Ngày 18/9, chính quyền Khu tự trị người Kurd ở Iraq đã thông báo tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd diễn ra theo đúng kế hoạch tuần tới, bất chấp sự phản đối của Chính quyền Iraq, cũng như các quốc gia có đông cộng đồng người Kurd sinh sống như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Động thái này có thể mang đến những hệ quả nghiêm trọng đối với tương lai người Kurd ở Iraq, cũng như an ninh của khu vực.
Là nhóm sắc tộc lớn thứ tư ở khu vực Trung Đông với dân số khoảng 30 triệu người, nhưng người Kurd chưa bao giờ có một nhà nước của riêng mình. Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất, cộng đồng người Kurd sinh sống tại vùng đất Kurdistan này đã bị phân chia ra bốn quốc gia là Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàng thập kỷ qua, họ đã phát động nhiều chiến dịch đòi quyền độc lập hoặc tự trị cho cộng đồng của mình. Tuy nhiên, phải đến những năm 90 của thế kỷ trước, cộng đồng người Kurd tại Iraq với khoảng 5 triệu dân mới được hưởng quy chế tự trị riêng trong một thỏa thuận với chính phủ nước này.
Kể từ đó, Kurdistan đã nhận được không ít đặc quyền như có quân đội và quốc hội riêng. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, bởi nhiều người Kurd muốn có sự độc lập của Chính phủ Khu vực Người Kurd (KRG). Cuộc trưng cầu dân ý ngày 25/9 tới được kỳ vọng sẽ biến giấc mơ này trở thành hiện thực.
Nguời Kurd biểu tình ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân về lập quốc tại thành phố Beirut, Lebanon. (Nguồn: AP) |
Khi người Kurd cô đơn
Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng tày gang, động thái này đã không nhận được sự ủng hộ của các nước, đặc biệt là quốc gia có đông cộng đồng người Kurd sinh sống.
Về phần mình, Chính quyền Iraq lo ngại cuộc trưng cầu dân ý sẽ phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, trong bối cảnh các lực lượng Iraq đang đẩy nhanh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, trong đó có nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Quốc hội Iraq cũng đã bỏ phiếu phản đối cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực người Kurd ở Iraq.
Ngày 14/9, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Baqeri và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tướng Hulusi Akar đã cảnh báo về “những hậu quả” của cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu tự trị người Kurd ở Iraq. 5 ngày sau, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Tổng thống Recep Erdogan cũng nhận định cuộc trưng cầu này sẽ tạo ra các “xung đột mới” tại Trung Đông. Trong trường hợp người Kurd bạo loạn, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra sẽ không nhân nhượng – bằng chứng là nước này đã tổ chức tập trận xe tăng ngày 18/9 vừa qua ngay tại cửa khẩu Habur, gần Kurdistan.
Liên đoàn Arab (AL) cũng đã phản đối cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq và nhất trí thông qua một nghị quyết bác bỏ cuộc trưng cầu ý dân này.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Washington quan ngại cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của chính quyền khu tự trị người Kurd là “sai lầm nghiêm trọng”, gây bất lợi cho Iraq và kéo theo các bất ổn trong khu vực, qua đó làm gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng sắc tộc.
Trong khi đó, LHQ hối thúc nhà lãnh đạo người Kurd ở Iraq Massud Barzani từ bỏ kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân và tham gia tiến trình đàm phán với chính quyền Baghdad cnhằm đạt được một thỏa thuận giữa hai bên.
Bản đồ về các khu vực có người Kurd sinh sống. (Nguồn: CIA) |
Thách thức trước mắt
Mặc dù ông Massud Barzani tuyên bố sẽ đối thoại với Chính quyền Baghdad sau cuộc trưng cầu ý dân, nhưng một khi kết quả được công bố, người Kurd vẫn sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Đầu tiên, KRG cần nỗ lực đoàn kết các nhóm trong nội bộ lực lượng dân quân người Kurd (Peshmerga), khi một phần ủng hộ đảng Người Kurd Dân chủ (KDP) cầm quyền ở KRG, trong khi phần còn lại ủng hộ đảng Liên minh Ái quốc Người Kurd đối lập.
Thứ hai, KRG cần phục hồi nền kinh tế của Kurdistan, vốn đang gặp khó khăn khi nguồn thu từ dầu mỏ đã sụt giảm đáng kể, do chi phí cho cuộc chiến chống IS trong khi giá dầu vẫn ở mức thấp.
Cuối cùng, người Kurd trong khu vực sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập, thậm chí là chiến tranh khi đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia láng giềng.
Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng người Kurd cần thận trọng với kế hoạch của mình. Việc không có nền tảng vững chắc và phải đối mặt với nhiều khó khăn sẽ đe dọa tới sự duy trì và phát triển của dân tộc này. Đáng quan ngại hơn, quyết định trưng cầu ý dân về lập quốc của cộng đồng người Kurd tại Iraq có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc nội chiến mới trong khu vực.