Chuyến đi được kỳ vọng tăng cường quan hệ song phương, nhất là về kinh tế này đã đáp ứng kỳ vọng của cả hai bên.
Đồng thuận về nhiều vấn đề lớn
Tại cuộc hội đàm ở Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận các chủ đề nhằm tăng cường hợp tác chính trị, hợp tác kỹ thuật - quân sự và trong lĩnh vực nhân đạo, giải quyết các vấn đề quốc tế như chống khủng bố, tình hình Bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng tại Syria...
20 văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, phát triển hành lang giao thông... đã được ký kết trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi sự kiềm chế tối đa của tất cả các bên liên quan nhằm xoa dịu những căng thẳng đang leo thang hiện nay. Hai bên nhấn mạnh rằng, Bình Nhưỡng phải tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi đó, thảo luận về tình hình Syria, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, tất cả các bên liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học tại Syria sẽ phải tôn trọng chủ quyền của nước này và ủng hộ một cuộc điều tra độc lập và toàn diện về vấn đề này.
Về vấn đề chống khủng bố, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn đẩy mạnh hợp tác thực chất và cam kết hỗ trợ nhau trong việc giải quyết các vấn đề cốt lõi của hai nước liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin bày tỏ nhất trí rằng hai nước cần tăng cường ủng hộ lẫn nhau, đẩy mạnh phối hợp trong các vấn đề lớn của khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, hai bên cần thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ song phương.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường liên lạc, phối hợp giữa hai nước khi giải quyết các vấn đề lớn, tăng cường trao đổi về chính sách và phối hợp hành động trong các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu để đối phó với những nguy cơ và thách thức, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, hai bên cần tăng cường hợp tác, ủng hộ nhau trong việc theo đuổi con đường phát triển riêng của mỗi nước.
Kết thúc hội đàm, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký 20 văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, phát triển hành lang giao thông, nghị định thư về phương hướng tăng cường hợp tác phát triển không gian thông tin cũng như thông qua kế hoạch triển khai giai đoạn 2017 - 2020 Hiệp ước hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện Trung - Nga.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Dmitry Medvedev tại Moscow.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, ngày 5/7. |
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá, sự hợp tác thiết thực giữa hai nước tục được mở rộng, nhấn mạnh Bắc Kinh duy trì phát triển quan hệ hợp tác với Moscow, tin tưởng vào hợp tác song phương trong việc đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Nga là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường”, quan hệ hợp tác thiết thực Trung - Nga có tiềm năng to lớn, triển vọng rộng mở.
Về phần mình, Thủ tướng Medvedev đánh giá quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Nga phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước cũng như hòa bình và sự phát triển của thế giới. Theo ông Medvedev, Nga mong muốn duy trì giao lưu cấp cao thường xuyên với Trung Quốc, mở rộng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, năng lượng, đồng thời thực hiện tốt các dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước. Thủ tướng Medvedev cũng khẳng định Nga sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của hai bên và đẩy mạnh giao lưu nhân dân.
Đối tác chiến lược ổn định
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được đánh giá là “đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử”. Cho dù các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ này khó có thể phát triển thành một liên minh, nhưng rõ ràng đây là mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định. Chính những thay đổi trong quan hệ quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.
Đây là lần thứ 2 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Nga kể từ khi nhậm chức năm 2013. (Nguồn: Sputnik) |
Nga, trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kể từ năm 2014 sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đã nhanh chóng "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương, và Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - là lựa chọn hàng đầu của Moscow trong chiến lược này.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng hy vọng Trung Quốc và Nga có thể duy trì mối quan hệ song phương theo cách tạo ra môi trường an toàn để đạt được các mục tiêu phát triển và hỗ trợ lẫn nhau thông qua hợp tác cùng có lợi.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, trong khi Nga là nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 69,52 tỷ USD, và chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 32,8 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai nước cũng đang hợp tác khá hiệu quả trong các thể chế tài chính đa quốc gia mới, như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Quỹ dự trữ ngoại hối BRICS.
Trong bối cảnh nền kinh tế cả hai nước đều trải qua giai đoạn khó khăn do những tác động từ bên ngoài, Moscow và Bắc Kinh cũng nhất trí kết nối giữa sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đề xuất.
Quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng được cải thiện đáng kể. Trung Quốc hiện đã trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga.
Mối quan hệ chính trị cũng được đẩy mạnh với việc Nga và Trung Quốc tổ chức các cuộc họp thường xuyên hàng năm giữa các cấp lãnh đạo, tạo những lực đẩy mới cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển.
Bên cạnh việc duy trì mối quan hệ láng giềng thân thiện, Moscow và Bắc Kinh cũng phối hợp hiệu quả trong các vấn đề quốc tế.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã đưa ra các lập trường tương tự nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng. Đó là: chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran, phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Chính phủ Syria, phản đối triển khai hệ thống Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Sự chia sẻ giữa Trung Quốc và Nga trong nhiều vấn đề quốc tế đã đặt nền móng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Việc Nga và Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác song phương cũng như đẩy mạnh phối hợp giải quyết trong các vấn đề lớn của khu vực và thế giới trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai cường quốc này.