Củng cố lòng tin của các nhà đầu tư
Về thành tựu của AEC trong năm đầu thành lập, Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN Suh Jeong-in cho rằng, ưu tiên lớn nhất của các nước ASEAN trong thời gian này là thiết lập nền tảng cho hoạt động thành công của AEC. Theo đó, các nước thành viên đã đưa ra các kế hoạch hành động trong nhiều lĩnh vực như phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông quan, thúc đẩy thương mại và quyền sử hữu trí tuệ. Đồng thời, các nước cũng đã thiết lập hệ thống nhằm kiểm soát và đánh giá AEC theo lộ trình đến năm 2025.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm tới thị trường ASEAN. (Nguồn: DNSG) |
Trong khi đó, Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) Kim Young-sun đánh giá cao Hội nghị cấp cao ASEAN 2016 tại Vientiane (Lào) đã thông qua Sáng kiến kết nối ASEAN đến năm 2025 và Kế hoạch hành động về sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn III. Những nỗ lực này đem lại lợi ích khi nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có cách tiếp cận khu vực đối với AEC. Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Anbumozhi thuộc ERIA cho rằng AEC đã giúp củng cố lòng tin của các nhà đầu tư khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư bày tỏ quan tâm tới thị trường ASEAN.
Ở góc nhìn khác, nhà kinh tế học Tim Condon phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc ngân hàng ING cho rằng, khó nhận thấy những tiến triển trong năm đầu thành lập AEC, tuy nhiên điều này có thể xuất phát từ lộ trình hoạt động của AEC. Trong năm 2016, đã có những bước đi giữa các nước thành viên nhằm thúc đẩy hội nhập trong lĩnh vực tài chính song kết quả không dễ quan sát thấy. Về tổng thể, Tim Condon cho rằng, trong năm hoạt động đầu tiên, AEC đã không tạo ra sự cải cách mang tính đột phá. Đồng quan điểm này, chuyên gia Anbumozhi cho rằng, các nước ASEAN chưa có bước đi cụ thể về hài hòa hóa các tiêu chuẩn và quy định nhằm tận dụng cơ hội của sự hình thành cộng đồng kinh tế chung.
Nhiều thách thức cần vượt qua
Về các thách thức đối với AEC trong thời gian tới, Đại sứ Suh Jeong-in cho rằng, thách thức lớn nhất đối với hội nhập kinh tế ASEAN là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và chênh lệch trình độ phát triển, phản ánh qua khoảng cách giữa nền kinh tế Singapore với các nền kinh tế của Lào, Campuchia và Myanmar. Chuyên gia Anbumozhi cho rằng, AEC sẽ gặp thách thức trong dỡ bỏ các rào cản đối với liên kết thị trường tài chính, cũng như dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan trong các lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm. Anbumozhi nhận định sự di chuyển tự do của lao động có kỹ năng từ các nước Campuchia, Lào và Myanmar cũng là thách thức đối với AEC. Để vượt qua thách thức này, các nước ASEAN cần giải quyết các vấn đề liên quan đến quy định và thể chế, thành lập các cơ chế giám sát độc lập và tăng cường năng lực của Ban thư ký ASEAN.
Ảnh minh họa. (Nguồn: asean.org) |
Theo cách tiếp cận địa kinh tế, nhà kinh tế học Alicia Garcia-Herrero thuộc cơ quan phân tích Natixis cho rằng thách thức lớn nhất với AEC là khả năng Trung Quốc sẽ thúc đẩy hình thành Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thay vì chú trọng hợp tác với AEC và ASEAN. Lý do là Trung Quốc đã rút ra bài học từ Mỹ và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đó Trung Quốc sẽ tìm kiếm khuôn khổ hợp tác lấy Trung Quốc làm trung tâm và có quyền mặc cả lớn hơn.
Trong khi đó, Tổng thư ký AKC Kim Young-sun cho rằng các thay đổi trong môi trường kinh tế-chính trị toàn cầu sẽ tạo ra thách thức đối với AEC. Sự kiện Brexit (Anh rời EU) là cú sốc đối với các nỗ lực hội nhập khu vực. Thắng lợi của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ làm giảm khả năng Mỹ phê chuẩn TPP. Những bất trắc từ xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng tới tiến triển của AEC. Trong bối cảnh này, các nước ASEAN được khuyến nghị tận dụng cơ hội từ quy mô và tiềm năng của cả khối kinh tế, trên cơ sở giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế quan, khoảng cách hạ tầng giữa các nước thành viên và thiết lập hệ thống quy định minh bạch và hiệu quả nhằm hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu.