📞

Margaret Thatcher - Người không thích ngoái đầu nhìn lại

11:54 | 12/04/2013
Hiếm có nhân vật nào trong thế kỉ XX lại thu hút nhiều sự thù địch lẫn kính nể như bà Margaret Thatcher, người vừa qua đời ở tuổi 87. Lúc sinh thời, bà cũng đã từng nhận mình là một "Người đàn bà thép, không bao giờ thay đổi và chẳng thích nhìn lại". Và cuộc đời bà đã chứng minh điều đó, bà đã giữ lời.
Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tại Windsor ngày 19/6/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những thời điểm đáng nhớ trong nhiệm kì của bà là việc giải tán cuộc đình công của Hiệp hội mỏ quốc gia năm 1984, chiến thắng trong chiến tranh Falklands 1982, giữ nước Anh đứng ngoài khu vực đồng Euro và không kém phần quan trọng là việc nắm bắt được tầm quan trọng của Mikhail Gorbachev. Nhưng rốt cuộc, điều đáng nhớ không kém chính là việc người đàn bà thép đã làm “ê mặt” chính giới Anh - vốn dĩ là "câu lạc bộ của các quý ông" - để ở trên đỉnh cao quyền lực.

Đưa nước Anh trở lại

Khi bà Thatcher trở thành thủ tướng vào năm 1979, nước Anh – “một tổ thiên nga trong một chiếc hồ lớn”, như văn hào Shakespeare đã từng ví von - đã bị tước mất đế chế của mình và niềm kiêu hãnh. Bà Thatcher và Chủ nghĩa Thatcher đã tìm cách hồi sinh những gì có thể hồi sinh. Ở một mức độ đáng kể, bà Thatcher đã đặt nền móng cho sự bùng nổ dưới thời Tony Blair, dù vậy tình hình suy thoái hiện nay ở Anh lại một lần nữa khiến những người phê bình bà lên tiếng cho rằng di sản bà để lại là “độc hại”.

Thế nhưng bà Thatcher không chỉ có niềm tin, bà còn có những đức tin vô cùng mạnh mẽ. Trong một cuốn sách mới đây với tựa đề Strange Rebels, (tạm dịch: Những kẻ nội dậy lạ kỳ) tác giả Christian Caryl cho rằng bà Thatcher đã dành nhiều thời gian nghiên cứu những cuốn sách kinh tế kinh điển, bà yêu thích tranh luận các ý tưởng và thường luôn giành chiến thắng dễ dàng trước các đối thủ. Và rằng chính "sức mạnh của lòng nhiệt tình và hăng hái của bà trong việc thực thi các ý tưởng bảo thủ đã khiến bà trở nên độc nhất vô nhị".

Bà không phải là thủ tướng Anh vĩ đại nhất trong lịch sử, điều mà có lẽ kể cả một người đã trở nên “ngạo mạn” như bà trong những năm cuối cùng ở Số 10 Phố Downing cũng không dám tự nhận. Nhưng bà là Thủ tướng Anh vĩ đại đầu tiên của đảng Bảo thủ kể từ thời Thủ tướng Winston Churchil vô song và chắc chắn là một trong những thủ tướng đáng gờm nhất. Thế nhưng, đến giữa những năm 1970, nước Anh đã trở thành một quốc gia đầy rẫy khó khăn và lộn xộn. Nước Anh, một thời từng là từ đồng nghĩa với năng suất vô địch, đã chìm đắm trong sự uể oải và chán nản. Thất nghiệp đã lên tới con số 2 triệu. Sản xuất đã sụt giảm khoảng 16% chỉ riêng trong năm 1980.

Bà Margaret Thatcher bước vào vũng lầy này với quyết tâm không chỉ khôi phục lại tự do kinh tế mà cả giá trị đạo đức truyền thống. Sự quyết tâm của bà đã gây ấn tượng kể cả với những người chống đối bà kịch liệt nhất. Ví dụ, trong hồi kí của mình, Christopher Hitchens, một ký giả rất tiếng tăm của Anh nhớ lại rằng "vào cuối những năm 1970, điều khủng khiếp nhất của 'chủ nghĩa Thatcher', như tôi đã từng bước nhận ra, chính là sự gặm nhấm trong tâm can tôi, cảm giác khó chịu nhưng đeo đẳng rằng có lẽ trong một số vấn đề trọng yếu bà có lẽ đã đúng". Liều thuốc đắng bà đã kê cho nền kinh tế- cắt giảm chi tiêu công - đã gây bất ổn trong nội bộ đảng Bảo thủ. Nhưng thay vì xoa dịu, bà đã chế giễu họ tại kì họp đảng Bảo thủ vào năm 1980, nơi bà đã nói với họ rằng họ có thể rút lui một cách hèn nhát. Nhưng bà thì không.

