, viễn cảnh u ám như vậy sẽ thuyết phục được những phe phái diều hâu, bảo thủ suy xét lại tính toán của mình và cùng nhau tháo ngòi nổ “thùng thuốc súng” ở Đông Bắc Á.
Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên dịu bớt, Phố Wall tăng điểm Phố Wall đi lên trong phiên 23/8, khi các nhà đầu tư tranh thủ mua vào sau đà giảm gần đây, trong bối cảnh những ... |
Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên: “Đòn gió” hữu hiệu Chủ tịch Kim Jong-un đã khôn khéo sử dụng con bài tên lửa đạn đạo nhằm gây sức ép với Mỹ và giành lại thế ... |
Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt Ngày 15/8, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nghe báo cáo về kế hoạch bắn ... |