📞

Mosul: Khó khăn chồng chất thời kì hậu IS

17:27 | 11/07/2017
Thành phố Mosul, phía Bắc Iraq, vốn chịu sự chiếm đóng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã được giải phóng hoàn toàn. Cuộc chiến có thể đã chấm dứt, song khủng hoảng nhân đạo hiện vẫn đe dọa đến an ninh của thành phố.

Hàng chục nghìn binh sỹ Iraq, với sự hậu thuẫn của các máy bay và lực lượng đặc biệt của các nước phương Tây đã chiến đấu trong suốt gần 9 tháng trời để đánh bại các phần tử thánh chiến IS. Để mất Mosul, IS đã mất một trung tâm đầu não và cũng là một trong những biểu tượng thánh chiến quan trọng. Cuộc chiến tuy đã kết thúc nhưng hậu quả để lại là một thành phố Mosul bị tàn phá nghiêm trọng.

Binh sĩ và người dân Iraq ăn mừng chiến thắng. (Nguồn: Getty Images)

Chưa phải "ngày tàn" của IS

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để cho rằng cuộc chiến này đã kết thúc. Trên thực tế, chiến thắng đi cùng một cái giá không hề nhỏ: thành phố lớn thứ hai Iraq đã bị tàn phá nghiêm trọng, hàng nghìn người thương vong, trong khi hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa để đi tránh nạn.

Một loạt các thách thức chồng chất đang chờ phía trước, không chỉ trong việc tái thiết Mosul mà còn cả trong việc làm thế nào để đối phó với sự hiện diện của IS ở nơi đây.

Ông Patrick Martin, một nhà phân tích người Iraq thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh cho biết: “Chúng ta không nên cho rằng việc giành được Mosul đồng nghĩa với việc xóa sổ được IS”. Ông nhấn mạnh thực tế là tổ chức khủng bố này “vẫn đang nắm giữ một vùng thành thị rộng lớn”, nhất là ở Syria và ngay tại Iraq, “nếu các lực lượng an ninh không có những biện pháp để đảm bảo an ninh trước IS, chúng có thể sẽ lại trỗi dậy”. 

Tổ chức này cũng tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào thành phố Kirkuk, do người Kurd kiểm soát, chỉ vài ngày sau khi quân đội Iraq triển khai chiến dịch Mosul. Với tham vọng về một "Vương quốc Hồi giáo", IS nhiều khả năng sẽ chuyển hướng hoạt động và làm tất cả những gì chúng có thể để chứng minh rằng vương quốc của chúng vẫn chưa hề sụp đổ.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng mối đe dọa IS chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều, bởi chúng có thể sẽ tìm cách tái tập hợp và tiến hành các vụ tấn công trả thù trên khắp thế giới, nhất là ở phương Tây. Thất bại tại Mosul có thể sẽ buộc IS phải tìm một mảnh đất khác để tiếp tục giấc mơ thánh chiến của chúng.

Tân Hoa Xã dẫn lời nhà phân tích chính trị người Palestine Muhammad Hijazzi cho rằng, với kế hoạch mang tên “Những con sói nằm vùng”, IS sẽ tận dụng những phần tử đã có mặt tại các nước phương Tây để tiến hành các vụ khủng bố khi thời cơ thích hợp. 

Nhiều thách thức trước mắt

Sau khi đánh bại IS, Iraq sẽ bước vào giai đoạn tái thiết và hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, thách thức lớn nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt chính là những mối quan hệ phức tạp giữa nhiều bộ tộc, nhiều cộng đồng dân cư và tôn giáo, nhiều phe phái với ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài.

Khung cảnh tang hoang sau cuộc chiến chống IS tại Mosul. (Nguồn: Getty Images)

Hơn thế nữa, những thành quả có được sau chiến thắng sẽ nhanh chóng mất đi và xung đột có thể sẽ sớm tái diễn nếu các biện pháp an ninh không được triển khai kịp thời.

Nhà phân tích chính trị người Iraq Ibrahim al-Ameri nói: “Iraq đang đại diện cho thế giới chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố và chúng tôi cần sự phối hợp của cộng đồng quốc tế để chấm dứt cuộc chiến này, đem lại ổn định, tái thiết các thành phố và thị trấn bị phá hủy sau các chiến dịch tấn công IS”.

Theo một số ước tính, số tiền mà Iraq cần cho công cuộc tái thiết lên tới hơn 1 tỷ USD, một gánh nặng tài chính mà quốc gia này khó có thể tự gánh được. Một số chuyên gia cho rằng cộng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu cần cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Iraq để giúp họ nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh. 

Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia lo ngại về tiến trình hòa giải hậu chiến, có thể còn khó khăn hơn nhiều các nỗ lực tái thiết kinh tế. Theo ông al-Ameri, tình hình tại Mosul và nhiều khu vực khác ở Iraq rất phức tạp bởi nhiều phe phái và cộng đồng sắc tộc sẽ nhanh chóng tìm cách tranh giành quyền lực.

Thù hận và mâu thuẫn đã bị khoét sâu từ khi IS kiểm soát Mosul và việc IS bị đánh bại có thể sẽ dẫn đến bạo loạn, giết chóc và đẩy một số thành phố lại rơi vào vũng lầy xung đột.

Bên cạnh đó, các phe phái ở Iraq có thể sẽ tìm mọi cách để tái định hình bối cảnh chính trị theo hướng có lợi cho mình trong giai đoạn hậu IS. Và chắc chắn, cộng đồng người Sunni tại quốc gia này sẽ khó có thể chấp nhận một chính phủ dẫn đầu bởi người Shi’ite. 

(theo AFP/Tân Hoa Xã)