Bà có thể đã đúng trong những vấn đề nào? Một điều chắc chắn chính là việc bà đã bán lại các công ty nhà nước như British Gas và British Telecom. Bà không chấp nhận việc nhà nước, và một mình nhà nước có trách nhiệm vực dậy các công ty làm ăn thua lỗ hay trợ cấp cho người dân vĩnh viễn. Thay vào đó, bà nhấn mạnh đức tính căn cơ và lao động cần cù. Bà cũng yêu thích các ý tưởng về doanh nghiệp tư nhân, tự do, đạo đức. Bà không chấp nhận nước Anh chỉ là một thế lực dùng tiền. Thay vào đó, bà lập luận rằng nước Anh có thể trở nên vĩ đại một lần nữa, một phần nhờ việc giữ khoảng cách đối với liên minh EU.

Không chỉ với nước Anh

Trong suốt bề dài của thế kỉ XX, bà cùng với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã có những đóng góp to lớn cho sự thành công của phương Tây, trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Trong thời khắc quan trọng, bà cũng là người ủng hộ Tổng thống Mỹ George H. W. Bush trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và đã từng nói với ông rằng không được nhu nhược khi đối mặt với Saddam Hussein. Có lẽ bà nổi tiếng nhất với vai trò trong chiến tranh Lạnh, người mà đã tỉnh táo đưa ra cảnh báo về mối đe doạ từ Liên Xô. Nhưng bà cũng là người đầu tiên tuyên bố rằng mình có thể "làm việc" được với Tổng thống Liên Xô đầu tiên và duy nhất Mikhail Gorbachev, khi đó là một nhà lãnh đạo trẻ theo tiêu chuẩn của điện Kremlin, nhà cải cách mà rốt cục đã phá huỷ hệ thống chính quyền Liên Xô.

Một trong số ít các tờ báo đã nắm bắt được tầm quan trọng của lập trường của bà Thatcher trước Liên Xô là tờ Thời báo Los Angeles, khi nhận xét rằng "chính bà Thatcher là người đã nói rằng sự trỗi dậy của Gorbachev là cái gì đó hơn một khuôn mặt mới cho một hệ tư tưởng đã thất bại. Bà đã hối thúc Tổng thống Reagan trong việc cho Gorbachev một cơ hội để giữ cam kết xuống thang đối đầu hạt nhân và hướng tới một mối quan hệ ít mang tính đối đầu hơn giữa hai siêu cường quốc." Cùng với Reagan, bà đã giúp kết thúc chiến tranh Lạnh mà cả hai đã hết sức nỗ lực để chấm dứt. Đó là một hành động vĩ đại của một nhà lãnh đạo.

Vậy bà Thatcher có phải một người chủ trương hiện thực không? Chắc chắn bà đã mắc sai lầm lớn trong việc phản đối sự thống nhất nước Đức sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong tình huống này bà đã mắc kẹt trong quá khứ. Nhưng một lần nữa, những quan ngại của bà bắt nguồn từ sự cân bằng quyền lực. Bà đã chiến đấu để bảo vệ danh tiếng, sự tín nhiệm và danh dự của nước Anh trong chiến tranh Falklands. Và cũng chính bà là người đã cố gắng thuyết phục một cách vô ích Tổng thống Pháp Francois Mitterand rằng cả hai nên cùng nhau phản đối sự thống nhất nước Đức. Bà đã thất bại. Dường như bà chưa bao giờ đánh mất sự ác cảm đối với người Đức, với ý nghĩ rằng người Đức lại mong muốn chinh phục châu Âu và nước Anh. Bà đã sai.

Nhưng bảng thành tích tổng quát của bà cho thấy một hồ sơ thực dụng trong chính sách đối ngoại của nước Anh hồi đó. Bà Thatcher đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ không chỉ đối với nước Anh mà còn đối với cả thế giới. Có lẽ những người đàn em thực sự của bà hiện đang ở Bắc Kinh, nơi mà một dạng tư bản chủ nghĩa không bị kiềm chế đang thống trị, điều mà kể cả bà cũng không bao giờ có thể triển khai tại Anh. Di sản kinh tế của bà Thatcher một lần nữa lại là chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt ở Anh, nơi mà những cuộc tranh cãi về những hệ luỵ để lại bởi nhiệm kì của bà chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Nhưng không ai có thể bàn cãi việc bà đã đưa nền kinh tế tự do, không phải chủ nghĩa xã hội vào tâm điểm của cuộc tranh cãi đó.

Bà Thatcher đã vĩnh viễn ra đi, nhưng Chủ nghĩa Thatcher vẫn còn đó, ít nhất là đối với nước Anh.

Di Lân (theo The National Interest, Quarterly News)